15 năm gieo mầm xanh trên đảo Hòn Chuối

|

Sau khi được người dân chỉ dẫn, chúng tôi cố gắng vừa… “thở dốc” vừa đếm đủ 375 bậc thang thì đến với lớp học “tự phát” của Thiếu tá Trần Bình Phục, Đội phó công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Ngự ở lưng chừng hòn đảo tiền tiêu xinh đẹp, 15 năm nay, dưới cái tâm, sự tận tụy của người lính mang quân hàm xanh này, nhiều thế hệ học trò từ ê a con chữ đến đổi thay cuộc đời.

Vì những ánh mắt trẻ thơ

Như mọi ngày bình thường, 7 giờ sáng, em Kim Hoàng Khang cùng các bạn học của mình bắt đầu một ngày mới ở lớp học của thầy Phục. Ở tuổi 12, lẽ ra Khang đã học đến lớp 6 nhưng năm nay em đang học lớp 3. Với trẻ em trên đảo và cả trong lớp học này, tuổi tác không phải là một trong những thước đo trình độ học vấn của các em. Nhiều em đến trường trễ hơn so độ tuổi của mình vì nhiều lý do khác nhau, khi cái bụng còn chưa ăn no, bộ quần áo còn chưa tươm tất, gánh nặng mưu sinh còn đè nặng lên đôi vai của những gia đình ở đây thì việc đến trường vẫn chưa phải là ưu tiên lớn nhất.

Khang hồn nhiên và say sưa kể cho chúng tôi nghe về một ngày của mình: Sáng em thức dậy khoảng 6 giờ, bữa sáng của em thường là một mẩu bánh ngọt hoặc cơm nguội từ hôm trước còn dư. Từ dưới ghềnh, trò đếm bậc thang đến trường vẫn là điều mà lũ trẻ như Khang và các bạn của mình thường làm trên đường đến trường. Con đường núi bây giờ đã được thay bằng những bậc thang ghép đá kiên cố. Khi đếm đúng đủ 375 bậc thì chúng sẽ đến với lớp học của mình. Đối với các anh chị lớn, các bạn còn có nhiệm vụ giúp đỡ các em nhỏ đến lớp nếu hôm nào thầy không xuống đón được. Một ngày học của các em thường diễn ra trong buổi sáng. Buổi chiều bạn nào lớn thì về phụ bố mẹ làm thuê việc ở dưới mấy bè nuôi cá. Như bạn Khang, mấy năm nay đã phụ mẹ làm công cho một bè cá dưới biển được họ trả công theo năm. Khang thật thà: “Em chỉ muốn phụ mẹ vậy để mẹ dành tiền mua đồ ăn cho gia đình. Em lớn lên đã không thấy ba bên cạnh nên em rất thương mẹ”.

Chị Nguyễn Thị Thi, phụ huynh hai học sinh của thầy Phục cũng chia sẻ: Người dân ở đây biết ơn các chú bộ đội lắm! Thầy Phục vừa là chú bộ đội, vừa là thầy, là người cha của lũ trẻ. Ở đây, người dân còn rất khó khăn, lo toan với cuộc sống mưu sinh hằng ngày nên việc học chữ, rèn người phần lớn trông cậy vào thầy Phục và các chú bộ đội cả. Hai đứa con tôi cũng đang được thầy kèm cặp, nhìn chúng bi bô đọc chữ, làm phép toán mà vui lây.

Bây giờ, sau nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền nhiều địa phương, các nhà hảo tâm, lớp học trên đảo Hòn Chuối đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều so ngày nó ra đời cách đây 15 năm. Mọi người vẫn gọi vui đây là lớp học có “view triệu đô” khi nó được bao quanh bởi một rừng cây xanh mát, quanh năm sóng vỗ tứ bề. Tiếng ê a đọc chữ của lũ trẻ nơi đây quyện với thanh âm của cây lá, chim muông nơi đây tạo nên cảnh bình yên đến lạ.

Ngược thời gian 15 năm về trước, mọi thứ lại không hề đơn giản và thuận tiện đến thế. Năm 1999, nhận phân công công tác của cấp trên, Thiếu tá Trần Bình Phục nhận nhiệm vụ trên đảo Hòn Chuối. Thời điểm đó, quân và dân nơi đây vừa trải qua cơn bão Linda đã tàn phá gần hết nhà cửa và tài sản của quân và dân trên đảo. Mọi thứ đều trở nên xác xơ, hoang tàn. Trong muôn vàn khó khăn đó, những ánh mắt trong trẻo, thơ ngây của trẻ em nơi này khiến anh tâm tư và không ngừng suy nghĩ. Tất cả chúng đều lớn lên theo đúng nghĩa “thuận tự nhiên” bám vào những bè cá, cửa hàng vắt vét vách đá và hoàn toàn không biết chữ. Cùng với những biến cố về sức khỏe, sau khi hết thời gian công tác, anh rời đảo mang theo những tâm tình, day dứt với lũ trẻ nơi đây. Năm 2003, anh quay lại đảo và đi đến một quyết định mà nhiều người không nghĩ anh dám đương đầu rằng “sẽ ở lại đảo và gieo vào chúng một tương lai sáng hơn”. Sau khi bị cấp trên từ chối, anh năm lần bảy lượt gửi đơn xin ở lại đảo công tác lâu dài. Anh quyết định bản thân sẽ gắn bó với những ánh mắt lũ trẻ thơ ngây làm anh day dứt bấy lâu nay. Anh sẽ giúp chúng biết chữ, biết làm một “phiên bản” tốt hơn, ít ra cũng là so với cha mẹ chúng. Những người bao đời lam lũ, gắn bó với vùng đất này mà không khá lên nổi.

Tương lai rộng mở hơn nếu…

Dựng được một nơi gọi là phòng học đã khó, vận động các phụ huynh “nhả người” để các em đến trường còn khó hơn. Hầu hết các gia đình trên đảo đều là ngư dân với nghề nuôi cá bớp. Không có tiền làm bè thì chịu cảnh làm thuê. Tự bao năm, người nối người, nghề nối nghề nên việc học chữ không được coi trọng lắm. Khí hậu nơi đây cũng khắc nghiệt nên người lớn con trẻ lớn lên đều nặng việc mưu sinh. Vốn là cán bộ vận động quần chúng của bộ đội Biên phòng, bằng tất cả sự tận tâm và trách nhiệm của mình, thầy Phục lại đến từng nhà, từng bè cá để tỉ tê với phụ huynh về hành trình gieo chữ của mình.

Gian nan mãi chẳng hết, dăm ba phụ huynh đồng ý để con lên lớp thì đến lượt lũ trẻ không chịu đến trường. Chúng đã quen với cảnh mưu sinh dặt dẹo, lênh đênh sóng nước hằng ngày. Việc kêu chúng ngồi yên một chỗ để đọc vần từng chữ cái rối rắm và lê thê quả là lắm gian nan. Nhưng với tâm niệm, quyết tâm là làm được, lũ trẻ đến với lớp học thầy Phục ngày một đông hơn. Có thời điểm, sĩ số của lớp hơn 20 em đủ từ lớp 1 đến lớp 7. Trong căn phòng rộng mấy chục mét vuông này có đến tận 3 cái bảng, lớp nào kiến thức nấy, thầy “bao” hết. Thiếu tá Trần Bình Phục bày tỏ: “Các em đến lớp là đã mừng lắm! Một buổi dạy phải phân thân thành nhiều kiểu giáo viên. Vừa chỉ cho các em cộng trừ số hàng nghìn bên này thì bên kia có em đang cần thầy chỉnh sửa nét chữ khi các em vừa bập bõm vào lớp một. Tiếng hỏi bài, tiếng đọc thơ, tiếng nhẩm tính phép toán tạo nên một âm thanh rộn ràng, đáng yêu đến lạ kỳ”.

15 năm trồng người của thầy Phục và các đồng nghiệp Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã tạo nên nhiều trái ngọt. “Nhiều bạn đã tiếp tục được hỗ trợ vào đất liền học tiếp và đỗ đạt nên người. Nhưng tôi luôn muốn nhiều hơn thế. Tham lam quá thì muốn nói là tất cả các em sẽ tiếp tục không bị đứt gánh giữa chừng. Bằng tất cả sự nỗ lực, tôi đã gieo cho các em con chữ, trao đến các em những bài học làm người đầu đời. Nếu được sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền các cấp, các địa phương, xã hội, tương lai của các em sẽ rộng mở hơn rất nhiều”, Thiếu tá Trần Bình Phục tâm tư.

Lớp học của thầy Phục và các đồng nghiệp của Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã lan tỏa nhiều nơi, trở thành nguồn cảm hứng của nhiều người. Chúng tôi trở lại lần này, ở lớp học thân thương đó, vẫn hình ảnh người lính mang quân hàm xanh quen thuộc đó để thêm một lần nữa được cảm phục tình cảm mà người lính Bộ đội Cụ Hồ dành cho người dân trên đảo, đặc biệt là với những tâm hồn non nớt, trong trẻo trên đảo. Mến chúc cho anh cùng các em học sinh của mình sẽ tiếp tục có nhiều niềm vui trên hòn đảo xinh đẹp này.

Đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau nằm cách đất liền gần 32 km về phía tây, diện tích khoảng 7 km2, điểm cao nhất so mực nước biển gần 170 m. Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía tây nam của Tổ quốc. Đảo có địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều nên cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia. Hiện lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Hòn Chuối quản lý đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.