“Mục sở thị” lán trại làm vàng thổ phỉ
Những ngày cuối tháng 12-2018, nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi vượt quãng đường hơn 200 km từ TP Vinh để tìm về xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An). Từ xa xưa, đây được coi là “thủ phủ vàng” của xứ Nghệ.
Khi đến tỉnh lộ 543C, thuộc bản Văng Cuỗm (cách trung tâm xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương chừng 3 km), người dẫn đường chỉ xuống khe Chà Hạ: “Các anh xem, họ làm vàng ở phía trong ấy. Nhìn kỹ một chút sẽ thấy dòng nước đục ngàu”.
Theo hướng tay người dẫn đường, ở ngã ba nơi khe Hốc (theo cách gọi của người dân địa phương) đổ vào khe Chà Hạ dòng nước bất ngờ vẫn đục cả một vùng. Chúng tôi vượt cầu khỉ bắc tạm qua khe Chà Hạ để bắt đầu chuyến hành trình. Từ vị trí dòng nước đục ngàu, chúng tôi ngược khe Hốc để tiến sâu vào núi sâu. Càng đi vào trong, nước khe Hốc càng nổi váng đỏ quạch. Khoảng 30 phút đi dọc khe này, chúng tôi bắt đầu thấy những đường ống dẫn nước, đường dây điện được kéo lên phía thượng nguồn. Cách đó không xa, một đường ống dẫn nước tự chảy được nối vào một thùng phuy cho những người làm vàng có thể tắm, giặt.
Kế bên, những thanh tre phơi quần áo la liệt dọc đường vào những lán trại đãi vàng. Tại đây, những chiếc lán trại làm chỗ ở cho phu vàng được dựng khá kiên cố. Trong lán trại này, có nhiều ba-lô, quần áo và nồi niêu, xoong chảo... thậm chí có cả bình, bếp ga phục vụ cho nhu cầu ăn ở của nhóm làm vàng chui. Trên bếp vẫn còn bữa ăn trưa dang dở.
Tiếp tục di chuyển, chúng tôi tiến đến công trường khai thác vàng trái phép. Nơi đầu tiên chúng tôi tiếp cận là một hầm vàng sâu hoắm, phía trên còn một chiếc xe rùa mới cùng hệ thống ròng rọc, dây tời dẫn xuống để vận chuyển đất đá lên đưa đi đãi vàng.
Theo lối mòn, chúng tôi tiến đến một lán trại khác. Đây được xem là “đầu não” của nhóm làm vàng thổ phỉ. Ở giữa dòng khe Hốc, một lán trại lớn mọc lên. Trong lán được trang bị nhiều máy móc, vật dụng thiết yếu cho việc đãi vàng như máy nổ, máy luyện vàng, và vô số cuốc xẻng, can dầu...
Giữa lán vẫn còn đó một đống đất đá có còn rất mới. Phía dưới, nhiều máy móc còn chưa kịp khô những vết dầu loang. Đặc biệt, băng chuyền lọc, đãi vàng nước vẫn... chảy.
Dù để tiếp cận vị trí khai thác vàng phải băng qua suối, đồi và được “chim lợn” báo khi có những người lạ mặt xuất hiện nhưng thấy chúng tôi, các phu vàng vẫn khá bất ngờ. Thời điểm chúng tôi có mặt, những phu vàng tuổi mười tám, đôi mươi đang nghỉ việc, nằm trùm chăn trong lán trại dựng tạm bợ. Những người làm vàng thổ phỉ chốn này thường là người dân bản địa. Họ cho biết được một người đàn ông từ thành phố Vinh thuê. Bãi vàng hoạt động được một tuần.
Được biết, vị trí nhóm thổ phỉ đang dựng lán trại khai thác vàng trái phép trước đây từng được cấp phép khai thác cho Công ty Trung Tín (ở TP Vinh). Tuy nhiên, mỏ này đã hết hạn từ tháng 2-2015. Đến nay, công ty này vẫn chưa hoàn thổ, giao lại mặt bằng cho chính quyền.
Chính quyền đang “bận”
Tình trạng khai thác vàng trái phép tại khe Hốc (bản Văng Cuỗm thuộc xã Yên Tĩnh) diễn ra nhiều ngày qua gây ô nhiêm môi trường, môi sinh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Thêm nữa, vị trí khai thác vàng trái phép chỉ cách tỉnh lộ 543C vài trăm mét, cách trụ sở UBND xã chưa đầy ba cây số nhưng chính quyền vẫn thờ ơ. Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh thừa nhận: “Phía xã đã nắm được thông tin nhưng còn bận họp nên chưa thể xử lý”.
Rồi ông Khiêm cho biết, hiện nay thực trạng khai thác vàng trái phép đang khiến chính quyền nơi đây đau đầu. Thực tế nạn khai thác vàng trái phép vẫn hoạt động bất chấp sự ngăn cấm và truy quét của chính quyền xã và cơ quan chức năng. “Dịp gần Tết, người dân địa phương chủ yếu là hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn thường đi làm vàng trái phép. Hiện nay, xã cũng rất quyết liệt trong việc chống vàng thổ phỉ. Cứ một tháng, chúng tôi có lập đoàn đi truy quét, đẩy đuổi tuy nhiên vẫn chưa thể triệt để. Thêm nữa, do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi lực lượng công an, dân quân xã vào truy đuổi thì những người khai thác vàng đã rút người và đưa máy móc vào rừng sâu. Đến khi đoàn kiểm tra rút đi thì chúng lại quay lại và đưa máy móc vào khai thác vàng. Thậm chí có trường hợp, khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt giấy phép khai thác khoáng sản, họ mới trình giấy phép đó cho địa phương nhưng rồi sau đó họ cũng “mất hút”, không thấy quay lại. Địa phương cũng chưa bàn giao đất cho đơn vị này”, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh nói.
Khi chúng tôi đề cập đến những giấy tờ, biên bản liên quan, người đứng đầu chính quyền xã Yên Tĩnh nói: “Hiện cán bộ địa chính đang đi cơ sở nên chưa cung cấp được”.
Được biết, qua một số lần truy quét, đẩy đuổi, chính quyền đã nhiều lần thu giữ máy móc, phương tiện của các đối tượng vàng tặc nhưng sau một thời gian đâu lại vào đấy... Việc khai thác vàng ở đồi núi cũng đã khiến các khe suối nước hạ nguồn như Huổi Nguyên, Chà Hạ, Khe Líp… và thượng nguồn dòng sông Lam đục ngàu. Có nơi, người dân không thể lấy nước suối để dùng. Vàng tặc còn sử dụng các hóa chất rất độc hại để đãi vàng như thủy ngân và Xianua (chất làm vàng) trong quá trình khai thác vàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương (Nghệ An) tỏ ra khá bất ngờ: “Ở phía trong đó, chúng tôi có một số anh em cắm địa bàn. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo về vấn đề này. UBND huyện đã có văn bản phối hợp giao trách nhiệm cho địa phương xã Yên Tĩnh. Trách nhiệm đầu tiên để vàng tặc ngang nhiên hoạt động là do chính quyền địa phương không kịp phát hiện và báo cáo với cấp trên và cơ quan chuyên môn (!?)”.
Ông Hùng đưa ra một loạt văn bản liên quan đến xử lý khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, ban hành văn bản là một chuyện, còn thực tế tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Yên Tĩnh vẫn tiếp diễn.
Huyện ủy vào cuộc
Liên quan đến thực trạng khai thác vàng trái phép, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương (Nghệ An) cho hay: “Cách đây 10 ngày huyện cũng lập đoàn vào kiểm tra, xử lý và đẩy đuổi nhóm khai thác vàng. Đích thân tôi và cơ quan chuyên môn cũng đã từng vào hiện trường nơi các xã có tình trạng khai thác vàng trái phép để kiểm tra, xử lý và đẩy đuổi. Chính quyền huyện đã từng xử lý trường hợp khai thác vàng trái phép, cũng đã tịch thu máy móc, phương tiện và xử phạt hành chính. Đặc biệt, huyện liên tục có những văn bản chỉ đạo trực tiếp và giao trách nhiệm cho ủy ban xã thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép.
“Riêng tại khe Hốc, sau khi nắm được thông tin, tôi có gọi điện yêu cầu Chủ tịch xã Yên Tĩnh kiểm tra, báo cáo. Tuy nhiên, khi đó Chủ tịch xã Yên Tĩnh báo cáo là đã nắm được nhưng có một cháu nào 16 tuổi mất tích nên phải huy động lực lượng tập trung tìm kiếm. Vì thế chưa kiểm tra, xử lý được”, ông Hải cho biết thêm.
Khi chúng tôi hỏi vì sao thực trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Yên Tĩnh và vùng phụ cận diễn ra suốt một thời gian dài mà không một tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm? Bí thư Huyện ủy Tương Dương khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo huyện là xử lý nghiêm vấn đề này. Trước mắt chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý đẩy đuổi tình trạng khai thác vàng trái phép. Sau đó, huyện ủy sẽ tiến hành lập đoàn và giao UBND kiểm tra xác minh các cá nhân xã Yên Tĩnh liên quan đến tình trạng để vàng tặc ngang nhiên hoạt động. Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và không bao che”.