Nụ cười & những thông điệp

|

Mồ côi cha từ nhỏ, ước mơ trở thành cô giáo, rồi khi ở cái tuổi đẹp nhất, gặp tai nạn, vĩnh viễn mất đi một bên chân. Nhưng cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm đã vững tâm, như chưa hề gặp tai họa. Nụ cười và nghị lực của cô đã truyền đi tinh thần vượt khó và sự sẻ chia với cộng đồng.

Nghĩ về mẹ mỗi khi mệt mỏi

Thầy và trò Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã quen với hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, với một bên chân giả, nhưng luôn nở nụ cười tươi, lạc quan, hết lòng vì học sinh và là “thủ lĩnh” nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm rất xông xáo, nhiệt tình.

Ngược trở lại tuổi thơ của cô gái sinh năm 1986 tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), khi ba mẹ con cô nương tựa vào nhau, Minh Tâm luôn nói với mẹ là mong ước trở thành cô giáo. Mẹ cô, bà Nguyễn Thị Bảy một mình nuôi hai con, bệnh tật liên miên, vô cùng trăn trở khi cuộc sống đang rất khó khăn. Cô con gái vẫn biết khó khăn của mẹ. Cô thưa: “Nhà nghèo quá, con không học nữa”. Thương con, bà Bảy cố gắng gấp đôi, gấp ba, chèo lái con thuyền gia đình, giúp ước mơ của con thành hiện thực. “Không có mẹ, tôi đâu có ngày hôm nay”, nhắc đến mẹ, cô giáo Minh Tâm nghẹn lại.

Trồng cây bao năm rồi đến ngày hái quả, thế nhưng khi con gái tốt nghiệp đại học, năm 2008 cô về Trường THPT Tân Thành, huyện biên giới Tân Hồng công tác, thì chỉ một năm sau tai họa ập xuống. Cuối tháng 8-2009, trên đường đi vận động học sinh, cô đã bị chiếc xe chở vật liệu xây dựng trượt dốc, cán nát bên chân trái. “Không nỗi đau nào tả xiết. Tôi cứ lúc tỉnh, lúc ngất và biết là mình sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ một bên chân. Lúc đó tôi thật sự rất sốc. Tôi đang là giáo viên, đứng trên bục giảng, tương lai rộng mở, mất một chân thì phải làm sao!”, Tâm hồi tưởng. Cô bùi ngùi: “Mẹ yêu tôi. Thấy con đau đớn, tuyệt vọng nên đêm đêm mẹ giấu tôi ngồi khóc một mình. Tôi cũng là niềm tự hào của mẹ mà. Thấy khuôn mặt mẹ hằn đầy sương gió, tôi tự nhủ để mẹ đừng khóc nữa, mẹ khỏe hơn thì mình phải cố gắng”.

Nghĩ là làm, cô giáo Minh Tâm tiếp tục tìm kiếm tương lai với một bên chân và một cây nạng gỗ. Rồi cô bắt đầu làm quen với chân giả, ròng rã suốt mấy tháng trời tập luyện, biết bao nhiêu lần ngã, cô đã đi lại được. Chính các em học sinh giàu tình cảm là nguồn động viên lớn của cô giáo trẻ. Có lúc vịn vào vai học trò. Nỗi đau nguôi dần khi cô tiếp tục dồn tâm huyết dạy học cho các em học sinh vùng khó. Thương cô giáo, các em chăm chỉ học tập tốt hơn. Nghị lực của Tâm khiến lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, Trường THPT Tân Thành cảm động và đã tạo điều kiện cho cô chuyển về Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh để công tác. Vậy là cô được về gần mẹ. Trong môi trường mới, Minh Tâm xin được đứng lớp chứ không chỉ làm việc ở bộ phận hành chính. Bởi trong thâm tâm, lúc nào cô cũng muốn gần gũi học trò. Nhà trường bố trí cho cô dạy toán lớp 10 và 11. Nhờ những nỗ lực trong giảng dạy mà cô luôn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cùng nhiều danh hiệu khác như Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Không dừng lại ở đó, tháng 8-2014 cô thi đỗ cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán.

Tâm chia sẻ: “Những năm qua, để vượt qua được những khó khăn của bản thân, tôi hay nghĩ đến mẹ, những người thân, những ai quan tâm động viên mình. Khi nghĩ đến họ, thấy họ đau buồn thì tôi luôn nói với bản thân rằng tôi không được gục ngã. Tôi còn tìm đến những người đồng cảnh để chia sẻ, động viên họ, giúp họ vượt qua khó khăn. Tôi vẫn thấy mình may mắn hơn so với các bạn khuyết tật khác khi vẫn có việc làm, vẫn có thể nuôi sống bản thân. Và tôi đã lập ra nhóm thiện nguyện mang tên Nhất Tâm”.

“Dẫn chứng thuyết phục về sống đẹp”

Cô giáo Hồ Thị Kim Hạnh, đồng nghiệp của Minh Tâm tâm sự rằng: “Minh Tâm là một tấm gương về nghị lực và niềm tin, một dẫn chứng thuyết phục hơn hàng vạn lời lẽ nào của một bài giảng về sống đẹp. Tôi còn nhớ như in cái không khí của buổi lễ 20-11-2015, cả sân trường lặng người đi. Cô Tâm xuất hiện trên sân khấu, nụ cười tươi rói, ánh mắt sáng ngời đầy tự tin, với chiếc váy hồng, cô thực hiện tiết mục múa sen bằng một chân, không cần chân giả. Tâm còn được mời ra Hà Nội để trình diễn thời trang cho chương trình “I am beautiful - you too” (Tôi đẹp, bạn cũng thế - một chương trình thời trang dành cho người khuyết tật). Cô ấy thật kiên cường”.

Năm 2015, trong cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” (dành cho người khuyết tật), tôi đã theo dõi suốt quá trình tập luyện và các phần thi của cô. Tâm đã lọt vào top 10, có mặt trong đêm chung kết diễn ra tại Hà Nội. Tâm đến với cuộc thi không vì để mình tỏa sáng mà muốn truyền niềm tin, hy vọng cho các bạn có số phận kém may mắn vì bị khuyết tật.

Tôi hỏi, đến lúc này, Minh Tâm nhận thấy cả quãng thời gian vừa qua, với nhiều khổ đau, thành công, hy vọng, cô thấy điều gì là quan trọng nhất với bản thân? Cô giáo trẻ trả lời: “Đối với tôi, điều quan trọng nhất là có sức khỏe để có thể chăm sóc mẹ già, công tác tốt và làm nhiều việc để có thể giúp ích cho mọi người”.

Chắc hẳn vì thế, tên nhóm thiện nguyện cô chọn là Nhất Tâm, mang ý nghĩa là chung một tấm lòng, tấm lòng là trên hết. Với tấm lòng, nhóm đến với các hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ, hỗ trợ và giúp một phần nào đó về vật chất, món quà mà nhóm hay dành cho các hoàn cảnh chủ yếu là tấm lòng, là tinh thần vượt khó.

Lại hỏi, vì sao Tâm nghĩ đến chuyện làm thiện nguyện, rồi ao ước mình có thể đi xa hơn nữa trong công việc này? Cô giáo trẻ bảo rằng, trước đây cô đi thăm một trung tâm bảo trợ xã hội, nhìn thấy nhiều em quờ quạng trong bóng tối, em khác nằm bệt trong vô hồn, những chàng trai tật nguyền đang gặm nhấm nỗi tuyệt vọng… Quá xúc động, Minh Tâm thấy mình còn hơn nhiều hoàn cảnh khác. Qua các lần thiện nguyện, bạn bè của Minh Tâm cũng biết đến và đóng góp. Quỹ của nhóm không có nhiều nhưng mọi người làm trên tinh thần có bao nhiêu giúp bấy nhiêu. Gần đây, có một cô giáo trẻ ở Trà Vinh bị tai nạn rồi cắt một chân, nằm điều trị ở TP Hồ Chí Minh. Cô giáo này cũng từng muốn buông xuôi tất cả, chán sống. Minh Tâm đã bắt xe lên bệnh viện thăm cô, động viên, giúp cô vui vẻ hơn và đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Với những hoàn cảnh khác, Tâm cũng chia sẻ, kể về các nhân vật vượt khó đã được đăng tải trên báo chí, giúp họ chuyển hóa từ hố sâu chán chường sang quyết tâm sống có ích. Nhiều người trong số đó cảm tưởng tâm hồn đã khô héo trong tuyệt vọng, nay hồi sinh, có sức sống. Tấm gương về cô giáo được truyền lan.

Những năm qua, Tâm không nhớ đã giúp và truyền lửa sống được bao nhiêu người. Cô chỉ biết rằng hễ có hoàn cảnh nào khó khăn bao gồm người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, học sinh nghèo, giáo viên khó khăn, bệnh nhân, người nghèo… là nhóm sẽ đến hỗ trợ và giúp đỡ. Nhiều người sau khi được nhóm giúp vượt qua tuyệt vọng, đã tình nguyện là thành viên của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm. Trong năm 2018, hoạt động mà Minh Tâm thấy để lại nhiều cảm xúc nhất là chương trình tiếp sức mùa thi. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của mọi người, vượt qua kế hoạch ban đầu của Tâm đưa ra. “Nhóm tôi đã tặng 4.347 cây viết chì cho thí sinh; phát 670 suất cơm miễn phí; phát khoảng 4.700 chai nước suối…”, Minh Tâm nói.

Thi thoảng tôi vẫn liên hệ với Tâm để chia sẻ về cuộc sống, hỏi thăm cô về công việc và sức khỏe. Tôi được biết trong những chuyến đi thiện nguyện, cô gặp trời mưa, đường lầy bị ngã. Tôi cũng được biết, cô vẫn phải thường xuyên điều trị vì mỏm chân cụt thường xuyên đau đớn, trầy xước. Nhưng tôi vẫn thấy lúc thì cô nhảy dây, khi tập bơi, lúc đi thăm trẻ em nghèo, phát cơm miễn phí, tổ chức bán hoa tươi gây quỹ… Việc bán hoa vô cùng nhọc nhằn, có khi ế ẩm, cô lại trích tiền lương bù vào.

Điều trăn trở lúc này với người thân của Minh Tâm, là mong cô ổn định gia đình riêng. Bản thân cô giáo trẻ sẽ lấy chồng khi gặp được người có thể chia sẻ và yêu thương mình thật sự. Hiện tại, cô vẫn dạy học, dành thời gian cho nhóm thiện nguyện để tạo ra nhiều hơn nữa các hoạt động giúp các hoàn cảnh khó khăn. Nụ cười và thông điệp của cô khiến tôi nghĩ đến những đóa hướng dương, đang hướng phía mặt trời.