Hoàn thiện đồng bộ thể chế

|

Sau thời gian dài thực thi, nhiều quy định trong hệ thống pháp luật đã bộc lộ một số bất cập so thực tiễn, chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh. Thậm chí có luật mới ban hành nhưng cơ quan soạn thảo đã kiến nghị sửa hoặc bổ sung. Trước tình hình này, cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, có như vậy mới giải phóng sức sản xuất và khơi thông được các nguồn lực cho phát triển.

Điểm nghẽn thể chế

Luật Đấu thầu là một thí dụ. Dù mới được thực thi từ đầu năm nay nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập như câu chuyện tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Sau một năm chờ đợi, nhiều bệnh nhân tại đây mới được phẫu thuật cận thị. Đây là thời gian chờ đợi không đáng có đối với những người mắc bệnh đơn giản này. Nguyên nhân là do vướng những quy định của Luật Đấu thầu, bệnh viện không thể mua được vật tư và hóa chất. PGS, TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Mắt T.Ư nói: “Về chuyên môn, chúng tôi có những đội ngũ bác sĩ rất giỏi. Tuy nhiên, chuyên môn chỉ có thể hoạt động được khi công tác đấu thầu tốt, có những trang thiết bị tốt phục vụ người bệnh”.

Theo đại diện một số bệnh viện, khó khăn lớn nhất hiện nay, chính là chưa có quy định về đấu thầu thuốc, vật tư cho nhà thuốc bệnh viện, dẫn tới tình trạng, nhà thuốc ở các bệnh viện không đủ cung ứng cho người bệnh. TS, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: “Đối với những vật tư hết sức thông thường, thí dụ, một băng dính trong bệnh viện là vật tư phổ biến và nếu lấy giá rẻ nhất thì có những loại lột cả một phần da của người bệnh. Thế nhưng có giai đoạn, không thể mua được những loại tốt vì tiêu chí kỹ thuật xây dựng cho một cuộn băng dính là rất khó và nếu lấy theo giá rẻ nhất thì nó chỉ như vậy”.

Nhằm gỡ khó, trong dự thảo luật sửa đổi một số điều của luật liên quan đến đầu tư, trong đó, có luật liên quan đến Luật Đấu thầu trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề xuất sửa những điều khoản tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm và đấu thầu tại các nhà thuốc.

Bà Trần Thị Nhị Hà, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất hy vọng Luật Đấu thầu sửa đổi lần này mặc dù mới được ban hành nhưng chúng ta đã kịp thời phát hiện ra những vấn đề hạn chế còn tồn tại, bất cập trong thực tiễn triển khai. Chúng ta đã mạnh dạn sửa đổi Luật Đấu thầu và chúng tôi cũng rất hy vọng vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc trang thiết bị y tế để phục vụ trong công tác khám bệnh, chữa bệnh của người dân cũng sẽ được thay đổi theo hướng tốt lên”.

Các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu thí dụ, với tổng chiều dài 64 km, sau 17 năm, dự án Đường vành đai 2 TP Hồ Chí Minh được đầu tư theo hình thức xây dựng, chuyển giao BT vẫn chưa thể hoàn thành. Dù đã được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo nhưng một số vướng mắc chưa được tháo gỡ. Hàng loạt dự án được đầu tư theo hình thức BT ở địa phương này cũng đang gặp vướng mắc, còn những dự án mới không thể triển khai bởi theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP có hiệu lực thi hành từ năm 2021 đã bỏ quy định về hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao BT. Vì lý do này, TP Hồ Chí Minh đã xin được áp dụng hợp đồng BT trong Nghị quyết số 38 về cơ chế phát triển đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết: “Qua thực tiễn TP Hồ Chí Minh triển khai, trước đây đã có những dự án theo hợp đồng BT đi vào hoạt động hiệu quả nhưng cũng có những hợp đồng BT đang vướng một số những cơ chế tài chính nhất định. Trên bình diện cả nước hiện nay, nhiều địa phương đang cần huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông”.

Trong dự thảo sửa đổi bốn luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) liên quan đến đầu tư trình tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã đề xuất cần tiếp tục áp dụng hợp đồng BT theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư. Điều này được cho là sẽ góp phần giúp hồi sinh khoảng 188 dự án BT đang phải đắp chiếu, gây lãng phí nguồn lực.

PGS, TS Trần Chủng, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định: “BT chính là đổi đất lấy hạ tầng. Đổi đất một cách công khai, minh bạch và nhà đầu tư cũng được lựa chọn một cách công khai, minh bạch. Tôi nghĩ hình thức này sẽ hấp dẫn trở lại, đặc biệt đối với các địa phương đang mong muốn phát triển hạ tầng địa phương, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp”.

Ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đồng quan điểm: Tôi đồng tình với việc đưa BT trở lại góp phần hoàn thiện hạ tầng cũng như chỉnh trang đô thị và giải quyết công ăn việc làm, thu ngân sách cho Nhà nước và huy động được nguồn lực của tư nhân cùng với Nhà nước theo đối tác công tư để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết căn bản, gốc rễ những bất cập tồn tại mà trước đây chúng ta chưa hoàn thiện trong khuôn khổ pháp luật.

Hệ thống pháp lý bền vững giúp tạo niềm tin sản xuất, kinh doanh. Ảnh: AN NHƯ

Luật có tính ổn định lâu dài

Hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Cụ thể hóa yêu cầu này, hoạt động của Quốc hội đã tạo lập được hệ thống pháp luật cơ bản, đầy đủ, ổn định, chất lượng, đồng bộ, thống nhất, khả thi góp phần thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, hệ thống pháp luật còn có những điểm nghẽn. Đó là, chất lượng xây dựng hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Một số luật mới ban hành phải sửa đổi. Các quy định chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo. Nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu: “Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho chính phủ, địa phương quy định để linh hoạt điều hành. Tuyệt đối, không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội. Luật hóa các quy định của nghị định, thông tư”.

Nội dung này đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến nhận định, đó là các định hướng quan trọng trong đổi mới công tác lập pháp tạo ra bước đột phá về thể chế để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

Ông Đặng Đức Quy, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 17, Đảng bộ phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Tháo điểm nghẽn thể chế rất quan trọng, nó sẽ khơi thông cho các điểm nghẽn khác. Còn nếu điểm nghẽn thể chế chung ta chưa tháo được thì rất khó, các doanh nghiệp và người dân cứ lúng túng trong vòng luẩn quẩn, kêu không có người giải quyết. Chính vì vậy, sự cần thiết phải đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay cũng mang tính cấp thiết”.

Việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực tạo không gian phát triển mới cho đất nước là yêu cầu cấp bách. Trước đó, tại nhiều cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có họp chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 8, các đại biểu khi góp ý cho luật đều nhất trí luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quy định. Điều này giúp Luật có tính ổn định, lâu dài và tránh trồng chéo với các quy định khác.

Để xây dựng luật pháp ổn định, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, nâng cao năng lực của đội ngũ soạn thảo và đặc biệt chú trọng tới việc đánh giá tác động chính sách một cách khách quan. Luật có “tuổi thọ” cao cũng giúp tạo niềm tin để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bảo, cán bộ hưu trí trú tại phường Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) bày tỏ quan điểm: “Cần phải thay đổi tư duy trong công tác lập pháp để làm sao tránh tình trạng không quản được thì cấm. Kỳ họp Quốc hội lần này đã đề cao đổi mới tư duy trong công tác lập pháp để xây dựng luật minh bạch và có tính bền vững khiến cử tri chúng tôi rất hoan nghênh”.