Cần xử lý nghiêm!

|

Việc tung tin sai lệch, bịa đặt lên mạng xã hội là rất nguy hiểm! Trong “thế giới phẳng”, mỗi cá nhân cần ý thức rõ hành vi và chủ động trong việc tiếp nhận thông tin để không bị kẻ xấu lợi dụng. Đồng thời, những hành vi vi phạm pháp luật cần sớm bị nghiêm trị.

1/ Hiện nay, một số đối tượng đang sử dụng mạng xã hội vào mục đích không đúng đắn. Đã có những cá nhân trở thành nạn nhân của trò câu “like” quá trớn. Việc tung tin thất thiệt lên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần, tính mạng của không ít người. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều nạn nhân đã không thể hoặc không muốn truy đến cùng kẻ tung tin thất thiệt bôi nhọ danh dự, quyền lợi của mình.

Sau sự việc thanh niên đăng tải clip “chủ quán trà đá dùng nước rửa chân bán cho khách”, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ. Hay vụ việc thanh niên tung tin thất thiệt trên facebook sau vụ án mạng ở Vĩnh Phúc, công an TP Việt Trì đã triệu tập đối tượng để làm rõ. Trước đó, đối tượng đăng tải thông tin trên trang facebook cá nhân dưới nhan đề: “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì - Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại”. Gần đây, lại xuất hiện thông tin đồi trụy gán cho hai nữ sinh ở Bình Thuận và Đồng Nai… Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ và xác nhận không có sự việc xảy ra trên địa bàn. Nhưng thông tin thất thiệt trên suýt nữa đã lấy đi tính mạng của hai cô gái.

2/ Việt Nam đã có các luật, nghị định điều chỉnh hành vi liên quan đến các hiện tượng trên. Trong trường hợp thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Còn theo Khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và Điểm b, Khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Điều 37, Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.

3/ Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Việc tung tin thất thiệt lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): Người tung tin lên mạng xã hội sai sự thật, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự. Người tung tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, việc đưa tin không chính xác, tung tin đồn thất thiệt chỉ để câu “like”, câu “view” hoặc vì một số động cơ bất chính khác đã không còn là chuyện hiếm trên môi trường mạng. Vì thế, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người sử dụng mạng xã hội cần trang bị đủ kiến thức để có thể tiếp nhận thông tin một cách chủ động, có sự phân tích, đánh giá, cân nhắc cẩn thận, để không bị các đối tượng xấu “giật dây”.