Đấy hẳn nhiên không phải là World Cup dành cho các Đội tuyển Quốc gia “xịn”, sân 11 người như ám chỉ của ông Dido, mà là World Cup của bóng đá trẻ và World Cup futsal. Nhưng ở khu vực Đông - Nam Á thì World Cup futsal hay World Cup U20 cũng là chiến tích đáng để tự hào. Đội tuyển futsal Việt Nam đi World Cup và thắng ngay trận đầu trước Goa-tê-ma-la, rồi sau đó vượt qua vòng bảng. Nói như “ông bầu” - “cha đẻ” của futsal Việt Nam Trần Anh Tú thì “từ đây, thế giới sẽ phải nhìn futsal Việt Nam bằng một con mắt khác”.
Còn với Đội tuyển U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn, mọi thứ đang dừng lại ở việc: Họ đã thắng đội chủ nhà Ba-ranh trong trận quyết đấu giành quyền đi World Cup. Năm 2017, U19 đã trở thành U20 chơi World Cup ra sao, có giành được ít nhất một trận thắng như futsal hay không lại là chuyện nằm trong “chế độ chờ”.
Tuy nhiên, những người hiểu việc biết rằng, đừng nói tới một chiến thắng, ngay cả một trận hòa ở VCK World Cup U20 thế giới thôi cũng là cực kỳ gian khó. Bởi, so với futsal, khoảng cách bóng đá 11 người giữa Việt Nam và thế giới lớn hơn rất nhiều. Cũng chẳng riêng gì Việt Nam, ở khu vực Đông - Nam Á, những đội U20 In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma đều đã lần lượt dự World Cup, và đều thua “lấm lưng trắng bụng”. Thành thử, HLV Hoàng Anh Tuấn rất tỉnh táo khi nói: “Được dự World Cup là hạnh phúc, nhưng phải tính toán làm sao để khi đến World Cup không bị quá thất thế trước người ta”.
Tính sao bây giờ? Giữ nguyên một bộ khung, gửi đi huấn luyện dài ngày bên trời Âu? Hay táo bạo đưa bộ khung ấy thử lửa trong hệ thống thi đấu V-League hoặc giải hạng Nhất năm nay?
Đấy là bài toán chuyên môn dành cho ê-kíp lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Còn với những người quan sát, vấn đề đáng bàn lúc này là: Sau hai chiến tích - hai lực đẩy World Cup, bóng đá Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để thật sự “phất” lên? Nói gì thì nói, thước đo số 1 của một nền bóng đá vẫn phải là thành tích của Đội tuyển Quốc gia sân 11 người - đội tuyển đang được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đó cũng là đội tuyển từng thất bại ở vòng loại World Cup 2018 (khi đó được dẫn dắt bởi HLV người Nhật T.Miu-ra (T.Miura)), và vừa đá xong một AFF Cup mang tính chất “ao nhà”.
Bây giờ mà đặt mục tiêu Đội tuyển quốc gia có thể tham dự World Cup 2022 thì có lẽ khối người ôm bụng, cười lăn cười bò, nhưng 2026 thì sao, 2030 thì sao? Nên nhớ, chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, đặt ra mục tiêu năm 2030 chúng ta phải nằm trong tốp 10 đội mạnh nhất châu Á. Mà nếu đã thật sự nằm trong tốp 10 đội mạnh nhất thì hẳn nhiên, cơ hội cạnh tranh suất dự World Cup là có thật.
Nhưng chúng ta sẽ thật sự chiến đấu như thế nào cho chiến lược mầu hồng ấy? Không phủ nhận bóng đá trẻ nhiều năm qua đã có những bước phát triển đáng kể, với bằng chứng là sự ra đời của “lò” Hoàng Anh Gia Lai JMG cùng nhiều “lò” có công đào tạo hiện đại khác. Nhưng ở V-League - sân chơi quan trọng nhất của các CLB, cái nền “nhặt quân cho đội tuyển”, vẫn có cơ man không biết bao nhiêu sạn (mà sạn lớn nhất là việc một ông bầu có thể tác động tới 3-4 đội bóng, khiến cuộc chơi bị nghi ngờ về sự trong sáng cần có - sự trong sáng tối thiểu của một hoạt động thể thao).
Thành thử, năm 2016, bóng đá Việt Nam có thể hạnh phúc vì giấc mơ World Cup trẻ và World Cup futsal đã thành hiện thực. Nhưng từ niềm hạnh phúc đó, nghĩ về một World Cup đích thực dành cho Đội tuyển Quốc gia lại thấy cả một con đường dài.
Con đường mà 15 năm trước, ông Đi-đô từng đặt nó vào trong giấc mơ của mình, còn chúng ta bây giờ hẳn nhiên không muốn nó mãi mãi, vĩnh cửu chỉ là con đường trong mơ!