Tôi không tới Tây Tạng để tìm kiếm những cuộc thiền hành. Nhưng Tây Tạng quả thật là một vùng đất khiến chúng ta mang đầy một cảm xúc thật khó tả khiến gợi nhớ đến tác phẩm “Thiên táng”, lời của nhân vật Trác Mã: “Trên vùng cao nguyên, bầu trời có thể thay đổi, con người ta có thể thay đổi, bò cừu, hoa cỏ đều có thể thay đổi, song các ngọn núi thiêng thì không”. Có những không gian, mấy trăm năm, vẫn giữ tinh thần riêng biệt.
Vẫn câu chuyện độ cao và giá lạnh
Thực ra Tây Tạng chỉ hiện đại ở một vài thành phố lớn. Dọc con đường cao nguyên Thanh Tạng, cái chất du mục và những ngôi nhà không có tường (lều) vẫn hiện hữu. Tiểu Lữ bảo thời tiết những ngày cuối thu sẽ có thể thay đổi đủ bốn mùa. Thoắt nắng gay gắt lại ào một trận mưa, gió tung người rồi tuyết rơi trắng trời.
Nắng Tây Tạng là một thứ nắng kỳ lạ. Nó làm cho làn da của những con người ở đây sạm đen lại, nhưng chỉ cần bước vào bóng râm là đủ lạnh run người.
Cuối tháng 10, thường Tây Tạng sẽ đón những đoàn khách cuối cùng. Đến Tây Tạng cả mấy mùa, cảm giác của tôi vẫn là “không đùa với thời tiết Tây Tạng được đâu”. Thời tiết cộng với độ cao thay đổi khiến những cơn đau đầu luôn hiện hữu, ngay cả khi đã có Hồng Cảnh Thiên (một loại thuốc chống sốc độ cao) hay đủ loại thuốc khác. Chúng tôi đều được dặn tuyệt đối không tắm ngày đầu tiên, kiêng bia rượu và ít vận động mạnh.
Mặc dù trước mỗi chuyến đi dài, chúng tôi đều dành 2-3 ngày ở Lhasa để quen với thời tiết và độ cao Tây Tạng, nhưng mọi thứ chỉ bắt đầu khi bắt đầu lên tới những con đèo xấp xỉ 4.000-5.000 m.
Cả ba hồ thiêng nhất Tây Tạng là hồ Yamdrok rộng 600 km2, có nơi dài tới 200 km ở độ cao 4.441 m, Manasarovar (4.590 m), Namtso (4.718 m) đều trông vô cùng yên bình nếu ngồi trong ô-tô. Nếu chỉ nhìn con hồ Yamdrok xanh ngắt, uốn lượn trên cao nguyên Shannan, mấy con Tạng ngao nằm lười biếng chờ khách du lịch, thì hẳn sẽ chủ quan khi bước ra. Gió thổi đau cả đầu, buốt và nắng rát. Triệu chứng tức ngực, khó thở, đau đầu bắt đầu xuất hiện. Cô bạn đi cùng đã bắt đầu nôn ọe, cần phải gài bình oxy. Hầu như ai cũng phải cầm theo một bình oxy trong người. Chúng tôi rất cố gắng để đi nhẹ, không ồn ào. Pubur dặn hãy uống nước từng ngụm nhỏ, hít thật sâu và thở ra từ từ. Bài học này tôi đã áp dụng trong cả hành trình và dù mệt một chút, nhưng tôi đã không phải dùng đến bình oxy ngày nào. Hành trình tới Giang Tử (Gyantse) - thành phố lớn thứ ba ở Tây Tạng, nằm trên độ cao 4.000 m, tôi vẫn gặp những người Tây Tạng vẫn đang ngồi ngoài trời, trong cái gió hun hút và vẫy tay chào chúng tôi.
Hành trình thử thách thật sự là tới thành phố Saga, bởi ở đây quá ít tiện nghi. Thường xuyên mất điện, thiếu nước trầm trọng, nhưng Saga là trung tâm của những cuộc hành hương dưới chân núi Kailash - ngọn núi thiêng nhất của người Tây Tạng. Pubur nói vào mùa hè, mây sẽ bao phủ, đỉnh núi không còn được rõ ràng. Còn cuối thu đầu đông, đỉnh Kailash sẽ nổi bật giữa dãy núi đen huyền bí, với ánh sáng rực rỡ phản chiếu tuyết trắng. Tựa như có những vị thần ngự trị. Thế nên người Tạng thường chọn cuối thu, lúc thời tiết bắt đầu khắc nghiệt để đi Kora (hành hương) quanh Kailash. Cuối tháng 10, tôi gặp một gia đình hành hương ở đây. Họ đã đi được một tháng, từ Shigatse tới đây, cũng không biết sẽ có bao nhiêu vòng Kora, trong cái lạnh âm 13oC. Dưới bóng núi, tất cả đều một mầu tối sẫm, chỉ có đỉnh núi là ánh sáng phản chiếu mầu tuyết lấp lánh.
Không còn những tòa cao ốc, đây mới thật sự là Tây Tạng của nắng và gió, với những lá cờ lungta phấp phới, cùng những ụ đá mani khắp các triền núi.
Và thực tế là càng đi, càng thấy, ngoài sức khỏe còn cần một tinh thần mới trụ được ở Tây Tạng. Trời Tây Tạng mùa thu đẹp vô cùng, những hồ thiêng nước xanh ngắt. Những hàng cây ngân hạnh lá vàng rực rỡ. Bầu trời trong veo cảm giác như chạm tới những cụm mây. Ở những độ cao cứ 4.900 m, 5.100 m, 5.230 m, rồi thấp cũng 3.881 m như ở Shigatse, lượng oxy ít dần, chúng tôi cũng ít cười đi. Nhưng ở tất cả những nơi đó, người Tây Tạng vẫn nở nụ cười.
Đã có lúc, vì quá lạnh, chúng tôi phải dừng lại ở một quán ăn ven đường để nghỉ. Bình oxy được đẩy ra cho người bạn đồng hành. Khoảnh khắc đó, chúng tôi đều chứng kiến đôi môi tím tái của anh bạn tôi trở nên hồng hào chỉ sau vài giây tiếp oxy. Vừa ăn oxy, vừa ăn tối. Chúng tôi đã nghỉ lại trong một căn phòng với toàn phân bò khô, cùng lò sưởi giữa nhà. Đó là căn nhà đặc trưng của người Tây Tạng, khác hẳn với những khách sạn hiện đại ở Lhasa hay Shigatse sau đó. Không có điện, chúng tôi chờ đợi để đun một ấm nước nóng pha trà làm ấm người và gần như thức trắng chờ trời sáng để tiếp tục hành trình. Nhiệt độ ngoài trời chỉ âm 11oC, đó là mới mùa thu tháng 10. GPS chỉ độ cao 4.900 m. Bà chủ nhà nói chuyện với tôi bằng tiếng phổ thông bập bẹ, rằng bà chưa bao giờ bước chân khỏi khu làng này. Ở đây, hầu như luôn khắc nghiệt như vậy, kể cả mùa hè, khi nhiệt độ giảm đi, thì những cơn gió vẫn rít đinh tai nhức óc như vậy.
Nhưng Pubur bảo đó là căn nhà thường thấy nhất, giữ ấm bằng lò sưởi và những bánh phân bò khô. Chỉ cần mở cửa, sẽ nghe tiếng gió rít như từ mười mấy ngọn núi thiêng đổ lại.
Những mối duyên lành
Hành trình trở về từ Shigatse, chúng tôi ghé Sakya, tu viện cổ nhất Tây Tạng. Có những người đã ở đấy suốt 9 ngày. Lần tôi đến đúng vào lễ cúng quan trọng nhất năm. Tu viện đã vẽ một bức Mạn đà la khổng lồ bằng cát mầu, bức vẽ hoàn thành trong 9 ngày. Tới ngày thứ 9, tu viện bắt đầu lễ phá hủy Mạn đà la. Pubur bảo đó là một triết lý, vạn vật dù có rực rỡ tới đâu, cũng có lúc phải lụi tàn, đừng nuối tiếc nó nếu đã đến lúc. Cũng như bức Mạn đà la kia, người ta đã rất kỳ công để làm ra nó, nhưng chỉ cần 9 phút để phá hủy. Tôi đã đến Sakya vào đúng ngày thứ 9, được các nhà sư chia cho túi bụi cát từ Mạn đà la để lấy may mắn.
Quỳnh Như, cô bạn đi cùng, thì thầm: “Đó thật sự là một duyên may”. Chúng tôi có một hành trình khó khăn và phải thay đổi lịch trình, tới Sakya muộn một ngày, nhưng rồi vì thế mà chúng tôi gặp đúng lúc kết thúc bức Mạn đà la tuyệt đẹp kia. Đó không phải là tiếc nuối, đó là sự đón nhận.
Bởi vậy, cái cảm giác ở độ cao 5.000 m, cùng cái giá lạnh phía ngoài bức tường tu viện, bỗng trở nên rất nhỏ. Tôi mơ hồ cảm nhận rằng, đó mới là Tây Tạng, là cái cảm giác mà chúng ta cần khi bước chân đến những độ cao thiêng này.
Một duyên may khác, là dù không chủ định, chúng tôi vẫn đến tu viện Sera (Sắc La) vào đúng giờ tranh biện buổi chiều. Tu viện được xây dựng từ năm 1419, là một trong ba tu viện tiêu biểu của dòng Gelugpa (Cách Lỗ), và là một trong 6 tu viện lớn của dòng Hoàng Mạo Giáo Tây Tạng. Nếu yêu thích truyện Kim Dung, hẳn nhiều người sẽ nhớ tới Kim Luân Pháp Vương - đó là một người theo dòng Hoàng Mạo Giáo. Sera, tiếng Tây Tạng nghĩa là mưa đá, vì tương truyền lúc xây dựng tu viện thì có mưa đá. Gác qua những câu chuyện tôn giáo, thì Vườn tranh biện của Sera là điểm làm nên sự độc đáo ở đây. Không mấy người hiểu các nhà sư đang tranh luận điều gì, không gian với âm thanh lớn gần như là những cuộc cãi nhau. Nhưng không gian này đã tồn tại như thế vài trăm năm. Nói ra quan điểm của mình, đó là một hình thức bắt buộc để đào tạo các Lạt Ma ở đây.
Với độ cao “khủng khiếp” của mình, không quá khó hiểu khi nhiều khách sạn từ Tứ Xuyên, Thanh Hải và Tây Tạng, đều có để một bình oxy trong phòng. Một người bạn tôi bảo “Đó là món ngon nhất khi đến Tây Tạng”. Hội chứng sốc độ cao chỉ khi ai gặp mới biết và có vẻ như nó không chừa một ai, cũng như không vì ai đó to khỏe mà tha cả. Năm ngoái, dân du lịch ngỡ ngàng trước thông tin một du khách đã tử vong vì sốc độ cao khi đến Á Đinh - một vùng cửa ngõ Tứ Xuyên thuộc cao nguyên Thanh Tạng. Có người mới chỉ từ khi bắt đầu vào cao nguyên Thanh Tạng ở độ cao 2.000 m đã choáng váng, có người phải tới ngày thứ hai ở Tây Tạng mới bắt đầu cảm giác khó thở. Nhưng AMS là thứ không ai dám chủ quan.
Suốt những ngày ở Tây Tạng và cả những chuyến sau đó, Pubur đã chuẩn bị sẵn một bình oxy to ở đằng sau xe, với hệ thống bánh xe cực chuyên nghiệp. Bình oxy này đã phải “sạc” vài lần mỗi khi vào thành phố lớn. “Đó là điều đương nhiên”, Pubur cười, “Cô có hiểu vì sao phải đi Tây Tạng lâu ngày chưa, vì chúng ta cần thời gian để quen đấy”. Điều đó lý giải khi bắt tay vào lên lịch trình, Pubur lẫn ông chủ của ông đều khuyên chúng tôi ở đây ít nhất 2 tuần. “Ít nhất 5 ngày, cô mới quen được với độ cao, cơ thể mới thích nghi được”, Pubur giải thích. Hóa ra không chỉ đơn giản là vì vùng đất này quá nhiều thứ khám phá. Đến Tây Tạng không nên vội!
Lúc trở về, tôi mua một tấm bưu thiếp, nhờ Pubur gửi về Việt Nam cho tôi. Tấm bưu thiếp sẽ có đóng dấu bưu điện hình cung Potala - biểu tượng của Lhasa. Bức bưu thiếp tôi chọn khá đơn giản, chỉ có một bông hoa tuyết liên trên nền mầu nâu.
Một tháng sau, tôi nhận được tấm thiếp, ngoài dòng địa chỉ, có ai đó đã điền thêm một dòng thơ bằng tiếng Trung:
“Để ta hóa thành một bông tuyết liên đang độ
Ngước nhìn bầu trời mênh mang
Phải duyên nhau, nhớ mang nhau vào câu thơ”
Những bông tuyết liên vẫn nở đâu đó ở những đỉnh núi tuyết!
“Nhập Tạng” (Kỳ 1)
“Nhập Tạng” (Kỳ 2)