Những con số rùng mình
Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai - Hà Nội) vẫn không khỏi “rùng mình” khi nhớ lại khoảnh khắc đứa con trai bốn tuổi bị bỏng trong tiệc liên hoan ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tháng 6. Chị Thu kể, hai con nghỉ hè từ cuối tháng 5, không có người trông nên anh chị phải để con ở nhà đứa lớn học lớp 3 trông đứa bé bốn tuổi và nhờ bà hàng xóm thỉnh thoảng qua “ngó nghiêng” giùm.
“Hôm đó, chung cư có tổ chức liên hoan cho các con. Phụ huynh cũng nướng mực, cá chỉ vàng để ngồi nhâm nhi cùng. Không may con lấy lọ cồn nướng mực để góc nhà nghịch và làm đổ ra người, lửa đang nướng gần đó bén vào làm con bị bỏng. Cũng may, người hàng xóm lấy vội cái chăn trùm lên người con để dập lửa nên con chị bị bỏng nhẹ. Nghĩ đến còn… sởn da gà”, chị Thu kể.
Cũng đầu tháng 6, một tai nạn thương tích hy hữu khác đã xảy ra với bé 5 tuổi khi đang ngồi trên xe máy cùng mẹ. Cụ thể, do người mẹ sơ suất không tắt xe máy khi dừng xe để mở cổng, bé gái 5 tuổi đã bất ngờ nắm tay ga vặn và làm chiếc xe máy lao về phía trước gây tai nạn. Bản thân bé bị ngã chấn thương sọ não.
Ngày 29-6, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi mới 33 tháng tuổi, bị súng tự chế cướp cò bắn đạn bi thẳng vào trán. Được biết, tai nạn hy hữu này là do cậu của bé đã chế súng bắn chim bằng đạn bi. Khi người cậu đi vắng, các chị của bé đã lấy súng ra chơi đùa và vô tình làm súng cướp cò, viên bi bay trực diện vào trán bé, xuyên vào bên trong. Cháu bé được đưa đến Bệnh viện tỉnh Bình Thuận, được chụp cắt lớp não, phát hiện viên bi xuyên vào bên trong, kèm dập não. Sau cấp cứu ban đầu, cháu được chuyển lên tuyến trên.
Không chỉ các tai nạn thương tích tại nhà và khu vui chơi. Mỗi mùa hè, tình trạng trẻ bị đuối nước diễn ra ngày một nhiều, trở nên nỗi ám ảnh của rất nhiều bậc cha mẹ.
Tại tỉnh Hòa Bình, chỉ chớm hè 2018 đã xảy ra liên tiếp bảy vụ đuối nước làm tám người tử vong, tại các huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn. Tất cả nạn nhân của các vụ đuối nước xảy ra từ đầu năm đến nay đều là trẻ em sinh các năm 2003, 2005, 2006, 2007, 2010, 2014, 2016. Ngày 23-6, tại Hải Phòng cũng xảy ra kết cục bi thảm với các cháu Nguyễn Văn Đ. (10 tuổi) và Nguyễn Bá Bảo H. (7 tuổi) cùng trú xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên. Hai cháu cùng một số bạn rủ nhau ra khu vực dưới chân cầu Kiền tại khu vực thôn 3, xã Kiền Bái để chơi. Trong lúc chơi đùa, hai cháu bé bị rơi xuống hố nước sâu gần chân cầu Kiền và tử vong.
Còn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong gần sáu tháng đầu năm 2018, đã có 27 trường hợp đuối nước, trong đó đa số là học sinh. Những trường hợp đuối nước trên có điểm chung là thường gặp nạn ở các ao, hồ do người dân đào để phục vụ tưới hoa màu.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, mỗi năm trung bình có 7.500 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng LHQ cũng đưa ra con số “giật mình”: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tình trạng này xảy ra phổ biến vào kỳ nghỉ hè hằng năm của trẻ.
Kéo con trẻ tránh xa hiểm nguy
Nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng trẻ gặp tai nạn thương tích, đuối nước vào mỗi dịp hè là do trẻ thiếu sân chơi an toàn, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm.
Chuyên gia xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình cho biết, việc thiếu sân chơi an toàn, bổ ích đặc biệt vào dịp nghỉ hè chính là nguyên nhân khiến trẻ em tham gia vào những trò chơi, khi thái quá dẫn đến mức độ nguy hiểm như game online, mạng xã hội… đối với trẻ thành phố; và ra chơi ở sông, hồ, ao suối… đối với trẻ nông thôn. Đặc biệt, việc trẻ được nghỉ học, không có người trông coi dịp hè cũng khiến nguy cơ gặp tai nạn gia tăng.
Để giúp con tránh các tai nạn thương tích, biết tự bảo vệ mình khi ở nhà, vui chơi hay đến những nơi công cộng, ngay từ khi các con bắt đầu năm tuổi, chị Nguyễn Thị Hà (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã cho các con tham gia học các khóa kỹ năng sống. “Có rất nhiều khóa học kỹ năng cho con như: phòng, chống xâm hại, học kỳ quân đội, khóa học kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn… Tuy nhiên những khóa học như thế học phí thường rất đắt đỏ, những gia đình có mức thu nhập trung bình hoặc các gia đình ở nông thôn, nơi trẻ cần nhất những kiến thức này lại khó có thể tiếp cận được”, Chị Hà nói.
Biết được những khó khăn của phụ huynh và nhu cầu về sân chơi của trẻ em trong dịp hè, trong hè này, anh Phạm Văn Tuấn (Thanh Trì, Hà Nội) đã mượn sân nhà văn hóa thôn Tân Hà, xã Duyên Hà để mở lớp võ thuật miễn phí cho trẻ em. Anh Tuấn cho biết: “Năm nào, cứ hè đến là xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng về trẻ bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, bị lôi kéo vào các tệ nạn… chỉ vì không có sân chơi. Suy nghĩ đó đã khiến tôi quyết định mở lớp dạy võ miễn phí, mục đích tạo sân chơi cho các em và rèn luyện sức khỏe”. Được biết, hiện lớp võ của anh Tuấn đã có đến hơn 60 trẻ đăng ký học vào các buổi trong tuần.
Để tạo sân chơi cho học sinh, năm nay, Trường tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội) cũng đã mở cửa suốt mùa hè để đón học sinh đến trường, nhưng không phải để học. Bà Nguyễn Thị Đào - Hiệu phó nhà trường cho biết, mỗi mùa hè việc tìm sân chơi lành mạnh và an toàn cho trẻ là điều mà không chỉ phụ huynh, chính giáo viên và ban lãnh đạo cũng rất trăn trở.
“Chính vì vậy, năm nay trường tổ chức mô hình quản lý học sinh dịp hè. Tại đây, học sinh có thể tự mình lựa chọn những lớp học kỹ năng phù hợp như: học nấu ăn, học làm MC, học yoga, bóng đá, bóng rổ, cùng nhiều kỹ năng sống mà nhà trường đã chọn lựa và mời các trung tâm uy tín về dạy. Đến trường, các em được vui chơi, không áp lực học hành từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều, phụ huynh cũng yên tâm làm việc”, đại diện nhà trường cho biết.
Trăn trở về an toàn cho trẻ dịp hè, nhiều trường học ở vùng nông thôn cũng nỗ lực bắt tay vào xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ. Gỡ “nút thắt” về kinh phí, năm 2018, nhiều trường tiểu học, THCS tại Bỉm Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Nông Cống (thuộc Thanh Hóa) đã kêu gọi doanh nghiệp chung tay xây dựng bể bơi lắp ghép, mở lớp đào tạo bơi cho trẻ tại chính trường mình.
Chị Nguyễn Thu Trang có con học tại Trường tiểu học Lam Sơn 1 (Bỉm Sơn) chia sẻ: “Khi biết trường có mở lớp dạy bơi, tôi đã lập tức đăng ký cho con theo học. Mặc dù chỉ là bể bơi được lắp ghép ngay trong sân trường nhưng bọn trẻ rất thích thú. Kinh phí theo học cũng phù hợp với kinh tế, con chỉ học một tuần là đã bơi rất tốt rồi. Đây thật sự là một sân chơi bổ ích cho con trẻ vào dịp hè”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, để có được những sân chơi lành mạnh rất cần sự chung tay vào cuộc của các cá nhân, tập thể, các cấp, các ngành và toàn xã hội. “Không phải ngẫu nhiên ngành giáo dục đưa ra một kỳ nghỉ hè dài cho học sinh. Đó là khoảng thời gian trẻ cần được vui chơi, giải trí để nạp năng lượng cho một năm học mới. Chính vì vậy, việc tạo cho các con sân chơi lành mạnh rất quan trọng. Đừng biến những mùa hè thành nỗi ám ảnh bài vở, học hành của con trẻ và nỗi lo lắng mất an toàn của phụ huynh”, TS Lâm nói.