Nguyễn Tiến Đạt
(Đức Trọng, Lâm Đồng):
Tôi đặt chân lên thành phố Đà Lạt mùa thu năm 1978, được phân công giảng dạy tại Trường THPT Bùi Thị Xuân. Tôi vô cùng ấn tượng về cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ được mệnh danh là “Paris thứ hai”, là “quê hương của các tiên nữ”. Những tháng ngày sống ở Đà Lạt, kỷ niệm in mãi vào ký ức không thể nào phai là nét đẹp thanh lịch của bà con nơi đây.
Thời đó, rảo bước trên mọi nẻo đường xuyên thành phố, từ trung tâm tới vùng ven, đâu đâu cũng dễ dàng cảm nhận những nụ cười, những ánh mắt thân thiện của bất cứ ai như muốn giang rộng vòng tay chào đón, bằng tất cả niềm tự hào là chủ nhân miền đất thơ mộng được thiên nhiên ban tặng. Ghé chợ Đà Lạt mua một ký gạo, một nải chuối, chủ cửa hàng, tiệm tạp hóa đon đả chào mời, giá cả hợp lý hầu như không phải đôi co, cò kè bớt một thêm hai hay nơm nớp lo sợ hàng dỏm.
Cùng với quá trình phát triển chung của đất nước, Đà Lạt thay da đổi thịt hằng ngày trên con đường đổi mới, đặc biệt là không ngừng phát huy được tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cũng đã làm biến dạng một số hoạt động kinh doanh liên quan du lịch, chủ yếu do một bộ phận cơ sở, bao gồm quán buôn bán đặc sản, khách sạn, nhà nghỉ, nhà vườn dưới dạng du lịch sinh thái ngấm ngầm câu kết nhằm tranh giành du khách, cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến làm tổn hại thương hiệu chung của Đà Lạt, tổn hại uy tín, chất lượng sống và gặm nhấm lòng tin - thứ tài sản vô giá của người dân Đà Lạt.
Vì vậy, cùng với việc xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, thiết nghĩ, công tác tuyên truyền thái độ ứng xử, tinh thần lịch thiệp, mến khách của người dân Đà Lạt trong hoạt động kinh doanh du lịch là giải pháp lâu dài, bền vững. Để Đà Lạt luôn là nơi “đất lành chim đậu”, thu hút khách thập phương tới thăm, góp phần củng cố, tạo dựng và phát huy tiềm năng xứ sở sương mù, mãi mãi là “xuân bốn mùa” trên Tây Nguyên hùng vĩ.