Cạm bẫy trong thế giới công nghệ
Việt Nam có hơn 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 53% dân số, là một trong những quốc gia có lượng người sử dụng internet nhiều nhất thế giới. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, trong 400 trẻ em Việt Nam thì có 78% sử dụng internet.
Trong một cuộc phỏng vấn nhanh do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) thực hiện đối với học sinh lứa tuổi THCS, hầu hết các em sử dụng thiết bị công nghệ đều không hề biết những nguy cơ từ internet, các trang mạng xã hội. Những nguy cơ mà các em nêu ra đều là những nguy cơ “có thể nhìn thấy” như cận thị, ảnh hưởng đến sức khỏe… Các em hoàn toàn mù mờ về những hiểm họa rình rập trên thế giới ảo. Đáng lo ngại là việc trẻ em bắt đầu sử dụng các phương tiện công nghệ số ngày càng sớm, thậm chí từ tuổi mầm non. Nhiều trẻ học lớp 1, lớp 2 đã có tài khoản trên các trang mạng xã hội, bắt đầu làm quen, kết giao trên mạng. Trong khi đó, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia công nghệ, khi sử dụng các thiết bị công nghệ, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần: như tiếp cận những trang mạng khiêu dâm, bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị virus xâm nhập, nghiện game, bị bắt nạt trên mạng... Đáng lo ngại nhất là các em phải đối mặt với nguy cơ bị dụ dỗ trên mạng, bị xâm hại tình dục. Một giáo viên ở Hà Nội tỏ ra rất lo lắng khi học sinh của mình sẵn sàng gây gổ với nhau, chỉ vì những thông tin thất thiệt trên mạng.
Bảo vệ trẻ em bằng cách nào?
Trong một khảo sát nhanh của MSD, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được một số phụ huynh quan tâm. 14% thanh, thiếu niên được hỏi ở khu vực thành thị và 20% thanh thiếu niên được hỏi ở khu vực nông thôn cho biết họ đã từng trải nghiệm việc bị bắt nạt trong môi trường kỹ thuật số, như bắt nạt qua mạng, đe dọa hoặc gây bối rối khó xử. Dù vậy, việc bảo vệ trẻ em bằng cách nào, giám sát con ra sao thì nhiều người vẫn hoàn toàn mù mờ, không biết cách thực hiện. Không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng hoàn toàn thiếu kỹ năng bảo vệ mình trên mạng.
Chuyên gia công nghệ Ngô Việt Khôi cho rằng, cha mẹ nên dạy trẻ bảo mật thông tin cá nhân, quy định thời gian sử dụng mạng, khuyến khích trẻ vào những hoạt động chăm sóc bản thân, dạy kỹ năng sống, kỹ năng bảo mật thông tin cơ bản cho trẻ. Quan trọng là cha mẹ cũng cần phải kiểm soát thời lượng truy cập và nội dung truy cập internet của trẻ. Theo ông Khôi, hiện nay rất nhiều phần mềm hỗ trợ cha mẹ kiểm soát thời gian truy cập mạng và lọc nội dung truy cập theo từ khóa. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng hiệu quả đối với các trẻ dưới 10 tuổi.
Về lâu dài, chuyên gia Ysrael C.Diloy, thuộc Tổ chức Stairway Foundation (Philippines) cho rằng việc giám sát, cấm đoán chỉ thôi thúc tính tò mò của trẻ em đối với thế giới mạng.Theo ông, chỉ có thông qua giáo dục đúng cách, trẻ em mới có thể biết cách tự phòng vệ trên mạng. Thay vì cấm đoán một cách máy móc, cha mẹ nên trò chuyện, hướng dẫn con cái mình các kỹ năng tự bảo vệ trong môi trường mạng. Một cuốn cẩm nang “An toàn mạng cho trẻ em” là rất cần thiết cho các em trong việc trang bị các kỹ năng tự bảo vệ mình. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, ông Ysrael đã vận động thành công Bộ Giáo dục Philippines đồng ý đưa chương trình giảng dạy về “An toàn mạng” vào chương trình giáo dục quốc gia.
“Công dân số” là chương trình hợp tác giữa MSD và Trung tâm CNTT-Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) đã được khởi động ngày 28-7 tại Hà Nội. Dự án sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức cho trẻ em, giáo dục, hướng dẫn các phương pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.