Ẩn họa từ công nông độ chế

|

Hàng chục nghìn chiếc công nông (máy kéo) độ chế đang tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, hàng chục người đã tử vong, hàng trăm người vĩnh viễn nằm liệt giường khi sự cố đáng tiếc xảy ra.

Tán gia, bại sản vì sơ suất

Công nông tham gia nhiều vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nhiều hoạt động khác của hàng triệu nông dân ở khu vực Tây Nguyên. Nhưng phương tiện này chủ yếu không trang bị còi, đèn, hệ thống phanh không bảo đảm, người điều khiển lại thiếu cẩn trọng và am hiểu về Luật Giao thông.

Hơn một tháng đã trôi qua, nhưng sự bàng hoàng, buồn tiếc vẫn hằn trên khuôn mặt của nhiều người nông dân ở Làng Ó (xã An Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai). Buổi sáng ngày 6-7 với Làng Ó là ngày định mệnh, đầy ám ảnh. Ngước nhìn tấm di ảnh của Đinh Khanh, cha của Khanh là ông Đinh Minh thổn thức, cũng đành tự an ủi: Thôi, xem như nó xấu số vậy. Mới 13 tuổi, theo người lớn lên ruộng rẫy, nhưng không ngờ đó cũng là ngày cuối cùng của cháu. Xưa nay dân làng vùng sâu, vùng xa của mình hoạt động bằng xe công nông là chính. Công nông chở người, chở lương thực, chở nông cụ..., công nông làm tuốt. Có khi cũ kỹ rồi, cứ nổ được máy và chạy, là dùng thôi. Khi công nông chở người cũng chen chúc cho chật ních mới thôi, khi nào nghe tiếng nổ ì ì thì vài người nhảy bớt xuống.

Nhễ nhại mồ hôi trên chiếc giường cũ kỹ, Đinh H miệng méo xệch, thở hắt ra đầy khó nhọc mong ước: Mình may mắn thoát chết nhưng giờ đi lại không được. Có lẽ phải tập luyện dài dài, gãy chân, dập xương khắp chỗ. Mong buôn làng vùng sâu mình sẽ không còn chở quá tải bằng công nông nữa. Bởi chính chủ quan nên tinh mơ ngày 6-7, Lê Minh Triều dùng xe công nông không số hiệu, không còi, đã cũ nát, chở theo 22 người Làng Ó đi rẫy. Xe vừa chuyển bánh được một đoạn thì ì ạch. Đúng lúc ấy, xe tải mang biển kiểm soát 78C-077.42, do Đặng Ngọc Thuận điều khiển tông thẳng vào làm 22 người trên xe công nông văng ra đường. Cú tông mạnh làm hai người tử vong, 20 người bị thương nặng. Nhiều người đến nay vẫn từng ngày khát tìm sự khỏe mạnh như trước kia. Đinh H bảo: Trong số 20 người bị thương có sáu người thương rất nặng, phải bán hết của cải vật chất mới hy vọng phục hồi được sức khỏe.

Dở dang mọi chuyện vì không làm chủ được chiếc xe đã mòn vẹt hết hệ thống phanh, Đinh Lêu (xã Ea Lai, huyện Ma Đ’rắc, Đác Lắc) giờ chỉ còn biết phụ giúp gia đình những việc lặt vặt. Lêu tiếc nuối, bộc bạch rằng: Tham một ly, đi cả đời. Biết xe quá cũ, hỏng nhiều thứ rồi nhưng mình vẫn cố chất đầy bắp lên để chạy thêm vài chuyến rồi đi tu sửa. Không ngờ khi xuống dốc, xe lao vùn vụt, hàng hóa và người văng xuống mặt đường. Mình bị đứt một bàn tay, giờ cũng liệt một chân, chỉ quét dọn và coi nhà thôi không làm được gì nữa. Bị tai nạn do xe công nông cũ, xe chất quá tải rồi mất phanh gây nên ở các huyện vùng sâu của Đác Lắc này cũng nhiều vô kể.

Khó khăn trong đường sinh đẻ nên nhọc nhằn lắm ông Trần Văn Tùng (ở xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai) mới có được Trần Quốc Thắng. Nhưng từ lần đi nhờ xe công nông độ chế của hàng xóm lên rẫy, Thắng phải nằm liệt cho đến nay. Đó là vụ tai nạn thảm khốc xảy ra từ năm 2015 tại xã Ia Khươl làm 14 người trên một xe công nông bị hất xuống đường khiến năm người tử vong, chín người còn lại bị thương nặng. Ông Tùng đau đớn cho biết: Bán hết tài sản, chạy chữa cho con từ nam ra bắc suốt ba năm nay nhưng vẫn không tiến triển được bao nhiêu cả.

Đủ kiểu độ chế, cơi nới

Nhiều kiểu xe công nông được thiết kế nhỏ gọn, có chiều cao của thùng xe phù hợp với công năng tối đa của xe. Vậy nhưng, theo chân nhiều nông dân có công nông dọc nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, thấy rõ hầu hết công nông đều được cơi nới hoặc độ chế để chuyên chở gấp hai - ba lần cho phép.

Ông Lê Văn T ở xã Ea Pil (huyện Ma Đ’rắc), người chuyên cơi nới xe công nông cho biết: 10 cửa hàng sửa chữa thì có đến tám - chín cửa hàng nhận hàn xì, cơi nới xe công nông, cả độ chế xe máy nữa. Người dân có nhu cầu thì thợ làm thôi. Hiếm có chiếc xe công nông nào để nguyên trạng cả. Tại hàng loạt cửa hàng sửa chữa công nông ở Quốc lộ 26 đoạn chạy qua tỉnh Đác Lắc, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe công nông cũ kỹ liên tục tấp vào các cửa hàng để phủ sơn lại và nới thùng thêm. Có khi nối cao lên gấp hai lần cho phép. Ông Đinh Hậu ở xã Ea Riêng (huyện Ma Đ’rắc) trần tình: Xe chuyên chở đủ thứ mà nông dân thì khó khăn nên cứ nghĩ chở được càng nhiều càng tốt. Khi nào xe nát đến mức không chạy được nữa mới đại tu lại thôi. Có lúc đang chạy trên đường xe xì khói đen um và khét lẹt, suýt cháy cả mô-tơ máy vì quá tải.

Cũng từ sự độ chế, cơi nới quá công suất của xe nên hơn một năm nay, ông Đinh Hiệu ở xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) cứ phải sống trong nỗi dằn vặt, tiếc nuối. Ông Hiệu chia sẻ rằng: Mình độ chế xe ngay ở các cửa hàng dọc Quốc lộ 14 đoạn chạy qua huyện Chư Păh. Vừa tham hàn thùng lên cao thêm vài mét lại vừa tâng công suất máy lên, cho nên trong lần vừa chở bắp vừa chở cả gia đình đi rẫy, trọng lượng nặng quá làm xe tuột phanh lao vào gốc cây và mương nước, khiến vợ bị dập nát một chân, con thì bị đá đâm thủng màng nhĩ. May thoát chết nhưng di chứng để lại rất nặng nề. Giá như mình không độ chế quá nhiều thì đã không xảy ra tình trạng đáng tiếc như vậy.

Ở các vùng nông thôn này, nhiều thanh niên đi rẫy chở nông sản còn độ chế xe máy, chạy đứt phanh lúc nào không hay. Nguy hiểm hơn nữa là lượng xe máy, xe công nông độ chế liên tục tham gia giao thông trên các tuyến đường liên xã lẫn quốc lộ mà hầu hết nông dân đều thiếu kiến thức về an toàn giao thông.

Cần thay đổi nhận thức để tránh hậu họa

Đánh giá về sự hiểm nguy tiềm ẩn của công nông độ chế, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhìn nhận: Cả Tây Nguyên này có đến hàng trăm nghìn xe công nông, xe độ chế, trong đó Gia Lai có hơn 30.000 xe. Bài toán để bảo đảm an toàn cho loại xe này vẫn rất nan giải. Đa số xe đều không gắn biển, không có đăng ký. Tuy nhiên, loại xe này phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nếu cấm lưu hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Chính bởi vậy nên các cấp chính quyền vừa liên tục tuyên truyền để người dân dần nắm bắt và tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, đồng thời biết tác hại khôn lường của việc sử dụng xe độ chế, xe cơi nới quá công suất. Các tai nạn đau thương đã xảy ra như một hồi chuông róng riết, mong rằng hàng vạn người đang dùng xe công nông, xe độ chế ở Tây Nguyên hãy nhanh chóng lưu tâm, ông Hoàng cảnh báo.

Đại diện Sở Giao thông - Vận tải Đác Lắc cũng cho rằng, xe công nông gắn với đời sống của người dân vùng sâu, không thể thay đổi hay cấm đột ngột được nên phải làm chiến dịch “mưa lâu thấm dần” để cảnh tỉnh người dân không được chủ quan khi điều khiển xe, không ép xe chuyên chở quá công suất.

Có 20 năm nghiên cứu về an toàn giao thông, ông Trương Nhất Vương, Giảng viên Trường VNASIME Tây Nguyên cũng đúc rút ra rằng; Cẩu thả trong khâu chuẩn bị xe cộ, tận dụng lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, buôn chuyện điện thoại khi cầm lái, độ chế xe... cũng là những vấn đề các tài xế cầm lái xe công nông cần thay đổi ngay. Trong điều kiện bài toán giao thông chưa có lời giải thấu đáo, cặn kẽ, khoa học, mỗi người, mỗi gia đình xin hãy biết sợ tai nạn giao thông và nhắc nhau cẩn thận. Dù là điều khiển xe công nông hay xe máy độ chế thì cũng hãy luôn thường trực ý thức mỗi khi ra đường để ý, quan sát để bảo vệ chính sức khỏe và đời sống của mình. Đừng bao giờ quá chủ quan nghĩ rằng xe lớn sẽ nhường xe nhỏ hay ngược lại.