Các trường “đau đầu” xét tuyển vào lớp 6

|

Các trường THCS tại Hà Nội đang thực hiện xét tuyển đầu cấp. Thực tế, để đáp ứng tiêu chí xét tuyển của các trường, học sinh đã phải khổ luyện suốt 5 năm tiểu học để có học bạ “đẹp”, có giải thưởng... Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp phụ huynh bằng cách này, cách khác “học” thay con. Điều này khiến việc xét tuyển trở nên như đánh đố đối với các trường!

Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Lê Minh Hoa nhà ở quận Đống Đa luôn mong muốn con mình có một môi trường học tập tốt. Từ khi cậu con trai bước vào lớp 1, gia đình chị đã ấp ủ mơ ước con mình đặt chân vào ngôi trường chuyên Hà Nội - Amsterdam như bao đứa trẻ học giỏi khác. Năm nay, con trai của chị Hoa chuẩn bị vào lớp 6, năm học 2017-2018. Thế nhưng, để chuẩn bị cho hành trình vào trường Ams, cậu con trai chị Hoa cùng gia đình đã tốn không biết bao nhiêu công sức.

Không chỉ đầu tư học Anh văn từ nhỏ, chị Hoa cho con học thêm Toán, Anh văn nâng cao từ lớp 3 để cháu có thể học Toán bằng tiếng Anh. Đến năm học lớp 5, sau khi kết thúc giờ học bán trú, gia đình chị lại đưa con đến trung tâm Anh ngữ học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Theo chị Hoa, việc học thêm hai môn này rất quan trọng vì cháu có thể tham dự và đoạt giải trong các cuộc thi tiếng Anh qua mạng, giải Toán bằng tiếng Anh, Olympic tiếng Anh, Tiếng Anh cho học sinh tiểu học (Toefl junior), kỳ thi học sinh giỏi của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)… Nếu có giải thưởng, cháu sẽ rất thuận lợi để được xét tuyển vào lớp 6 các trường chuyên của Hà Nội.

Cứ thế, suốt ba năm học ở tiểu học, con trai chị Hoa cứ “chạy đua” với lịch học thêm, luyện thi dày đặc từ sáng đến tối, không mấy khi được nghỉ ngơi. Nhà xa nên từ điểm học thêm về nhà mất cả giờ đồng hồ và trên đường về vào khoảng 21 giờ mỗi ngày, nhiều khi con trai đã ngủ gục trên vai bố mẹ.

Không chỉ hướng đến việc đoạt các giải thưởng, các em học sinh và phụ huynh còn chạy đua “ngầm” suốt 5 năm tiểu học để có được học bạ không những “đẹp” mà còn phải là “đẹp nhất”. Đó là những cuốn học bạ toàn điểm 10, để các em có cơ hội vào các trường top đầu của Hà Nội như chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie...

Theo thống kê, từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức và tất cả trường ở Hà Nội áp dụng xét tuyển theo tuyến thì các trường nêu trên mỗi năm đều có số hồ sơ nộp vào nhiều gấp bốn - năm lần chỉ tiêu. Chính vì thế, các trường hết sức đau đầu trong khâu xét tuyển khi “nhà nhà hồ sơ đẹp, học sinh nào cũng hồ sơ đẹp”!

PGS, TS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cảm thấy rất kỳ lạ và khó xử trước thực trạng này. Kể từ khi có chính sách xét tuyển thì năm nào trường cũng tiếp nhận hàng trăm hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học(!). “Năm học 2017-2018, qua tiếp nhận ban đầu xét tuyển vào lớp 6 cũng có đến hàng trăm hồ sơ như vậy”, thầy Văn Như Cương cho biết.

Nhập cuộc đua này, học sinh tiểu học còn quá non nớt. Em nào sức học làng nhàng thì phụ huynh buộc phải “chu đáo” với giáo viên chủ nhiệm từng lớp để có học bạ “đẹp”. Thậm chí, họ còn có được cả giấy khen ở các cuộc thi qua mạng, thi văn nghệ, thể thao... Có phụ huynh tâm sự: “Con gái em không biết bơi nhưng em vẫn cố kiếm được cho con giải thưởng ở một cuộc thi bơi để cháu có hồ sơ đẹp vào trường THCS tốt!”.

Theo thầy Văn Như Cương, việc các gia đình đua nhau kiếm giải thưởng cho con với hy vọng được ưu tiên trong quá trình xét tuyển khiến các trường khó khăn trong việc xét chọn, bởi việc lựa chọn như vậy không chính xác, không phản ánh đúng năng lực của học sinh.

GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có ý kiến: “Nếu thống kê số điểm học sinh đạt được từ thấp đến cao nhất theo dạng hình chuông sẽ thấy, học sinh có số điểm thấp nhất và cao nhất sẽ đứng ở vị trí thấp hơn so với học sinh đạt điểm trung bình. Vì vậy, nếu lượng học sinh đạt điểm cao nhất thuộc về số đông thì là sự vô lý”.

Để giải quyết tình trạng này, theo GS, TS Phạm Tất Dong, hội đồng xét tuyển ở các trường cần đưa ra tiêu chí riêng chọn lựa thí sinh vào trường, như: ưu tiên những học sinh sinh sống ở gần trường, con gia đình chính sách... Với những trường có chất lượng cao thì có thể tổ chức một đợt kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp trình độ tiếng Anh của học sinh. Sau khi chọn đủ chỉ tiêu học sinh vào trường thì các trường có thể tổ chức kiểm tra, xếp loại lại trình độ của học sinh để phân chia lớp...

Nói về hướng giải quyết tình trạng làm đẹp hồ sơ bằng cách xin điểm và “chạy” giải cho con của các gia đình để lấy thành tích vào các trường top, thầy Văn Như Cương lại cho rằng, nên để một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển quá lớn được tổ chức thi tuyển. Thi tuyển ở đây có thể không dùng tới các câu hỏi liên quan các môn văn hóa mà có thể nảy sinh việc tổ chức luyện thi. Theo thầy Cương, việc thi tuyển cũng sẽ công bằng hơn xét học bạ bởi việc cho điểm học bạ, dù kể cả khách quan, cũng phụ thuộc vào mức độ đánh giá khác nhau của từng trường.