Nhiều người vẫn “trắng tay” ra về
Ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh mở bán 300.000 vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 từ lúc 8 giờ sáng 1-10. Mỗi ngày, nhà ga sẽ cấp 1.500 số thứ tự và cấp liên tục đến hết 7.500 số để khách mua vé trong 5 ngày (từ ngày 1 đến 5-10). Theo kế hoạch, lịch chạy tàu Tết tại ga Sài Gòn bắt đầu từ ngày 23-1-2019 (18 tháng Chạp) đến hết ngày 22-2 (18 tháng Giêng). Đối với tàu số chẵn (chạy TP Hồ Chí Minh - Hà Nội) xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 0 giờ ngày 25-1-2019 (20 tháng Chạp) đến hết ngày 3-2 (29 tháng Chạp). Tàu số lẻ (hướng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) xuất phát từ 0 giờ ngày 8-2-2019 (mồng 4 tháng Giêng) đến hết ngày 15-2 (ngày 11 tháng Giêng). Dịp Tết Nguyên đán này, ga Sài Gòn sẽ tổ chức chạy 10 đôi tàu khách Thống Nhất và 12 đôi tàu khách khu đoạn. Trong thời gian nghỉ Tết, từ ngày 3 đến 7-2-2019, ga còn tổ chức chạy thêm các đôi tàu xuất phát từ TP Hồ Chí Minh - Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi và Nha Trang, nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong dịp cao điểm này.
Có mặt tại ga Sài Gòn gần 11 giờ trưa, anh Đỗ Văn Hiệp (quê Thanh Hóa) cho hay, nếu như những năm trước thường lên ga sớm do công tác đặt vé khó khăn thì năm nay việc nhắn tin lấy số thứ tự mua vé nhanh hơn, chỉ mất vài phút là có ngay số thứ tự. Tương tự, trực tiếp đặt mua vé qua mạng về Đồng Hới (Quảng Bình) ngày 27 Tết (tức ngày 1-2-2019) cho cả gia đình tại ga Sài Gòn, chị Lê Thị Hồng phấn khởi cho hay, tuy đợt đầu vào đặt không thành công nhưng tiếp tục đặt đợt hai diễn ra thuận lợi với bốn vé giường nằm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận cũng không ít trường hợp phải “trắng tay” ra về khi không mua được vé tàu, nguyên nhân chính là bài toán “cung” không đủ đáp ứng “cầu”. Trưa 3-10, chúng tôi lên website: www.dsvn.vn, đặt chỗ đi Quảng Ngãi vào các ngày 23, 24, 25, 26 tháng Chạp âm lịch nhưng các đoàn tàu đã kín chỗ. Theo tìm hiểu, không chỉ vé về Quảng Ngãi, dù ngày đầu mở bán vé tàu Tết nhưng hầu hết số lượng chỗ từ TP Hồ Chí Minh đi các cung đoạn ngắn khác như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Quảng Bình… vào các ngày cao điểm trước Tết gần như không còn chỗ.
Anh Mai Văn Minh (quê Phú Yên, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo – TP Hồ Chí Minh) đã xin nghỉ làm để túc trực bên máy tính suốt buổi sáng nhưng không đặt được vé về Quảng Ngãi ngày 26 Tết (tức ngày 31-1-2019) dù website dsvn.vn hiển thị còn vé trống. Khi nhấp chuột vào từng toa tàu để đặt chỗ, hệ thống gợi ý anh Minh mua vé chặng dài hơn ra Đà Nẵng. “Do sợ hết vé nên tôi đành bỏ thêm tiền mua vé tàu ra Đà Nẵng, để khi tàu tới ga Tuy Hòa (Phú Yên) thì xuống. Mua bốn vé nên tôi mất thêm gần cả triệu đồng. Ngành đường sắt làm vậy là gây khó người lao động”, anh Minh than thở.
Theo ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh, nhu cầu chặng ngắn của hành khách đi các tỉnh miền trung năm nào cũng rất lớn. Ngoài lượng vé tàu Tết đã phân bổ bán theo chặng, hiện ngành đường sắt vẫn đang ưu tiên bán cho chặng dài (TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Nam Định, Hà Nam), sau đó mới cắt chặng dài thành chặng ngắn bán cho người dân. Bên cạnh đó, trong những ngày đầu bán vé xảy ra tình trạng người nhắn tin lấy số thứ tự nhiều nhưng đến hôm sau không thấy lên nhận số để lấy vé. Thực trạng nhắn tin “ảo” này đã khiến ngành đường sắt rất mất công sức và thời gian. Thế nên, hiện ngành đường sắt đang triển khai phát số thứ tự trực tiếp tại ga Sài Gòn cho hành khách mua vé được thuận lợi hơn.
“Cò” vé hết đường sống?
Theo ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh, công tác bán vé tàu Tết năm nay có nhiều cải tiến. Trao đổi ý kiến với Thời Nay, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, năm nay, lượng người đổ về ga Sài Gòn không đông đúc và không phải chờ đợi lâu như mọi năm, bởi ga Sài Gòn đã chủ động cung cấp thông tin bán vé rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân chủ động mua vé qua mạng. Năm nay, ngành đường sắt mở năm hình thức bán vé gồm: trên trang web: dsvn.vn; trực tiếp tại ga Sài Gòn; qua tổng đài 19001520; các cửa vé tàu ngoài ga và các đại lý vé tàu tại website: chinhanhduongsatsaigon.vn. Trong đó, đối với hình thức mua vé online, hành khách có thể thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng các hình thức thu hộ như: Ví điện tử Payoo, MoMo, VNPost và tại các ngân hàng có liên kết. Đối với hình thức mua vé qua website, ngành đường sắt cũng áp dụng ứng dụng nhiều tính năng mới, người mua vé có thể lựa chọn chuyến đi theo các khung giờ đi và đến khác nhau.
Mặt khác, trước khi bán vé đại trà qua website, từ ngày 14 đến 20-9 vừa qua, ngành đường sắt đã giải quyết bán vé cho các tập thể thông qua hình thức đăng ký mua vé tập thể với gần 8.000 vé tàu là công nhân, lao động do bận việc tăng ca, tăng giờ không có thời gian ra ga mua trực tiếp hay không biết cách đặt chỗ trên mạng. Đồng thời, ga Sài Gòn bố trí 17 cửa bán vé, tăng thêm ba cửa so mọi năm để phục vụ hành khách tốt hơn. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn FPT (đơn vị phối hợp với Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn bán vé tàu Tết qua mạng) thông tin, dù lượng người truy cập khá lớn nhưng không xảy ra nghẽn mạng. Trung bình, mỗi người chỉ cần thao tác khoảng năm phút là đặt xong vé online.
Về giá vé, giá vé tàu Tết năm nay được điều chỉnh tăng bình quân 10% so năm ngoái đối với tàu số chẵn (chiều TP Hồ Chí Minh - Hà Nội) trước Tết và tàu số lẻ (Hà Nội – TP Hồ Chí Minh) sau Tết; ngược lại, giảm bình quân 20% đối với tàu số lẻ trước Tết và tàu số chẵn sau Tết. Sinh viên mua vé các tàu Tết đối với mác tàu số chẵn từ ngày 20 đến 26-1-2019 và các tàu số lẻ từ ngày 17 đến 28-2-2019 sẽ được giảm giá 30%, còn các ngày thường được giảm 10%.
Cũng theo ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, công tác kiểm soát vé cũng được ngành đường sắt siết chặt để hạn chế vé giả. Theo đó, tại các ga lớn như: ga Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng, đã lắp cổng soát vé điện tử. Nhân viên các nhà ga được trang bị các thiết bị cầm tay nhằm kiểm soát chéo vé tàu, người đi tàu trong dịp Tết. Nhằm ngăn chặn tình trạng vé chợ đen, cò mồi chèo kéo khách, ngành đường sắt cũng quy định khi mua vé tàu Tết tại ga mỗi số thứ tự chỉ được bốn vé và kèm theo giấy tờ tùy thân. Song song đó, tăng cường công tác quản lý từ khâu bán vé lẫn quán triệt đội ngũ nhân viên trong ngành để tránh tình trạng nội bộ câu kết tuồn vé ra bên ngoài. Ông Trung cũng khuyến cáo, hành khách không nên mua vé qua “cò” vì chỉ những người có vé trùng với thông tin trên các loại giấy tờ tùy thân mới được vào ga và lên tàu. Theo ông Trung, những năm trước, việc vé “chợ đen” hoành hành do mức phí đổi, trả vé được áp dụng tương đối thấp, các đối tượng dễ dàng mua rồi sau đó bán lại cho khách để hưởng tiền chênh lệch. Cụ thể, nhiều đối tượng canh thời gian đặt vé với thông tin cá nhân bất kỳ rồi sau đó bán lại cho hành khách bằng cách cạo sửa tên; đổi, trả vé hoặc dùng chứng minh nhân dân giả cho hành khách đi tàu.