Sâm Việt Nam (SVN) có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha & Grushv là một trong 12 loài thuộc chi nhân sâm (Panax), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện lần đầu trong tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973 và được chính thức ghi nhận đầy đủ về mặt định danh thực vật học năm 1985.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng sinh học quý và không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới. Là loài đặc hữu, một dược liệu rất quý hiếm của đất nước nên sâm Việt Nam đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Sâm Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Quá ít nghiên cứu khoa học
Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2023: Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đặt mục tiêu Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Là một trong những đơn vị đang dành nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu và phát triển các giống sâm cũng như xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đại diện Công ty CP We Fussion, ông Nguyễn Văn Trị - Giám đốc Công nghệ cho rằng, mục tiêu đặt ra của Chính phủ là rất rõ ràng, tuy nhiên khó khăn hiện nay chính là Việt Nam đang quá ít các nghiên cứu khoa học đầy đủ về cây sâm. “Rất nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng việc khai thác ngoài tự nhiên hoặc trồng xen giữa các tán rừng. Điều này không hiệu quả bởi không bảo đảm về chất lượng cũng như sản lượng sâm. Muốn nhân rộng và phát triển cây sâm cần có những nghiên cứu nhiều hơn về giống và lai tạo”.
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc đưa ra con số so sánh: Mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 10 bài báo khoa học về sâm được công bố trong khi tại Hàn Quốc có tới hơn 600 bài báo. Điều này lý giải tại sao Hàn Quốc lại dẫn đầu thế giới về sản xuất và phát triển các sản phẩm từ sâm.
Cái khó của các nhà khoa học Việt Nam, theo PGS, TS Thương chính là thiếu kinh phí và nhân lực cho nghiên cứu trong lĩnh vực này. Trong khi phần lớn địa bàn nghiên cứu là ở vùng núi cao, khu vực hiểm trở. Nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà để tham gia đầu tư nghiên cứu.
Có hơn 30 năm nghiên cứu về sâm, GS, TS Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên cho hay, các nhà nghiên cứu đã phân lập được 52 hợp chất saponin, trong đó 26 hợp chất mới được phân lập từ thân rễ của sâm. Các saponin triterpene chính gồm MR2, G-Rb1 và G-Rg1, trong đó nổi bật với hàm lượng MR2 cao đáng kể, chiếm hơn 50% tổng hàm lượng saponin và cao gấp 42 lần so với nhân sâm Nhật Bản. Đây là lý do loài thảo dược quý hiếm có nhiều tác dụng như kích thích thần kinh, chống mệt mỏi, lão hóa, căng thẳng, chống oxy hóa.
Sâm của Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức, có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. GS Nhựt kiến nghị, cần có thêm các nghiên cứu về giống, lai tạo, phát triển quy mô nuôi trồng sâm hiệu quả hơn.
Xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sâm Việt Nam
Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia hàng đầu về sâm trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… cho thấy, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sâm và các sản phẩm từ sâm là một trong những khâu rất quan trọng để giúp phát triển loại cây dược liệu này trở thành hàng hóa.
Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đã đưa vào dược điển các nước, trong đó có Dược điển Việt Nam. Nhưng nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm cũng phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất và ngày càng tăng độ chính xác. Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường thì cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy.
Đề xuất việc nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sâm, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, chỉ khi có bộ tiêu chuẩn, Việt Nam mới có thể nghĩ đến việc quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, khai thác và chế biến, tiến tới xây dựng thương hiệu sâm quốc gia.
Ông cũng đề xuất việc xây dựng Hiệp hội Sâm Việt Nam là nơi tập hợp các chuyên gia, doanh nghiệp, những người tâm huyết và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hiệp hội sẽ là đầu mối để kiến nghị các chính sách, giải pháp để phát triển ngành sâm một cách thực tiễn và hiệu quả.
Số liệu thống kê tại Hàn Quốc cho thấy, mỗi năm quốc gia này thu về 22 nghìn tấn sâm với doanh thu khoảng 560 triệu USD. Thu nhập bình quân mỗi hộ trồng sâm đạt khoảng 40 nghìn USD/năm, với khoảng 18.000 nông trại trồng sâm. Điều này cho thấy giá trị kinh tế rất cao mà ngành công nghiệp sâm mang lại cho quốc gia này.
Theo GS, TS Park Jeong Hill – Đại học Quốc gia Seoul, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tham gia ngành công nghiệp này với nguồn gien sâm quý hiếm và đa dạng hàng đầu thế giới. Diện tích của Việt Nam gấp 3,3 lần Hàn Quốc với dân số gấp 1,9 lần. Ông khuyến nghị, Việt Nam cần có thêm nhiều bằng chứng khoa học về sâm để phục vụ cho bảo vệ nguồn gien, thúc đẩy tiêu dùng, xây dựng phương pháp canh tác chuẩn cho cây sâm. Đặc biệt, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ thì việc thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn có ý nghĩa rất quan trọng.