Bảo vệ quyền trẻ em trên mạng còn lỏng lẻo

|

Mạng xã hội ngày càng không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh lợi ích, ở đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là đối với quyền riêng tư của trẻ em.

Khi mọi thông tin đều có trên mạng

Thời gian qua, trên mạng xuất hiện một số hội nhóm với tên: “Anti fan Pam iu ơi”, “Hội anti Pam”... với vô số bình luận chê bai khiến nhiều người khó hiểu khi những lời lẽ này lại đang công kích một em bé chỉ mới 2 tuổi. Được biết, Pam là tên gọi ở nhà của một em bé nổi tiếng trên mạng xã hội với vẻ ngoài đáng yêu. Mỗi khoảnh khắc được cha mẹ bé Pam đưa lên mạng xã hội đều nhận được lượng tương tác rất lớn. Bên cạnh những người yêu thích, những người phản đối và không có thiện cảm với bé cũng gia tăng. Việc này dấy lên một hồi chuông cảnh báo về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Nhìn về tương lai xa hơn, khi trẻ trưởng thành và nhìn lại hình ảnh của bản thân đã được công khai trên mạng xã hội có thể hình thành nhiều thái cực cảm xúc khác nhau, cảm giác bị xâm phạm quyền riêng tư và mất sự tự tin là không thể tránh khỏi. Chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân mình cũng hay chia sẻ hình ảnh con trong cuộc sống hằng ngày đến những thành tích trong học tập lên mạng xã hội và mình đã phải điều chỉnh việc đó khi nhìn thấy các bình luận của nhiều phụ huynh khác cũng “khoe thành tích” của con, vô hình trung lại thành tạo áp lực cho chính con mình khi xem được”.

Theo PGS, TSKH Lương Đình Hải (nguyên Viện trưởng Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chia sẻ hình ảnh và video của trẻ em lên mạng xã hội có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý nghiêm trọng. Khi trẻ em trở thành đối tượng bị săn đón đời tư hay bị lập nhóm anti, chúng có thể trải qua sang chấn tâm lý, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến trầm cảm.

Trách nhiệm phụ huynh và cộng đồng

Cha mẹ cần có trách nhiệm trực tiếp trong việc kiểm soát hình ảnh, thông tin của con cái trên các nền tảng mạng xã hội. Bởi những hình ảnh, video được chia sẻ trên mạng xã hội có thể tồn tại mãi mãi, ngay cả khi trẻ đã trưởng thành. Những hình ảnh này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng, sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của trẻ trong tương lai.

Theo PGS Lương Đình Hải, cha mẹ cần luôn tuân thủ pháp luật, có ý thức tôn trọng, bình đẳng, giữ gìn, bảo vệ hình ảnh con cái mình cả trong cuộc sống đời thực chứ không chỉ trên mạng xã hội. Trong thực tế nhiều cha mẹ vẫn nặng thói quen tư duy cũ, áp đặt quan điểm, cách nghĩ của mình cho con cái bằng quyền uy, bằng vị thế mà thiếu tôn trọng, bình đẳng, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, động viên, khuyến khích, giải thích, thuyết phục, giáo dục đúng cách.

Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội đều có những chính sách khắt khe trong việc kiểm soát nội dung có sử dụng thông tin, hình ảnh trẻ em dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, các chính sách này đều được “lách” một cách dễ dàng. Vậy nên, nâng cao ý thức và văn hóa của cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội là một điều vô cùng cần thiết. Khi mọi người có ý thức tốt và văn hóa cao, mạng xã hội sẽ trở nên “sạch sẽ” và “trong lành” hơn.

Đồng thời, cần có các quy định pháp lý và hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn để trong việc bảo vệ quyền trẻ em trên mạng. Việc giáo dục ý thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy tin học và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng một cách hiệu quả.

Với công nghệ ngày càng phát triển, việc thu thập dữ liệu khuôn mặt, giọng nói và thông tin cá nhân của trẻ em càng trở nên dễ dàng. Các đối tượng xấu sẽ lợi dụng những sơ hở này để thực hiện những hành vi liên quan đến lừa đảo, tống tiền, thậm chí là bắt cóc, gia đình bị quấy rối…