Công nhân mong mỏi chốn an cư

|

Nhiều công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các khu Công nghiệp - Khu Chế xuất (KCN - KCX) Hà Nội chia sẻ mong muốn được ở một khu nhà trọ bảo đảm an ninh và chất lượng tốt. Thực tế có những CNLĐ mới làm được một thời gian mà đã phải chuyển chỗ trọ hàng chục lần vì chưa tìm được nhà trọ như mong muốn.

Khó cho công việc

Với nhiều CNLĐ đang làm việc trong các KCN - KCX Hà Nội, do đi làm xa nhà, phải thuê trọ nên chỗ ở luôn được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, một số CNLĐ dù đã làm việc trong các KCN - KCX một thời gian nhưng chỗ ở vẫn chưa đâu vào đâu khiến họ thật sự mệt mỏi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và nguồn thu nhập. Chị Lê Thanh Hòa (26 tuổi, quê Thanh Hóa) đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại KCN Thăng Long chia sẻ: “Tôi làm trong KCN này đã hơn hai năm. Công việc thì cũng đã ổn định nhưng chỗ ở thì chưa đâu vào đâu, trong hơn hai năm qua, tôi chuyển trọ không biết bao nhiêu lần.

Cứ mỗi lần tìm và chuyển chỗ trọ là tôi rất mệt mỏi. Mới đây, tôi vừa chuyển từ thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) sang khu trọ tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội). Đa số những lần chuyển nhà, lý do chủ yếu là do ý thức của những người cùng thuê trọ trong khu đó chưa tốt, thường xuyên gây ồn ào, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung… điều này làm ảnh hưởng đến không gian sống chung của cả tập thể”.

Chị kể, ở xóm trọ cũ của chị, có một nhóm bạn làm cùng một công ty trong KCN Thăng Long, thuê cùng một lúc ba phòng trọ sát nhau, lúc đi làm thì không sao, cứ về phòng trọ là họ lại gây ồn ào, làm phiền cả khu trọ. Có nhiều hôm họ còn tụ tập, ăn uống hát hò ầm ĩ đến 1 - 2 giờ đêm khiến cả khu trọ vừa bức xúc, vừa mệt mỏi. Đi làm vất vả cả ngày, đêm về chỉ mong sao có một giấc ngủ để có sức ngày mai đi làm tiếp cũng không được.

Điều đáng nói, nhiều khu trọ không bảo đảm an ninh, trật tự cũng là điều mà không ít CNLĐ đang làm việc tại các KCN - KCX Hà Nội rất lo lắng. Đặc biệt, những CNLĐ lần đầu lên Hà Nội làm việc và thuê trọ, chưa có kinh nghiệm sống tại các khu trọ sẽ rất dễ trở thành đối tượng hướng đến của những kẻ gian, chuyên đi trộm cắp.

Chị Nguyễn Thị Mai (23 tuổi, quê Nam Định) đang làm việc trong KCN Nội Bài chia sẻ: “Hồi mới lên Hà Nội xin làm việc trong KCN Nội Bài, tôi có thuê một phòng trọ trong khu nhà trọ tự quản. Lúc mới đến, mặc dù đã được các anh chị trong cùng khu trọ nhắc nhở phải cẩn thận và phải tự bảo vệ tài sản của mình. Tôi đã hết sức cẩn thận nhưng rốt cuộc vẫn bị kẻ gian đột nhập vào phòng lấy trộm mất hơn 2 triệu đồng và một chiếc điện thoại Samsung”.

Chị Mai chia sẻ: “Những ngày sau đó, ở nhà thì không sao nhưng cứ đi làm là tôi lại thấp thỏm lo sợ kẻ gian sẽ lại vào phòng trộm đồ lần nữa. Cửa phòng dù có khóa cũng như không vì bọn trộm cắp rất ma mãnh. Chính vì thế, ngay sau khi hết tháng, tôi đã trả phòng và chuyển đến một chỗ trọ mới, có chủ nhà quản lý, dù giá thuê đắt hơn một chút tôi cũng chấp nhận. Chứ cứ sống như ở chỗ trọ cũ, tôi không yên tâm làm việc được”.

Anh Hồ Văn Thái (30 tuổi, quê Nghệ An) đang làm việc trong KCN Sài Đồng cũng chia sẻ, ở khu anh thuê trọ đa phần là CNLĐ, diện tích khu trọ khá rộng và có nhiều phòng trọ nên chủ nhà có làm cổng để phòng ngừa trộm cắp. Người thuê ra vào phải tự đóng cổng để bảo đảm an ninh trật tự cho khu nhà trọ.

Chủ nhà cũng đưa ra quy định nếu ai ra, vào không đóng cổng mà bị phát hiện sẽ phải nộp phạt. Tuy nhiên, theo anh Thái, nhiều người thuê trọ rất hớ hênh và chủ quan, do đó đã xảy ra tình trạng kẻ gian bên ngoài lẻn vào khu nhà trọ lấy trộm xe máy. Sau sự việc đó, mọi người trong khu trọ đều cảnh giác hơn, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau hơn, không còn kiểu “thân ai người nấy lo, của ai người nấy giữ” nữa.

Không chỉ có nỗi lo về an ninh trật tự, ý thức và thái độ sống chung với tập thể của một số người thuê trọ mà nỗi lo về chất lượng dịch vụ cũng đang được rất nhiều CNLĐ thuê trọ quan tâm. Chị Vũ Thị Bích (quê Thái Bình) đang làm việc trong KCN Thăng Long chia sẻ: “Ở khu trọ của chúng tôi, mọi người lo lắng nhất là vấn đề vệ sinh môi trường. Phòng nào cũng tự giác vứt rác thải hằng ngày, không để tồn đọng.

Nhưng ở khu vệ sinh chung của cả khu trọ đang bị xuống cấp, xập xệ, gần đấy thì có một vùng trũng, bao nhiêu nước thải sinh hoạt của cả khu trọ đều dồn hết về đó, tạo điều kiện cho các loài ruồi, muỗi sinh sôi nảy nở, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người thuê trọ. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chủ nhà trọ cải tạo khu vực vệ sinh chung đó. Chủ nhà trọ cũng đã hứa sắp tới sẽ cải tạo để bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người thuê trọ”.

Người lao động vất vả tìm nhà trọ. Ảnh: NAM ANH

Sẽ đầu tư xây dựng tối thiểu 50.000 căn hộ giá rẻ phục vụ CNLĐ

Tin vui cho CNLĐ là một trong những chỉ tiêu quan trọng tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) phải hoàn thành trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 là đầu tư xây dựng tối thiểu 50.000 căn hộ giá rẻ tại 50 thiết chế của tổ chức CĐ tại các KCN-KCX, bao gồm các hạng mục công trình: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (san nền, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh, chiếu sáng đô thị, phòng cháy, chữa cháy, môi trường); hạ tầng xã hội (nhà đa năng; nhà trẻ mẫu giáo, trung tâm trợ giúp pháp lý, hoạt động CĐ, siêu thị… được bố trí tại các tầng một khu nhà ở); công trình nhà ở cao 5 tầng với quy mô đáp ứng từ 300 đến 1.000 căn hộ có diện tích trung bình 30 m2 đến 45 m2.

Ông Trần Văn Khải - Trưởng ban Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX”, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trên cả nước để khảo sát, đánh giá nhu cầu cụ thể của công nhân và người lao động tại các KCN-KCX, trên cơ sở đó xác định vị trí, địa điểm khu đất, quy mô đầu tư xây dựng từng hạng mục công trình cũng như tổng thể dự án để phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo đề án, các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch từ 3 ha đến 5 ha, bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và san nền khu đất đến cốt quy hoạch (nếu có), đồng thời đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án. Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm bằng nguồn vốn tích lũy của tổ chức CĐ và các nguồn vốn khác sẽ đầu tư từ 300 tỷ đến 500 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại mỗi dự án thiết chế CĐ tại địa phương.

Mục tiêu đến năm 2020, sẽ tổ chức đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 50 thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX. Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN-KCX trên cả nước đều có thiết chế của CĐ, từ đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.