Lắng nghe trẻ em nói

|

Vừa qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Tỉnh đoàn Hà Nam tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2024, với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Tại đây, nhiều sáng kiến, giải pháp từ góc nhìn của trẻ em đã được đưa ra, góp phần thực hiện tốt hơn quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tâm tư sát thực về thực trạng "nóng"

Diễn đàn trẻ em tỉnh Hà Nam năm 2024 có sự tham gia của 100 đại biểu đến từ 6 huyện, thị xã, thành phố, đại diện cho hơn 200 nghìn trẻ em toàn tỉnh. Tham gia diễn đàn, các em tự tin, mạnh dạn, tập trung thuyết trình về các chủ đề “nóng” liên quan lứa tuổi của mình, như: phòng, chống bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; trẻ em vi phạm pháp luật...

Em Đinh Trâm Anh (học sinh lớp 8A4 Trường THCS Trần Quốc Toản, TP Phủ Lý) nêu băn khoăn về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học diễn ra phổ biến, thậm chí, có những bạn công khai mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử. “Hút thuốc lá điện tử có rất nhiều tác hại, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và việc học tập của các bạn. Chúng cháu rất mong nhà trường có thể xử lý nghiêm hơn đối với các bạn hút thuốc lá điện tử. Và cháu xin được hỏi các cơ quan chức năng có giải pháp gì để hạn chế, ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá điện tử trong trường học hiện nay?”, em Trâm Anh đề xuất.

Em Lê Minh Như Ý (lớp 6A Trường THCS Duy Hải, thị xã Duy Tiên) chia sẻ: “Cháu nhận thấy tình trạng bạo lực trong thanh, thiếu niên hiện nay vẫn xảy ra ở nhiều trường học. Các bạn không chỉ gây gổ, đánh nhau vì những việc đơn giản mà còn nhục mạ, kết bè cánh để cô lập, xa lánh bạn học; thậm chí khiến các nạn nhân sợ đi học, sợ đến trường”. Em Như Ý đặt câu hỏi, các hành vi bạo lực học đường như vậy có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Trong độ tuổi học sinh thì mức xử lý sẽ như thế nào? Em cũng mong được các cô, chú đại diện cấp, ngành có thẩm quyền tư vấn rõ hơn về những hành vi bạo lực và cách phòng tránh.

Sôi nổi thảo luận tại diễn đàn, các em còn chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những gương sáng tại nơi sinh sống và học tập; nói lên nhiều suy nghĩ, băn khoăn về cuộc sống, gia đình, nhà trường và cộng đồng tại địa phương. Đồng thời, các em cũng đề xuất những ý kiến, nguyện vọng với lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể về những chính sách liên quan đến trẻ em nói chung và của tỉnh Hà Nam nói riêng.

Kỳ vọng giải pháp từ góc nhìn trẻ em

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam khẳng định: Diễn đàn là cơ hội để các em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình và đóng góp các giải pháp từ góc nhìn của trẻ em tới các cấp, các ngành có thẩm quyền. Thông qua diễn đàn, các em có cơ hội phát huy năng lực thuyết trình, trau dồi tri thức, nâng cao nhận thức để thực hiện tốt quyền và bổn phận. Diễn đàn cũng góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong việc thực thi pháp luật, chính sách cho chính lứa tuổi của mình.

“Tôi mong mỗi em sau khi tham gia diễn đàn, trở về trường học sẽ là một tuyên truyền viên, mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề trẻ em quan tâm. Đó sẽ là tiền đề cho các em xây dựng và hình thành đạo đức, lý tưởng để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình”, bà Hằng bày tỏ.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các em, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Nam đã công bố quyết định thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh với 40 đại biểu. Đây là một sáng kiến tổ chức hoạt động mới, do chính trẻ em trực tiếp điều hành. Thông qua các kỳ họp, các em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, lãnh đạo địa phương về những vấn đề liên quan thế hệ mình.

Việc vận hành tốt mô hình Hội đồng trẻ em được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà lãnh đạo, tổ chức chính trị-xã hội địa phương, nhà trường và gia đình trong quá trình xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp, hiệu quả đối với sự phát triển của trẻ em.