Bình tâm nhìn lại
"Vừng đông đã hửng sáng..." lời bài hát Tiến bước dưới quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho vang lên trong chiều đông Hà Nội dường như góp phần làm giảm cái lạnh của đợt gió mùa đông bắc tăng cường. Thấm thoắt, một năm có vị trí quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã đến. Cương lĩnh năm 2011 xác định, nền kinh tế của chúng ta xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải tôn trọng các quy luật của thị trường, coi đây là yếu tố tổng quát, còn định hướng xã hội chủ nghĩa là yếu tố đặc thù.
Trong kinh tế vĩ mô, xu hướng chung của các chính phủ là điều hành tốc độ tăng trưởng phù hợp với chuyển đổi thói quen nhận thức của xã hội, với khả năng tự chuyển đổi mô hình an sinh xã hội để tạo ra sự ổn định xã hội và tăng trưởng bền vững. Khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh đột biến trong một thời gian vài ba năm, sẽ tạo ra những mất cân đối nghiêm trọng mối quan hệ giữa kinh tế, bảo vệ môi trường sống và an sinh xã hội. Với tình huống này, các nhà điều hành vĩ mô khó kiểm soát được hài hòa các mối quan hệ trong tam giác phát triển. Bởi vậy, các chuyên gia thường khuyến nghị điều hành tốc độ tăng trưởng kinh tế tiệm cận với tốc độ tăng trưởng bền vững.
Nếu nghiên cứu nền kinh tế Cộng hòa liên bang (CHLB) Ðức từ năm 1946 đến nay, chúng ta thấy diễn biến thường có biểu đồ hình sin và điều hành của Chính phủ là muốn tốc độ tăng trưởng tiệm cận dần vào chỉ giới lý tưởng, dạng tuyến tính. Quá trình đó, điểm quyết định thành công là tìm được ngành công nghiệp hạt nhân của nền kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ nổ ra vào tháng 9-2008, trong vòng ba tháng đã xóa tan nhiều thành công từng được tạo ra trong 5 năm trước đó.
Ðể có thể đột phá, cũng như chặn đà suy giảm, Chính phủ Ðức đã nghiên cứu bốn ngành nghề kinh tế trụ cột: công nghiệp ô-tô, công nghiệp hóa chất, công nghiệp sản xuất máy xây dựng - máy công cụ và dịch vụ. Chỉ với động tác nhà nước hỗ trợ 2.500 ơ-rô cho người mua một xe ô-tô mới (vì sử dụng xe thân thiện với môi trường) đã chặn được đà suy giảm của cả nền kinh tế. Mặt trái của chính sách, hơn 12.000 xí nghiệp bảo dưỡng xe ô-tô giảm việc làm, chưa kể có những xe còn tốt nhưng vẫn bị loại bỏ. Ðây có thể chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng trong tình huống khẩn cấp, thì nó được cho là tối ưu.
Bên cạnh việc dùng kinh tế hỗ trợ khi kinh tế suy giảm, nhằm giúp người lao động không bị thất nghiệp, Chính phủ cùng công đoàn và các doanh nghiệp đưa ra phương án làm việc ngắn ngày (tuần chỉ làm việc ba đến bốn ngày). Ngân sách nhà nước sẽ trả số giờ còn lại tương đương mức lương thất nghiệp và bảo đảm đóng cả phần lương hưu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tuổi già... cho người lao động cho đến khi chỉ số tăng trưởng kinh tế dương. Song song với các biện pháp đã áp dụng trong hai lĩnh vực kinh tế - an sinh xã hội, Chính phủ liên bang yêu cầu các bang phải sử dụng ngân sách của mình thực hiện đầu tư tiết kiệm năng lượng, nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước.
Thí dụ nhỏ nêu trên cho thấy, mọi chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế phải luôn đi cùng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sống.
Việt Nam, sau hơn chục năm có tốc độ tăng trưởng cao, từ năm 2008 đến nay do tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ðó là: tốc độ tăng trưởng GDP chậm dần, lạm phát không ổn định và giữ ở mức cao so với khu vực (trừ năm 2014), hoạt động đầu tư không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (chỉ số ICOR cao so với các nước có điều kiện tương đương), khả năng cạnh tranh trên thị trường của cả sản phẩm và doanh nghiệp yếu...
Ðối chiếu điều kiện thực tế của nước ta hiện nay với các nước công nghiệp hóa thành công trong khu vực thì vai trò Nhà nước trong nền kinh tế là rất quan trọng. Nhưng ở đây phải tách bạch rõ vai trò của chủ sở hữu tại doanh nghiệp với vai trò của Chính phủ - cơ quan quản lý hành chính cao nhất. Chính phủ lựa chọn ngành nghề ưu tiên, đặt ra mục tiêu và lộ trình thực hiện kèm theo đó là hệ thống cơ chế chính sách huy động mọi nguồn vốn để thực hiện cho được mục tiêu đề ra trên cơ sở công khai minh bạch vai trò và các cam kết của Chính phủ trong thực hiện lộ trình.
Bước đi thích hợp
Khi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Việt Nam vẫn là đại diện chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp lớn, của tất cả các nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng. Vì vậy, Nhà nước tham gia trực tiếp vào thị trường là tất yếu. Vấn đề là Nhà nước chỉ đạo có mục đích theo yêu cầu chính trị đối với xây dựng và thực thi cơ chế điều hành mọi nguồn lực quốc gia theo hướng khi nền kinh tế từng bước vận hành theo kinh tế thị trường thì Nhà nước cũng rút lui dần khỏi những ngành nghề không còn tính ưu tiên nữa. Xác định được bước đi như vậy sẽ phù hợp với thực tế nền kinh tế của thế giới phẳng. Ðiểm quyết định thành công là Nhà nước không làm thay, mà chỉ tham gia đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế thông qua gia tăng tốc độ phát triển các ngành sản xuất, từng bước đẩy mạnh các ngành dịch vụ và không làm cản trở cạnh tranh tự do.
Ðại hội XI của Ðảng đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu nhưng bốn năm đã trôi qua, mô hình đó vẫn chưa đến được với xã hội, với doanh nghiệp, doanh nhân. Ngoài lĩnh vực dầu khí, câu hỏi về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo đối với sự phát triển của đất nước luôn được đặt ra. Liệu một dự án khai thác tài nguyên với công nghệ khai thác hạng hai, đến hết kỳ dự án 20 năm mới có lãi (theo tính toán hiện nay) có phải là phát triển theo chiều sâu và hiệu quả như Nghị quyết Ðại hội Ðảng đã nêu?
Lại nhìn ra nước ngoài. Mỹ không khai thác dầu mỏ ở A-la-xka vì chưa xử lý được vấn đề bảo vệ môi trường. CHLB Ðức đóng cửa hàng loạt mỏ than vùng Rua do giá thành than tăng dần làm giảm hiệu quả đầu tư... Ðiều rút ra ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của đất nước và trách nhiệm với thế hệ sau. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của các nước G7 sang thế kỷ 21 đã tiến những bước dài, nhưng thầm lặng để mở rộng thị trường phục vụ người dân, thu về lợi nhuận cao hơn nhiều sản xuất nông nghiệp thuần túy, trong khi đó không hạn chế sự phát triển của các cửa hàng bánh ngọt truyền thống. Và đặc biệt là cũng chẳng có huân chương hay bằng khen nào phải được đề nghị để trao tặng cho người đã nghiên cứu ra các sản phẩm đó. Sự hình thành và phát triển thị trường của một loại sản phẩm mới được cả xã hội sử dụng là phần thưởng không gì so sánh được đối với nhà khoa học hay doanh nhân.
Như vậy, điểm cốt lõi là làm sao đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, tạo niềm tin và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Nhà nước không làm thay, mà chỉ tham gia đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế thông qua gia tăng tốc độ phát triển các ngành sản xuất, từng bước đẩy mạnh các ngành dịch vụ và không làm cản trở cạnh tranh tự do.
Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội