Khơi dòng STEM Việt

|

STEM, bộ môn kết hợp giữa bốn lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học đang tạo thành làn sóng giáo dục mới mẻ ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2016 cũng ghi nhận nhiều bước phát triển của STEM ở Việt Nam.

Học từ thực làm

Trường THCS Tốt Động, Chương Mỹ (Hà Nội) năm qua được nhắc đến nhiều do đã “có STEM” - cách gọi vui mỗi khi có thêm một câu lạc bộ STEM do học sinh thành lập dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo. Tôi đến trường khi một nhóm học sinh đang trong giờ sinh hoạt câu lạc bộ STEM. Những đôi mắt sáng lên khi quan sát hiện tượng âm thanh làm rung mặt nước. Chỉ là thầy và trò cùng nhau thực hiện những “dự án” nho nhỏ như vậy, thế mà có em hào hứng thốt lên rằng đấy hẳn là tiết học thú vị nhất cuộc đời học sinh.

Ở Trường Vinschool, những buổi sinh hoạt STEM không theo một khuôn khổ của bất cứ môn học truyền thống nào. Học sinh được cung cấp hai hình ảnh vệ tinh của cùng một hồ nước ở hai thời điểm khác nhau, để đo mực nước hồ thay đổi. Phần sẫm mầu là hồ nước, sáng mầu là mặt đất. Chỉ bằng phép tính cộng số ô đơn giản, các em đã cho ra kết quả diện tích và mực nước hồ trong mỗi năm và còn biết được rằng nước hồ đã bốc hơi nghiêm trọng do tình trạng Trái đất nóng lên. Trong một “thử thách” khác, học sinh được chia làm hai đội thi lắp ghép một chiếc ròng rọc từ số lượng bánh răng có hạn. Mỗi nhóm vừa phải thương thuyết với nhau để thuyết phục bên kia đổi cho mình số bánh răng cần thiết, vừa phải tính toán lắp ráp mô hình trước khi hết giờ.

Nguyễn Doãn Huân, điều phối viên của một đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Trường đại học Oxford (Anh) ở Việt Nam, đang tài trợ cho dự án xây dựng câu lạc bộ STEM ở các trường THCS của Hà Nội. Huân quả quyết rằng chỉ sang năm thôi, thêm nhiều câu lạc bộ sẽ được thành lập. Theo anh, giáo dục STEM quan trọng là ở cách tiếp cận theo xu hướng học phải gắn liền với thực tế thông qua các dự án. Mỗi dự án là một quá trình kết hợp nhiều môn liên quan, phải áp dụng kiến thức của nhiều môn học, huy động tổng hợp kỹ năng chứ không thể chỉ làm từ kiến thức của một môn học.

“Trẻ em như búp trên cành”, học hành đâu phải cứ những điều to tát mà đôi khi chỉ cần “học vui” là được. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THCS Tây Tựu không dám chắc rằng các học trò của cô đã hiểu hết về STEM. Song, cô chắc chắn một điều là học qua thực làm giúp các em phát hiện nhiều vấn đề lý thú. Học sinh được tự đưa ra ý kiến mà không phải theo một đáp án có sẵn nào khác nên lại càng hào hứng…

Các bạn nhỏ thích thú với bài học lập trình điều khiển robot tại ngày hội STEM.

Sức sống STEM

Còn nhớ có lần trò chuyện với một học sinh ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, em nói rằng thích nhất những cuốn sách về các nhà khoa học nổi tiếng hay chuyện vui vật lý. Làm sao để có thêm nhiều đầu sách khoa học, sách STEM trong các thư viện, tủ sách nhà trường là trăn trở lâu nay của Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty sách Long Minh. Anh cho biết, phần lớn công việc phát triển phương pháp này hiện nay là nhờ xây dựng trên nền văn hóa đọc. Cứ ở đâu phong trào đọc sách sôi nổi là ở đó “hạt mầm” STEM được tưới tắm, sinh sôi.

Theo anh, thực đọc là gốc của thực làm, điều quan trọng nhất và không thể tách rời với STEM. Nhờ có được những căn bản này, học sinh Việt Nam giành các giải thưởng quốc tế về khoa học - kỹ thuật ngày càng nhiều. Đỗ Hoàng Sơn cùng với TS Sử Thanh Long (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), TS Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 và một vài người bạn là “xương sống” của Liên minh STEM, nhóm khuyến học STEM đầu tiên ở Việt Nam.

Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo kịp thời ra Công văn 6841, khuyến khích học sinh, người dân đọc sách; đề nghị thành lập câu lạc bộ khoa học trong các trường phổ thông…, chú trọng việc đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Trong một năm qua, rất nhiều thầy, cô giáo và nhà quản lý ở các sở giáo dục Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh… đã chủ động liên lạc với Liên minh STEM để tổ chức các buổi tập huấn. Hàng nghìn giáo viên, bao gồm cả hiệu trưởng các trường đã tiếp cận STEM rồi trở thành “hạt giống” đưa STEM phát triển ở trường, ở địa phương…

Có thể năm nay, STEM vẫn còn là điều mới lạ đối với nhiều người, nhưng năm mới đã tới, hứa hẹn những vườn ươm STEM còn nở rộ. Trên những chuyến xe rong ruổi khắp nơi, các thành viên Liên minh STEM tự nhận mình là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Sự tận tụy của họ, cùng với sự quan tâm của các nhà giáo dục, đáp lại bằng sự say mê của học trò chứng tỏ giáo dục STEM đang đi đúng hướng.