Vùng Bảy Núi hay còn gọi Thất Sơn gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, từng là vùng xa xôi cách trở, nay là vựa lúa của tỉnh An Giang và một phần của cả nước. Nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng Bảy Núi có hệ thống núi đồi, hang động, ao hồ, rừng tự nhiên tạo nên cảnh quan sinh thái hết sức đa đạng, hấp dẫn.
Từ phường Nhà Bàng, thị xã Tịnh Biên men theo các tỉnh lộ, hương lộ đến huyện Tri Tôn. Những con đường đi qua các phum sóc có đông đồng bào Khmer hệ thống hạ tầng được đầu tư khá hoàn chỉnh. Giao thông thông thoáng tạo sự kết nối các khu trung tâm lớn từ các thành phố Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc đến thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và kết nối sang Vương quốc Campuchia. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên san sát, người dân mua bán tập nập.
Miền Thất Sơn với hơn 37 ngọn núi, đồi lớn nhỏ tạo nên những vẻ đẹp riêng. Có những ngọn núi đã đi vào lịch sử kháng chiến tại An Giang như núi Tô, núi Tượng, núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường...Trong đó, núi Cô Tô hay Phụng Hoàng Sơn với ngọn đồi Tức Dụp thuộc huyện Tri Tôn đã trở thành một trong những biểu tượng bất khuất chống ngoại xâm của tỉnh An Giang.
Vùng Bảy Núi là vựa lúa quan trọng của tỉnh. |
Ông Cao Quang Liêm, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn thông tin, tận dụng địa thế, địa hình Tức Dụp, năm 2022, huyện phối hợp Hội Khinh khí cầu Việt Nam, Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ hội khinh khí cầu. Đây là môn thể thao độc đáo lần đầu được tổ chức tại An Giang với chủ đề “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, “trái tim” của Tri Tôn.
Huyện Tri Tôn đã đầu tư xây dựng Khu thể thao, du lịch Tà Pạ-Soài Chek thuộc xã Núi Tô tạo nên trục nối với các hồ Tà Pạ, Soài So, Ô Tà Sóc, Soài Check, Ô Thum tạo thành điểm đến vui chơi hấp dẫn. Theo ông Cao Quang Liêm, cùng đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc thuộc núi Dài lớn ở xã Lương Phi cũng là cứ điểm quan trọng của Tỉnh ủy An Giang trong kháng chiến chống Mỹ.
Ô Tà Sóc thuộc núi Dài lớn, địa hình phức tạp, hang động hiểm trở, Tỉnh ủy An Giang đã chọn làm căn cứ hoạt động cách mạng. Mỹ-ngụy đã tổ chức 365 trận đánh, dùng đủ loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại càn quét căn cứ nhưng hoàn toàn thất bại. Để ghi dấu chiến công, tưởng nhớ những chiến sĩ đã quên mình hy sinh bảo vệ cách mạng, bảo vệ Ô Tà Sóc, huyện Tri Tôn đã cải tạo, trùng tu căn cứ này. Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hóa-Thông tin đã xếp hạng Ô Tà Sóc là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc hiện là điểm du lịch nổi tiếng ở Tri Tôn nói riêng và An Giang nói chung.
Tận dụng, phát huy lợi thế, huyện Tri Tôn tổ chức nhiều sự kiện tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách. Năm 2022, khoảng 938.900 lượt khách đã đến Tri Tôn, tăng gấp 3 lần so năm 2021. Riêng 9 tháng năm 2023, Tri Tôn đón 911.600 lượt khách, tăng 22% so cùng kỳ 2022.
Từ thị trấn Tri Tôn, qua xã Lương Phi, Vĩnh Phước, Ba Chúc, Lạc Quới... thỏa thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng. Để có được những cánh đồng vàng no ấm trên vùng đất từng nhiễm nặng phèn, Trung ương và tỉnh An Giang đã đầu tư đào kênh thủy lợi tháo chua rửa phèn.
Ông Huỳnh Ngọc Anh, 68 tuổi, nông dân xã Lạc Quới nhớ lại: "Ngày xưa, vùng này hoang vu, lác đác chỉ vài ba căn nhà, nông dân chỉ làm ruộng được mùa mưa, đến mùa khô đồng ruộng không một bóng người, bóng thú bởi cắm cây gì xuống cũng nhiễm phèn chết hết. Lúc đó, có bán đất ruộng rẻ cũng không ai mua, còn bây giờ, giá một công cả trăm triệu đồng”.
Tri Tôn là huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, một trong những vựa lúa quan trọng của tỉnh An Giang và cả nước. Hiện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Tri Tôn hơn 46.610ha, trong đó, lúa 43.201ha, cho tổng sản lượng lúa ước hơn 798.140 tấn mỗi năm.
Rừng tràm Trà Sư tại Bảy Núi là một trong điểm du lịch thu hút du khách. |
Với diện tích đất nông nghiệp 30.747ha, phát huy lợi thế địa hình bán sơn địa và vùng đất không ngập lũ, thị xã Tịnh Biên đã đầu tư hệ thống thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tạo nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn theo xu thế của thị trường như gạo Nàng Nhen thơm, dưa trong nhà lưới, các loại rau ăn lá... Thị xã này đã thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin, huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên có diện tích tự nhiên 95.491ha, là 2 địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh, hằng năm, diện tích xuống giống chiếm hơn một phần tư diện tích xuống giống lúa của tỉnh, đóng góp rất lớn cho ngành nông nghiệp An Giang. Trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng cao, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, như xây dựng các hồ chứa, trạm bơm, hệ thống thủy lợi sau hồ,…
Sau khi đầu tư hệ thống thủy lợi và thực hiện các quy trình sản xuất tiến tiến đã giúp người dân phát triển sản xuất, chuyển từ sản xuất một vụ không an toàn sang sản xuất an toàn cả năm với năng suất và chất lượng nông sản ổn định. Qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc khmer. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và nguồn lực của tỉnh để tiếp tục hỗ trợ thực hiện đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi ở vùng cao nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống, thu nhập của người dân.