Nếu được hỏi: Năm 2015, sự kiện nào của Hà Nội tạo ấn tượng với bạn, khánh thành cầu Nhật Tân và tuyến đường Võ Nguyên Giáp hay kết quả khai quật khảo cổ khu vực Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long? Câu hỏi đó sẽ làm khó bạn. Bởi lịch sử là dòng chảy, sự phát triển là tiếp nối. Tầm vóc, vị thế của Hà Nội là kết quả của một quá trình, được hình thành trên những vận động hợp lý, không ngưng nghỉ và đầy nỗ lực. Hơn thế, Hà Nội là thành phố ôm chứa những chuyển động không ngừng. Và trong sự chuyển động ấy, Hà Nội giờ không chỉ là thành phố “phía trong sông”. Hiện dân số Thủ đô đã hơn bảy triệu người, bằng 8% dân số cả nước, trong khi diện tích dù đã mở rộng cũng chỉ bằng 1%.
Những năm qua, Hà Nội đã thực thi hàng loạt giải pháp để đối phó những thách thức của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, phát triển ổn định, đồng thời cân đối hài hòa các nhu cầu về an sinh xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2010-2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.600 USD/năm, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Mức thu ngân sách luôn vượt dự toán 7,1%/năm, chiếm khoảng 20% mức thu của cả nước, năm 2015 ước đạt hơn 146 nghìn tỷ đồng.
Ảnh: THANH THẢO
Bằng những điều chỉnh trong chính sách, thiết thực quan tâm cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là những vùng mới hợp nhất, Hà Nội đã tạo được dấu ấn về sự lan tỏa trong phát triển. Nhớ khi mới hợp nhất, toàn thành phố có 12,5% hộ nghèo, đến nay, theo chuẩn chung của cả nước, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo.
Người Hà Nội nhận biết rõ hơn những đổi thay do chính bàn tay mình tạo dựng trong những mùa xuân qua, khi 179 xã trong tổng số 386 xã ở Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu cả nước. Với sự tăng trưởng khả quan của ngành dịch vụ, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, 54% là dịch vụ, 41,5% là công nghiệp và 4,5% là nông nghiệp. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp và dân số sống bằng nghề nông tăng do việc mở rộng địa giới hành chính, cơ cấu này càng khẳng định vị thế của Hà Nội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Làm nên những thành tựu ấy là sự gắng sức quyết liệt của các ngành, các cấp, sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân lao động Thủ đô. Đội ngũ cán bộ thành phố luôn quán triệt tinh thần đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm cá nhân đối với công việc. Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe ý kiến dư luận và cân nhắc thận trọng về hiệu quả của từng chủ trương, quyết sách. Với phương châm lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và sự đồng thuận của nhân dân làm thước đo của mọi công việc, thành phố đang khẩn trương khắc phục, điều chỉnh những dự án chưa đúng, chưa hợp lý. Hà Nội đã vươn lên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính.
Tự hào, tin tưởng, người Hà Nội và đồng bào cả nước càng thấu hiểu và chia sẻ những thách thức mà Thủ đô vẫn đang phải đối mặt. Với vị thế trung tâm, mỗi chủ trương, chính sách thực thi ở Hà Nội đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Hướng tới một Thủ đô giàu đẹp, hiện đại và văn minh luôn là mục tiêu và cũng là thách thức, bởi sự quá tải, sự mất cân đối giữa yêu cầu, nhiệm vụ với khả năng và điều kiện đáp ứng. Ấy là chưa kể những hạn chế về năng lực tổ chức, kinh nghiệm và trình độ quản lý đô thị. Những điều này cũng thể hiện rất rõ trong xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, giải quyết nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sự quá tải của các trường học, bệnh viện trong điều kiện sức ép về gia tăng dân số…
Hẳn những người xa Hà Nội khi trở về không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay lớn của diện mạo đô thị khang trang, hiện đại từ hạ tầng giao thông, các khu đô thị mới, những trung tâm thương mại tấp nập, đông vui. Nhưng vì quá yêu Hà Nội, nhiều người tỏ ra sốt ruột, rằng cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây là lối sống, là trật tự kỷ cương, là văn minh đô thị.
Nhân dân Hà Nội nhanh nhạy với cái mới, có nhiều yếu tố thuận lợi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hà Nội lại là đất trăm nghề, với nhiều ngành truyền thống có giá trị kinh tế cao, có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo. Có điều, làm sao để những giá trị truyền thống và các thành tựu văn hóa ấy được phát huy đầy đủ và hiệu quả hơn, và đặc biệt, được chuyển hóa trực tiếp thành các tác nhân kinh tế cho quá trình phát triển? Và bằng cách nào khai thác các thế mạnh, tiềm năng để kinh tế Hà Nội luôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững, môi trường xã hội lành mạnh, xây dựng và quản lý đô thị đi vào nền nếp? Làm thế nào để ý thức, nếp sống, lối sống đô thị, rộng hơn là bản sắc văn hóa và nếp sống thanh lịch đất kinh kỳ không mờ nhạt, hụt hẫng? Cùng với sự thanh lịch, hào hoa, làm thế nào để người Hà Nội có thêm chất năng động và thực tiễn, vượt qua những trì trệ, vướng mắc không đáng có, luôn tự tin, cởi mở đón nhận sự giao lưu mà qua đó vẫn tự khẳng định vị thế trung tâm? Những câu hỏi này vẫn thường được nêu ra tại các hội nghị quan trọng, những diễn đàn lớn và luôn đau đáu trong tâm thức mỗi người dân có trách nhiệm với Thủ đô.
Mới đây, Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố, cùng với việc xác định năm nhiệm vụ trọng tâm, đã lựa chọn, xác định thêm một khâu đột phá. Đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Như thế, từ mùa xuân này, với tầm nhìn xa hơn, bằng niềm tin và tình yêu sâu sắc hơn, người Hà Nội có thể đặt kỳ vọng cao hơn đối với sự phát triển của Thủ đô, cùng cả nước, vì cả nước!
Tự hào, tin tưởng, người Hà Nội và đồng bào cả nước càng thấu hiểu và chia sẻ những thách thức mà Thủ đô vẫn đang phải đối mặt. Với vị thế trung tâm, mỗi chủ trương, chính sách thực thi ở Hà Nội đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. |