Có thực mới vực được đạo. Hãy bàn về làm ăn. Quanh đi quẩn lại đã bảy năm trời kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu ở tầm thế kỷ. Gần đây, người ta thường đánh giá kinh tế thế giới “đang trên đà phục hồi nhưng chậm chạp và không vững chắc”. Quả đúng như vậy, các dự báo liên tục bị hạ và trên thực tế, những đầu tàu kinh tế đều trồi lên trụt xuống. Tuy lúc này lúc khác, kinh tế Mỹ ít nhiều khởi sắc nhưng còn khá bấp bênh; kinh tế Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn uể oải, trầy trật; Abenomics tuy có hé mở vài tia hy vọng song rất le lói đến nỗi ông Abe đã buộc phải giải thể Hạ viện, tiến hành bầu cử sớm để thăm dò lòng dân. Một thời các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng là phao cứu hộ kinh tế toàn cầu, nay cũng không còn phong độ như trước: Kinh tế Nga rơi vào suy thoái, đồng rúp mất giá từng ngày; kinh tế Trung Quốc không còn phi nước đại mà phải ghìm cương chạy nước kiệu; tương tự như vậy kinh tế Ấn Độ, Brazil cũng không còn tăng trưởng cao…
Những hiện tượng trên, mắt thường cũng nhìn thấy; cái khó là làm sao nhận diện những nguyên nhân sâu xa gây nên nông nỗi này. Ngoài tác động của những sự xáo động về chính trị - an ninh, ẩn sau những bất ổn kinh tế là khủng hoảng cơ cấu: từ học thuyết đến mô hình, chiến lược phát triển, đến cơ cấu sản xuất, tiền tệ, vị thế các nền kinh tế và các khu vực đều thay đổi, không thể không điều chỉnh… Cái vụ giá dầu tụt dốc với tốc độ chóng mặt phải chăng cũng là một biểu hiện của căn bệnh chung? Chẳng thế mà ngay nước ta cũng phải tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển.
Biếm họa của Amorim
Song hành với những bất ổn kinh tế là những rắc rối về chính trị - xã hội ở không ít nước. Tại nhiều nước châu Âu, biểu tình, đình công liên miên, chủ yếu là do người dân bất mãn đối với chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà các chính phủ, cực chẳng đã, phải áp dụng. Chính phủ của ông Obama liên tục bị Quốc hội gây khó, thậm chí có lúc phải đóng cửa vì Quốc hội không chi tiền và trong cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ mất luôn đa số ở cả lưỡng viện, đó là chưa kể những cuộc xuống đường rầm rộ phản đối những biểu hiện phân biệt chủng tộc. Ngay các nước mới nổi cũng không thật yên hàn: Ở Trung Quốc là những vụ khủng bố táo tợn xuất phát từ vùng Tân Cương, phong trào “chiếm trung tâm” ở Hồng Công, những vụ án động trời trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”; còn ở Ấn Độ, đảng Quốc đại thất cử, ông Singh phải nhường ghế cho ông Modi.
Không chỉ kinh tế và tình hình chính trị nội bộ nhiều nước gây nhức đầu, cục diện chính trị - an ninh toàn cầu còn làm cho người ta đau đầu hơn. Nếu trên bản đồ thế giới mầu đỏ thể hiện những vùng nóng thì rất dễ nhận ra ba mảng đỏ đậm nhạt khác nhau: đó là Ukraine; Trung Đông và Tây Thái Bình Dương, kể cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Tin tức về những căng thẳng ở ba vùng này tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng suốt cả năm, không cần kể lại vì ai cũng biết.
Nguồn gốc của những bất an ấy rất khác nhau, không nên vơ đũa cả nắm nhưng ít nhiều đều liên quan sự cọ xát, tranh giành quyền lực, ảnh hưởng của các nước lớn. Một số người đánh giá “Chiến tranh lạnh quay trở lại”. Nhận định như vậy có lẽ chưa thật chuẩn xác vì suốt từ khi thế giới hai cực mất đi, sự tranh giành giữa họ với nhau có bao giờ ngừng nghỉ đâu mà nói là “quay trở lại”? Chỉ có khác là sức mạnh và tính toán của các kỳ thủ trên bàn cờ quốc tế đã thay đổi sâu sắc đưa tới những sự tập hợp lực lượng, hình thức, mức độ giành giật khác trước mà thôi. Qua chiều dài lịch sử có thể nghiệm ra rằng, vào những lúc giao thời, nước vốn mạnh yếu dần đi nhưng chưa yếu hẳn, nước vốn yếu vươn lên nhưng chưa đủ mạnh, cấu trúc cũ của quan hệ quốc tế chưa mất hẳn, cấu trúc mới chưa định hình rõ ràng tất nảy sinh xáo động, rắc rối. Tiếc rằng những biểu hiện tranh giành ảnh hưởng, chạy đua vũ trang, hù dọa lẫn nhau, trừng phạt cấm vận… không chỉ làm cho các nước liên quan sứt đầu mẻ trán mà còn làm cho thế giới đảo điên. Nếu người ta không sớm tỉnh ngộ, tìm ra lối thoát thì thay vì cục diện “cùng thắng” sẽ là cục diện “cùng thua”. Việc Mỹ o ép Cuba suốt trong hơn nửa thế kỷ qua đã đẩy Mỹ vào thế cô lập hầu như hoàn toàn mỗi khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu đòi bãi bỏ cấm vận Cuba. Và cuối cùng chú Sam đã buộc phải nối lại quan hệ với “hòn đảo tự do”. Có thể nói đây là một mảng sáng trong bức tranh toàn cảnh tối nhiều hơn sáng của năm Giáp Ngọ. Thế nhưng bài học ấy vẫn không được rút tỉa, chiêu bài cấm vận, trừng phạt vẫn bị lạm dụng trong vụ Ukraine. Kết quả hoàn toàn ngược lại: Cả bên bị trừng phạt lẫn bên trừng phạt đều thiệt, tinh thần tự trọng dân tộc của người Nga lên mạnh, uy tín của ông Putin trong lòng người Nga càng cao.
Riêng ở Trung Đông, những tính toán và hành vi can thiệp của các nước lớn trộn với những mâu thuẫn sâu sắc về xã hội, sắc tộc, tôn giáo đã làm rối loạn khu vực trọng yếu này của thế giới, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các thế lực cuồng tín như Nhà nước Hồi giáo (IS), Taliban, Boko Haram… - những kẻ đã liên tiếp gây ra những tội ác rùng rợn nhằm vào người dân vô tội. Chắc chắn còn lâu yên bình mới trở lại khu vực chừng nào các nước bên ngoài còn ngang nhiên áp đặt quyền uy của mình và người dân ở đây chưa có điều kiện nắm lấy vận mệnh của bản thân.
Trong cuộc giằng co giữa các quốc gia và các thế lực, người được nhiều mất ít, người được ít mất nhiều, nhưng thiệt thòi nhất là nhân dân các nước và nhu cầu hòa bình, ổn định và hợp tác trên thế giới. Ngày nay cả loài người phải gồng mình đối mặt thiên tai, dịch bệnh, điển hình là cái bệnh Ebola quái ác bùng phát ở hàng loạt nước Tây Phi cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đe dọa sự an lành của cả thế giới. Thay vì xúm lại ứng phó những mối đe dọa chung, các nước lớn lại ra sức quần đảo nhau, coi vận mệnh của nhiều dân tộc như những quân cờ, làm cho tình hình càng thêm tồi tệ.
Nước ta cũng không thể tránh khỏi tác động của những luồng gió độc đang thổi ngang, thổi dọc hành tinh và trên thực tế đã phải chống đỡ với nhiều khó khăn kinh tế và thách thức về chủ quyền. Vốn quen với gió to sóng lớn, cả 90 triệu người dân đất Việt cùng nhau chung sức vượt lên khó khăn, thách thức, làm cho căng thẳng có phần dịu bớt. Tuy nhiên, khi bước vào chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, phấn đấu thực hiện một nửa phần còn lại của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, không thể không tính đến những diễn biến khó lường.
Thật không hay chút nào cứ xoáy vào những điều không vui vào ngày đầu Xuân. Nhưng nhận biết sự thật, cho dù không thật ngọt ngào, vẫn tốt hơn là lẩn tránh nó, vì kinh nghiệm cho thấy nếu không nhận diện cho trúng thì sẽ phải đối mặt những bất ngờ, điều đã xảy ra hơn 5 năm trước khi khủng hoảng toàn cầu bỗng nhiên ập đến ngay sau khi những dự kiến tốt đẹp vừa được nêu ra.
Thôi trước mắt hãy tận hưởng chín ngày Tết cho thật vui vẻ nhưng ngay sau Tết hãy xắn tay áo lao ngay vào việc để khai thác cơ hội, ứng phó khó khăn, phấn đấu đạt cho được những điều mong muốn ở mức cao nhất có thể trong năm Ất Mùi - một năm có nhiều ngày kỷ niệm đánh dấu những chặng đường đầy gian lao nhưng rực rỡ chiến công của dân tộc.