Hà Nội đi lên

|

NDO - 1. Người lính già Nguyễn Hữu Chiến đứng lặng trên cầu Nhật Tân, ông chẳng thể ngờ cách cây cầu Long Biên không xa, nơi 61 năm trước, ông cùng đồng đội hùng dũng tiến vào giải phóng Thủ đô lại mọc lên cây cầu rộng lớn, thanh thoát, mềm mại vắt qua sông Hồng. Bên cạnh, lũ trẻ háo hức tạo dáng chụp ảnh, cố thu vào cả năm trụ cầu cao vút, tượng trưng cho năm cửa ô Hà Nội. Nhưng người lính già này còn vui hơn khi sang bờ bên kia là đại lộ rộng thênh thênh mang tên người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp dài 12,1 km như dải lụa đặt khéo qua huyện Đông Anh thẳng đến nhà ga T2 mới tinh của Sân bay Nội Bài. Cạnh đó, một nhà khách VIP sang trọng dành cho lễ tiết quốc gia cũng được khánh thành và tất cả hòa quyện với nhau đồng nhất lối kiến trúc thuần Việt mà hiện đại. Từ cửa khẩu quốc tế Nội Bài, xe lướt nhanh trên dải lụa về trung tâm thành phố, và không còn cảnh phải nhích từng chút một trên đường Phạm Văn Đồng. Trong tương lai gần, hai bên đại lộ Võ Nguyên Giáp sẽ là khu đô thị xen lẫn với những mảng cây rộng tạo ra một tiểu đô thị xanh, là điểm nhấn cho không gian kiến trúc bắc Thủ đô. Mà đâu chỉ cửa ngõ phía bắc, tuyến đường cao tốc tại cửa ngõ phía nam đã kéo dài đến thành phố Ninh Bình và cuối năm 2016, con đường thiên lý bắc - nam này sẽ trọn vẹn. Còn ở phía tây, bên cạnh đại lộ Thăng Long kéo đến chân núi Ba Vì là tuyến đường 32 đã thông xe vài năm. Từ trung tâm đi thị xã Sơn Tây chỉ hơn một giờ xe chạy và qua cầu Trung Hà, sang bên kia là đất “rừng cọ, đồi chè”. Sắp tới, đường cao tốc Hà Nội - Đình Vũ hoàn thành thì từ Hà Nội tỏa đi các tỉnh phía bắc và từ các tỉnh về Hà Nội càng nhanh chóng và dễ dàng, tạo cơ hội thu hút đầu tư cho cả miền bắc.

2. Ở Hà Nội, trung bình cứ 20 phút lại có một ngôi nhà lớn, nhỏ được khởi công, nhưng bao nhiêu năm nay, vợ chồng anh Đỗ Ngọc Phương vẫn phải ở nhà đi thuê. Vài năm gần đây, các dự án bất động sản lâm vào tình trạng ế ẩm, chủ dự án như ngồi trên đống lửa, Hà Nội đã chủ động cho phép nhà đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng nhà thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại. Giá chạm đáy, nhưng cánh tay anh quá ngắn không thể với tới vì thu nhập của hai vợ chồng hằng tháng cũng không dư dả gì nhiều. May nhờ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ và chính sách của thành phố, Tết này gia đình anh chị có nhà mới thuộc diện nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá, cách trung tâm Bờ Hồ chỉ 12 km. Anh khoe, cũng còn nhờ thành phố quyết liệt cải cách hành chính nên thủ tục giấy tờ bớt phức tạp hơn. Còn kết quả là, tính đến cuối năm 2014, số lượng nhà tồn kho ở Hà Nội đã giảm với tổng giá trị khoảng 9.911 tỷ đồng, tương đương 23,6% so tháng 12-2013.

3. Một đêm cuối tháng mười hai, gió lạnh thấu xương, nép bên tháp Hòa Phong là một ông già với cái cân sức khỏe. Ông là giáo viên đã nghỉ hưu sống ở quận Hoàng Mai, quê gốc Kẻ Cót, mảnh đất xưa nổi tiếng vùng ven Thăng Long “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Kẻ Cót là đất văn hiến. Ông đi cân sức khỏe không phải để kiếm sống, lương hưu cũng đủ chi tiêu hằng ngày, không phiền con cháu. Ông đứng giữa trời rét nhặt từng đồng tiền sạch để ủng hộ cho các quỹ từ thiện. Không thể biết có bao nhiêu người như ông, thầm lặng, không xưng danh nhưng nếp sống thanh lịch trên đất nghìn năm văn hiến đang mòn dần là rất rõ.

Nhà sử học Trần Quốc Vượng và nhà văn Tô Hoài sinh thời đều có chung nhận định “Nếp sống, lối ứng xử Hà Nội đã xuống cấp”. Nhiều người khác cũng trăn trở như hai ông, không còn “Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu” nữa. Để lấy lại tiếng thơm nghìn năm, nhiều năm qua Hà Nội đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đích thân Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc khi nạn quảng cáo, rao vặt tràn lan khiến phố phường nhem nhuốc, thiếu văn minh. Trong năm 2014, ông còn trực tiếp đi kiểm tra vỉa hè ở tuyến phố Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, phê bình vỉa hè ở con đường “đắt nhất hành tinh” kém chất lượng và thiếu mỹ quan. Hà Nội lấy năm 2014 là năm “Trật tự và văn minh đô thị”, thật chẳng dễ dàng thay đổi thói quen “hồn nhiên” ở một thành phố hơn bảy triệu dân, lại thêm gần một triệu người các vùng, miền đến học tập, sinh sống.

4. Dù cải cách hành chính xếp ở vị trí thứ 5 trong số 63 tỉnh, thành phố trong năm 2014, nhưng bên cạnh những kết quả và tiến bộ, Hà Nội vẫn còn những mặt cần khắc phục. Tại kỳ họp lần thứ 11 HĐND thành phố đầu tháng 12-2014, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ rõ: “Kinh tế đã phục hồi nhưng chưa mạnh, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực trong xã hội vẫn chưa được khai thác, đời sống việc làm thu nhập của một bộ phận nhân dân và người lao động vẫn còn khó khăn”.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, năm có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm năm (2011-2015), năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Bởi vậy nhiệm vụ năm 2015 là rất nặng nề và quan trọng. Tin tưởng rằng những yếu kém cũng sẽ là động lực để Hà Nội tiếp tục “đi lên chủ động”.