Tết Bính Tuất 1946: Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với niềm hân hoan của đồng bào và chiến sĩ cả nước đón chào mùa Xuân độc lập đầu tiên. Trong vai trò của người đứng đầu quốc gia, Bác Hồ đã có ba bài thơ xuân chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Đặc biệt, Người gửi riêng cho các chiến sĩ một lá thư kèm theo bài thơ chúc Tết. Bài thơ được đăng trên báo Sự Thật, số 15 (đặc biệt về Tết Bính Tuất 1946):
GỬI CHO CÁC CHIẾN SĨ
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta để Tết sau sum vầy!
Xuân Đinh Hợi 1947: Đây là mùa xuân đầu tiên cả nước hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong thơ Bác đã khẳng định đường lối kháng chiến “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”. Xuân Đinh Hợi 1947 cũng là xuân đầu tiên đồng bào và chiến sĩ cả nước được nghe giọng nói ấm áp của Người đọc thơ chúc Tết trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam.
CHÚC NĂM MỚI
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Xuân Mậu Tý 1948: Năm thứ hai của cuộc kháng chiến trường kỳ, cũng là năm quân và dân ta vừa đập tan cuộc chiến công chiến lược Đông - Xuân 1947 của thực dân Pháp. Trong âm hưởng chiến thắng, Người đã gửi thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước:
THƠ CHÚC TẾT MẬU TÝ
Năm Hợi đã đi qua,
Năm Tý vừa bước tới.
Gửi lời chúc đồng bào,
Kháng chiến được thắng lợi;
Toàn dân đại đoàn kết,
Cả nước dốc một lòng;
Thống nhất chắc chắn được,
Độc lập quyết thành công.
Xuân Kỷ Sửu 1949: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn “tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công”. Đây là năm thứ hai cả nước hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn thể nhân dân Việt Nam vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Sửu được báo Sự Thật (số 106-107 đặc biệt Xuân Kỷ Sửu) đăng trang trọng trên trang nhất với nguyên văn bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua ái quốc thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần.
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua.
Ngành ngành thi đua.
Ngày ngày thi đua.
Ta nhất định thắng.
Địch nhất định thua.
Xuân Canh Dần 1950: Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, năm 1950 cuộc kháng chiến của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt. Quân và dân ta chuyển từ giai đoạn phòng ngự sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Trong thơ chúc Xuân Canh Dần, Người đã nhấn mạnh hai nhiệm vụ trọng tâm cho toàn quân, toàn dân, đó là “Thi đua ái quốc” và “Tích cực chuẩn bị cho tổng phản công”. Bài thơ này được đăng trên báo Sự Thật số Xuân Canh Dần 1950 (đây cũng là số Xuân cuối cùng của báo Sự Thật trước khi nhường chỗ cho sự ra đời của tờ Nhân Dân).
THƠ CHÚC NĂM MỚI
Kính chúc đồng bào năm mới,
Mọi người càng thêm phấn khởi,
Toàn dân xung phong thi đua,
Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,
Chuyển mau sang tổng phản công,
Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Xuân Tân Mão 1951: Tính từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã trải qua 5 năm gian khổ. Qua hai chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch Biên giới (1950), thực dân Pháp đã bị giáng nhiều đòn chí mạng. Quân và dân ta kết thúc giai đoạn phòng ngự, cầm cự và chuyển mạnh sang tổng phản công. Trong bài thơ Mừng xuân Tân Mão 1951 gửi đồng bào, chiến sĩ, Bác đã viết:
THƠ CHÚC TẾT
Xuân này kháng chiến đã năm xuân,
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng,
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.
Xuân Nhâm Thìn 1952: Sau chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng năm 1950, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, khai thông biên giới, phá thế bao vây của địch. Quân ta chuyển sang thế chủ động tổng phản công. Bài thơ chúc Tết Xuân Nhâm Thìn của Bác được Báo Nhân Dân số 42 ra ngày 24-1-1952 đăng trên trang nhất. Đây cũng là số Xuân đầu tiên của Báo Nhân Dân kể từ khi ra mắt bạn đọc.
THƠ CHÚC TẾT
Xuân này, Xuân năm Thìn
Kháng chiến vừa 6 năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm.
Chiến sĩ thi giết giặc
Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta.
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.
Xuân Quý Tỵ 1953: Năm 1953 diễn ra nhiều sự kiện lớn: Hậu phương tiến hành cải cách ruộng đất, tiền tuyến bộ đội ta vừa qua chỉnh quân, chỉnh huấn khí thế đang trào dâng, Phong trào dân chủ hòa bình thế giới đang có những thay đổi lớn ủng hộ Việt Nam chống thực dân Pháp.
THƠ CHÚC TẾT XUÂN QUÝ TỴ, 1953
Mừng năm Thìn vừa qua,
Mừng Xuân Tỵ đã tới.
Mừng phát động nông dân,
Mừng hậu phương phấn khởi.
Mừng tiền tuyến toàn quân
Thi đua chiến thắng mới.
Mừng toàn dân đoàn kết,
Mừng kháng chiến thắng lợi.
Mừng năm mới, nhiệm vụ mới,
Lực lượng mới, thành công mới.
Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào,
Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới.
Xuân Giáp Ngọ 1954: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước sang giai đoạn tổng phản công. Chính vì vậy, lời thơ chúc Tết của Bác năm 1954 đã chỉ rõ hai nhiệm vụ cụ thể của cách mạng nước ta, đồng thời dự đoán thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đúng như vậy, chưa đầy bốn tháng sau, ngày 7-5-1954, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm lịch sử bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
THƠ CHÚC TẾT NGÀY NGUYÊN ĐÁN NĂM GIÁP NGỌ
Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông,
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều.
Đã 46 năm kể từ khi Bác đi xa chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết của Người. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trong thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, phút giây chờ mong nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ đã trở thành ký ức không thể phai nhạt trong tâm khảm người dân Việt Nam.