Ðổi mới là xuyên suốt. Trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cả trong quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ở đâu có đổi mới, ở đó có tiến lên và phát triển. Ở đâu không có đổi mới, ở đó có trì trệ và tụt lùi.
Ðổi mới là gì? Ðổi mới nhằm mục tiêu gì? Ðổi mới phải làm những việc gì? Những câu hỏi đó từng được đặt ra và từng được giải đáp.
Thế mà Xuân Giáp Ngọ này, có người muốn “truy nguyên” hai từ đổi mới.
Một anh bạn hỏi tôi: Cậu đã tham gia Tổ biên tập Văn kiện Ðại hội VI, vậy có nhớ, trước Ðại hội VI, có văn kiện chính thức nào của Ðảng đề cập tới hai từ đổi mới?
Tôi thú thật là không nhớ rõ. Nhưng biết chắc rằng trong Kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị (ngày 20-9-1986) “Về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế” có ghi: “Những kết luận của Bộ Chính trị ở Hội nghị lần này mở ra một bước đổi mới rất quan trọng về tư duy kinh tế của Ðảng ta”. Và “Ðổi mới quản lý kinh tế theo phương hướng nói trên là một cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng sâu sắc. Muốn thực hiện cuộc cách mạng này, nhất thiết phải đổi mới tư duy kinh tế, trước hết là tư duy của các cơ quan lãnh đạo và quản lý”.
Ngược thời gian một chút, có bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Ðảng (Khóa V), ngày 3-7-1984, nhan đề là “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế”.
Bạn tôi nhắc lại: Ðừng quên rằng, sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ, trong các bài viết và bài nói của mình, không phải một mà nhiều lần dùng từ đổi mới. Năm 1949, trong bài “Dân vận”, để chỉ rõ nước ta là nước dân chủ, Bác viết: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Năm 1964, trong Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Bác nói: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Ðất nước, xã hội, con người đều đổi mới”, v.v.
Rồi anh say sưa nói đến thuyết duy tân do một số nhà yêu nước thời kỳ đầu thế kỷ 20 đề xướng. Duy tân, theo đúng ngữ nghĩa cũng là đổi mới. Anh nói đến Phan Bội Châu, với phong trào Ðông du, mong muốn tự mình đến tận xứ sở hoa anh đào tìm hiểu chính sách duy tân của Thiên hoàng Minh Trị. Xen lẫn những vấn đề quốc gia đại sự, anh nói đến phong trào thơ mới, nhắc mấy câu trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối/Ta say mồi đứng ngắm ánh trăng tan/Ðâu những đêm gió thoảng bốn phương ngàn/Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới.
Tôi cười: Anh cứ miên man như vậy, biết bao giờ mới dứt. Nếu muốn đi vào lịch sử xa xưa, xin hãy cùng tôi đọc lại Bình Ngô đại cáo. Ðoạn kết hào sảng như tuyên ngôn:
Xã tắc từ đây vững bền/Giang sơn từ đây đổi mới/Càn khôn bỉ rồi lại thái/Nhật nguyệt hối rồi lại minh.
Và: Than ôi!
Một cỗ nhung y chiến thắng/Nên công oanh liệt nghìn năm/Bốn phương biển cả thanh bình/Ban chiếu duy tân khắp chốn.
Bạn tôi bình phẩm: Một tuyệt tác về Duy tân. Ngẫm nghĩ một hồi, anh lại bảo: Thôi đừng truy nguyên nữa. Hãy nói về Ðổi mới theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội VI đi.
Xin vâng.
Nhâm Ngọ 2002, Ðổi mới tròn 15 năm, tôi viết bài Dũng sĩ tuổi trăng tròn đăng Báo Nhân Dân số Tết.
Dũng sĩ ấy thoạt đầu vẫn chỉ là một cậu bé. Cậu bé sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam và mang tên họ Việt Nam. Thế mà cả thế giới biết tên cậu và đầy lòng ngưỡng mộ. Cậu ra đời năm Bính Dần (1986) với tên khai sinh là Ðổi mới.
Ðổi mới là con đẻ của cách mạng Việt Nam. Cậu bé ra đời không phải trong đất bằng, biển lặng mà là trong sóng cả, gió to. Chỉ có điều là sự ra đời ấy thật đúng lúc và lại do tay một bà đỡ dạn dày kinh nghiệm - Ðại hội lần thứ VI của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðất nước đã chọn đặt cho cậu một cái tên thật xứng đáng, một cái tên vừa cao sang vừa dung dị. Không phải Cải Tổ, Cải Cách mà là Ðổi Mới.
Năm 1986, khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta đang lồng lên như một con ngựa bất kham. Năm biểu hiện nghiêm trọng nhất: sản xuất trì trệ, thất nghiệp gia tăng, lưu thông phân phối rối loạn, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn.
“Cậu bé” Ðổi Mới vừa ra đời đã lập tức lên yên ra trận. Trận chiến chống khủng hoảng kéo dài suốt bốn năm liền. Năm Canh Ngọ (1990), năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 1986-1990, khủng hoảng chưa ra khỏi nhưng đã được ngăn chặn và đẩy lùi một bước. Ðổi mới đã giành được những thành tựu bước đầu quan trọng. Có cơ sở để Ðại hội VII (1991) đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bính Tý 1996, Ðại hội VIII của Ðảng (tháng 7-1996) dõng dạc tuyên bố: Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tân Tỵ 2001, năm mở đầu thế kỷ 21, với tầm nhìn thế kỷ, Ðại hội IX của Ðảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tròn tuổi 15, Dũng sĩ Ðổi Mới đã làm nên nghiệp lớn. Không hiểu sao tôi nghĩ đến huyền thoại Thánh Gióng với hai câu thơ bất hủ của thi hào Cao Bá Quát:
Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/Ðằng vân do hận cửu thiên đê
Có nghĩa là:
Ðánh giặc tiếc rằng ba tuổi đã muộn/Bay lên trời còn hận chín tầng là thấp.
Bính Tuất 2006, Dũng sĩ tròn 20 tuổi. Tổng kết 20 năm đổi mới, Ðại hội X của Ðảng khẳng định: Những thành tựu đạt được trong hai mươi năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt của đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều...
Với chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, cả nước hướng tới gia nhập WTO, sẵn sàng đưa con tàu Việt Nam ra biển khơi.
Tân Mão 2011, nhìn lại thập niên đầu thế kỷ, Ðại hội XI của Ðảng đánh giá rằng nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, nhưng còn là trung bình thấp. Mười năm 2011-2020 phải là mười năm phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ba năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI là ba năm thử thách cam go. Trên mặt trận kinh tế, lại diễn ra một trận chiến mới, rất quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Thành tựu đạt được là đáng khích lệ nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu.
Giáp Ngọ năm nay phải mở ra cánh cửa để hai năm 2014-2015 thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ còn lại của kế hoạch 5 năm 2011-2015, đồng thời tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới. Ðể rồi tiến lên mạnh mẽ hơn trong kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thực tiễn cho thấy đổi mới là quá trình cách mạng, quá trình chinh phục từng mục tiêu, từng cột mốc.
Cột mốc 2020 đang hối thúc những bước chân đi lên của chàng dũng sĩ.
Xuân Giáp Ngọ 2014
Ðổi mới là con đẻ của cách mạng Việt Nam. Cậu bé ra đời không phải trong đất bằng, biển lặng mà là trong sóng cả, gió to. |