Tết ở xứ người

|

Ðằng đẵng gần chục cái Tết xa nhà. Một điều có thể khẳng định là… nhớ nhà. Phải thôi, Tết là gắn với phong tục, tập quán, với gia đình bạn bè. Vắng những điều trên sao không khỏi nhớ?

Mồng một tháng một ở Nga là “Tết Tây”, là Tết đối với người Nga. Ngày đó tuyết rơi, lạnh và buồn. Người Nga ăn Tết trong từng mái nhà, không có nhiều sinh hoạt cộng đồng như ở ta. Với người Việt thì hơi hụt hẫng. Phải đến Tết Nguyên đán mới là Tết đích thực.

Dăm cái Tết ở xứ sở Bạch dương, mới thấy không khí “Tết Ta” náo nhiệt làm sao. “Ðôm” 5 (ký túc xá) của Viện Hàn lâm khoa học tôi ở, nằm ngay trung tâm, gần đại lộ Leninsky Prospekt và ga tàu điện Akademicheskaya, đậm không khí quê nhà. Tết là có cả bánh chưng, cả rượu lúa mới mang từ Việt Nam sang. Rồi, mọi người chờ đợi đến 8 giờ tối, tức 12 giờ đêm Giao thừa bên nhà, cả ký túc xá nhộn nhịp, tập hợp dưới stolovaya (nhà ăn) tầng một để đón Tết, có hát, có diễn văn, có cả đại diện Viện Hàn lâm đến chúc mừng. Rồi pháo nổ đì đùng (cái thời chưa cấm pháo), đến nỗi tây còn… sợ phát khiếp. Nhưng hiểu ra thì người đi đường cũng vào chung vui, cạn ly với cộng đồng Việt.

Thoáng thế mà đã hơn 20 năm rồi. Những nghiên cứu sinh hồi đó nay đã có người làm bộ trưởng, viện trưởng. Cái đôm ấy mang nhiều kỷ niệm Tết mà có lẽ chẳng mấy ai quên vì chỉ dịp đó mới có thời gian để nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè. Cái hồi đó, Tết là những ngày thiêng liêng, nhưng cũng không xa lắm với quê hương, vì cả tập thể hàng chục nghiên cứu sinh có nhiều sinh hoạt chung, nhiều lúc được nói tiếng… Việt, đỡ nhớ nhà. Tết ở đôm 5 như một bản sao của cái Tết nào đó trong nước, quanh khu ký túc xá Trường đại học Bách khoa, chẳng hạn.

Lại có thời gian đi Mỹ hai lần, khá lâu. Cảm nhận được nỗi nhớ quê hương hơn hẳn đận đi Nga. Mồng một Tết Tây, rõ là Tết, khác hẳn ngày thường. Nơi tôi làm việc là TP Boston và Cambrige, có nhiều trường đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ, có cả Trường Harvard nổi tiếng. Cái ngày mồng một Tết Tây ở đây thật lạ. Lạ là vì Tết Tây cả thành phố vắng hoe vắng hoắt. Thì ra, sinh viên đi về nghỉ hết. Mọi dịch vụ cho thuê nhà, đi lại, ăn uống chạy theo cái công nghiệp giáo dục, ngày thường tấp nập vậy mà bây giờ chẳng có mấy bóng người, cứ như một vùng nông thôn nào đó. Người dân địa phương thì ăn Tết trong từng gia đình.

Chỉ đến Tết Nguyên đán, các tổ chức lưu học sinh mới sinh hoạt xôm tụ, mà chủ yếu là hát hò. Có những cô cậu ở cách xa vài trăm cây số cũng về tham dự. Chẳng thiếu thứ gì, từ bánh chưng, giò chả đến mâm ngũ quả, đều nhập khẩu từ Việt Nam hoặc các nước châu Á. Nhìn lên bàn thờ của mỗi gia đình thấy có hương khói, di ảnh của người đã khuất, mới ngẫm ra người Việt đi đâu cũng mang cái bản sắc phong tục thờ cúng tổ tiên và ngôn ngữ là hai cái “căn cước” dân tộc rõ rệt nhất.

Ba lần đến Nhật Bản, cũng là nước gây được nhiều ấn tượng nhất về Tết. Dịp đầu năm, các tượng hình con vật của năm được trang trí và bày bán khắp nơi. Người Nhật có xu hướng chuyển dần Tết truyền thống âm lịch vào dương lịch. Ngày Tết ở Nhật Bản có nhiều cái lạ đối với phương Tây nhưng lại có nét gần gũi với Tết ở ta, nhất là ở cái không gian mở, có thể do cái khí hậu không quá lạnh để người người đổ ra đường, để đi chơi ngày Tết, vãn cảnh đầu xuân.

Thật ngạc nhiên, vào ngày Tết, người dân ở Tokyo đổ xô đi lễ đền chùa. Mà phải xếp hàng… “rồng rắn lên mây” mới vào được. Không có cảnh chen chúc. Mọi người đều muốn có mặt sớm nhất, bỏ vào hòm công đức một vài đồng xu. Thời điểm giao thừa. Không pháo nổ. Nhưng tiếng chuông chùa điểm ngân vang đúng 108 tiếng, tượng trưng cho 108 điều thỉnh nguyện của Phật giáo. Người người, nhà nhà lặng im trong tiếng chuông chùa như muốn thả hồn vào cõi hư vô.

Đi nhiều nước, được ngắm thiên hạ ăn Tết, chơi Tết, càng thấy nhớ hương vị Tết quê nhà. Cũng đúng thôi, Tết chính là di sản văn hóa ngấm sâu vào ký ức từng người dân Việt.

Chợ hoa Tết người Việt tại bang California (Mỹ).