Vận dụng chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và những quyết sách hợp lòng dân trong kiến tạo hạ tầng để phát triển, tỉnh Bình Dương đã sớm có hệ thống giao thông kết nối vùng thuận lợi và hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại giúp tỉnh thu hút đầu tư hiệu quả, tạo động lực đưa Bình Dương phát triển nhanh chóng và trở thành địa phương có nền kinh tế đứng thứ 3 của cả nước.
Hạ tầng đi trước mở đường phát triển
Năm 1997 khi vừa tách tỉnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề ra quyết sách huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua việc phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trước yêu cầu của thực tiễn, trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, tỉnh đã giao Tổng công ty Becamex IDC thực hiện đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ 13. Đây là dự án giao thông đầu tiên của cả nước được đầu tư theo phương thức BOT.
Sự vào cuộc của doanh nghiệp đầu tàu đã giúp dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 sớm hoàn thành với chiều dài 62km có 6 làn xe nối Thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương và đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay).
Tuyến đường huyết mạch này giúp kết nối nội vùng, liên vùng từ tỉnh Bình Dương đến Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đến sân bay và các cảng quốc tế, tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư và tạo động lực cho tỉnh Bình Dương cùng các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên cùng phát triển.
Tỉnh Bình Dương đang chủ động đầu tư giao thông kết nối vùng. |
Thành công từ việc đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành tại Bình Dương thông qua nguồn lực xã hội hóa, như: Dự án mở rộng đường ĐT 741 kết nối tỉnh Bình Dương đến tỉnh Bình Phước; dự án mở rộng cầu Phú Cường và đường Huỳnh Văn Cù kết nối với đến huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh); đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; các dự án giao thông liên tỉnh kết nối về hướng tỉnh Đồng Nai và về hướng tỉnh Tây Ninh...
Các dự án này cũng đánh thức các vùng đất tiềm năng như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tạo lực thúc đẩy kinh tế công nghiệp bứt phá nhanh.
Cùng với giao thông, tỉnh Bình Dương cũng là địa phương đi đầu trong xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp, nhất là sau khi doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Bình Dương là Tổng Công ty Becamex IDC hợp tác với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) vào năm 1996 cùng xây dựng một mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu tại Việt Nam.
Từ đây, các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore được hình thành đã lan tỏa thúc đẩy nhiều khu công nghiệp mới tại Bình Dương ra đời. Nhờ vậy, năm 1997 tỉnh Bình Dương có 7 khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 1.500 ha thì đến nay, tỉnh đã có 29 khu công nghiệp được phân bố ở nhiều huyện, thị, thành phố với diện tích 12.745,6 ha, trong đó có 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động có tỷ lệ cho thuê đất đạt 93,77%.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương chia sẻ, tất cả 29 khu công nghiệp tại Bình Dương hiện nay đều được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa; trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đầu tư 22 khu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư 4 khu và doanh nghiệp liên doanh đầu tư 3 khu công nghiệp.
Đến nay, các khu công nghiệp Bình Dương đã thu hút 3.215 dự án còn hiệu lực, trong đó có 2.524 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 30,6 tỷ USD và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 95.460 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 38 tỷ USD, xuất khẩu hơn 27,36 tỷ USD, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách 607 triệu USD...
Một góc khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Mỹ Phước tại thành phố Bến Cát (tỉnh Bình Dương) do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư. |
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bên cạnh hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi và hạ tầng khu công nghiệp bài bản, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền đã giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án. Là doanh nghiệp Đan Mạch, Tập đoàn Lego đang đầu tư hơn 1,3 tỷ USD dự án nhà máy sản xuất đồ chơi ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III ở tỉnh Bình Dương.
Tại lễ tổng kết tiến độ dự án và thử nghiệm các hệ thống, thiết bị mới đây nhằm hướng tới lễ khánh thành vào đầu năm 2025, ông Jesper Hassellund Mikkelsen, Phó Chủ tịch cấp cao khối Sản xuất châu Á của Tập đoàn LEGO, Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam, chia sẻ: “Việc thử nghiệm và cân chỉnh các máy ép nhựa và dây chuyền đóng gói tại nhà máy đánh dấu cột mốc quan trọng, cho thấy dự án đang triển khai đúng tiến độ. Điều này có được là nhờ sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương…”.
Chú trọng hạ tầng để phát triển bền vững
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng sẵn có để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Với quan niệm “Sự thành công của các nhà đầu tư là sự thành công của tỉnh Bình Dương”, tỉnh đã nỗ lực quy hoạch, tạo mọi điều kiện để hình thành và phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng hiện đại; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử gắn với chuyển đổi số. Đồng thời quan tâm triển khai đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư...
Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh Bình Dương đã thu hút 73.135 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 803 nghìn tỷ đồng và 4.372 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 42 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh: Sembcorp, Capitaland, Mapletree (Singapore); Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản); Procter & Gamble (Hoa Kỳ); Kumho (Hàn Quốc); Lego, Pandora (Đan Mạch);
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Tỉnh Bình Dương hiện có quy mô kinh tế đứng thứ 3 của cả nước sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Để có được thành quả như hôm nay, trong suốt thời gian gần 28 năm qua, tỉnh Bình Dương đã kế thừa truyền thống trước đây “Trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” bằng việc: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư liên tục để tỉnh xứng đáng như doanh nghiệp đã gọi “Bình Dương là điểm đến của nhà đầu tư, là nơi đất lành chim đậu”.
Sản xuất linh kiện điện tử tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2 (tỉnh Bình Dương). |
Đồng thời, để làm được điều này thì vai trò của nguồn lực xã hội là rất quan trọng trong xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo một quỹ đất sạch phục vụ nhà đầu tư đến đây và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, góp phần giúp tỉnh phát triển trong suốt thời gian qua. Hướng đến phát triển bền vững, về giao thông tỉnh tiếp tục chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi nhằm kết nối đến sân bay, bến cảng.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung mở rộng và nâng cấp quốc lộ 13, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3, triển khai và chuẩn bị khởi công đường Vành đai 4 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các tuyến đường kết nối về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn...
Đối với hạ tầng khu công nghiệp, hiện tỉnh đang tập trung xây dựng thế hệ khu công nghiệp vừa xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng sạch và phát triển bền vững; đồng thời tỉnh triển khai thực hiện mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế gắn liền với khoa học và công nghệ, thu hút các viện - trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao...