Áp lực từ ngoại biên
Tang vật bắt giữ trong các vụ án ma túy giờ không chỉ tính bằng gam, kg mà lên tới hàng tạ, cả tấn. Sau vụ CSGT Quảng Bình bắt 308,6 kg ma túy đá, CSGT TP Hồ Chí Minh bắt giữ hai đối tượng vận chuyển 859 bánh heroin, vụ bắt quả tang Vangchueyang Briachear (Lào) đi xe ô-tô vận chuyển 294 kg ma túy đá tại Hà Tĩnh, hàng loạt đường dây ma túy xuyên quốc gia từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái-lan vận chuyển vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước và đi nước thứ ba tiêu thụ do các đối tượng Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu bị bóc gỡ. Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng CSĐTTPMT chia sẻ, để vạch trần thủ đoạn bảy đối tượng đóng gói 1,16 tấn ma túy tổng hợp (MTTH) dạng đá trong những túi chè hút chân không giấu trong các bao hạt nhựa PP xuất đi đường biển sang Phi-lip-pin, Đài Loan hay đồng loạt ập vào khám xét các kho hàng tại TP Hồ Chí Minh thu 500 kg ketamine (trị giá hơn 500 tỷ đồng) và bắt ba đối tượng, các trinh sát phải kiên trì theo dõi nhiều tháng ròng, dầu dãi nắng mưa đeo bám, nắm quy luật hoạt động cả đường dây, chọn thời điểm chín muồi phá án. Ngoài ra nhiều "mẻ lưới" vừa "cất vó" cũng thu lượng ma túy khủng như vụ bắt ba đối tượng, thu 580 kg MTTH, 40 bánh heroin; vụ thu 700 kg MTTH dạng đá... Trong năm 2018, hơn 8 tấn lá khát, 99 kg cần sa, 234 kg cocain cất giấu trong các container theo tàu biển cập một số cảng ở nước ta cũng bị phát hiện. Những loại ma túy này không phổ biến tại Việt Nam, nên nếu tiếp tục được vận chuyển sang Mỹ, Nhật (giá đắt gấp chục lần) thường tránh được sự chú ý, kiểm tra gắt gao.
Gần đây những tên trùm ma túy người nước ngoài có xu hướng chuyển sang nước ta hoạt động vì những điều kiện thuận lợi như thông quan thông thoáng, phương tiện nghiệp vụ soi chiếu chưa hiện đại, nếu cán bộ hải quan chủ quan, thiếu kinh nghiệm... thì khả năng sót lọt ma túy qua đường biển rất cao. Ma túy thường được giấu kỹ trong các bao chè, cà-phê, hạt nhựa, linh kiện điện tử, loa thùng, sắt vụn lẫn trong hàng hóa cồng kềnh. Các đối tượng thuê nhà xưởng ở những nơi vắng vẻ nhưng không sản xuất, kinh doanh để tập kết ma túy, lắp camera quan sát toàn bộ hoạt động từ xa, niêm phong, kẹp chì, gắn chíp vào container nắm bắt hành trình vận chuyển. Cao thủ hơn, chúng ủy thác cho các công ty có uy tín làm dịch vụ xuất nhập khẩu vừa giấu kín thân phận, xuất xứ nguồn hàng vừa dễ dàng được thông quan luồng xanh (miễn kiểm tra hải quan). Khi các công ty này đang làm thủ tục thì đối tượng chủ mưu về nước, nếu khám xét phát hiện ra ma túy thì hàng thành vô chủ.
Cũng như tuyến đường biển, đối tượng cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy qua đường không thường ở nước ngoài thuê người xách mang, thủ đoạn cất giấu tinh vi. Một số đối tượng lại chọn vận chuyển qua đường bưu điện, giấu ma túy trong các kiện hàng, để lẫn trong quần áo, dầu gội đầu, trong ruột gấu bông, tranh...; kê khai gian dối tên người gửi, người nhận, tuy rủi ro cao, có thể mất hàng hoặc bị thất thoát nhưng lại an toàn hơn, chi phí thấp.
Sau khi đánh mạnh vào các sào huyệt ma túy tại Tây Bắc, TPMT đã chùn, không còn hoạt động công khai, nhưng vẫn còn nóng bỏng, tập trung ở những điểm nóng như Loóng Luông (Vân Hồ, Sơn La), Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình); nhiều vụ bắt giữ cả tạ heroin và hàng trăm nghìn viên MTTH.
Mua bán ma túy nếu bị bắt chắc chắn lĩnh án cao, thậm chí tử hình, trong khi lợi nhuận thu về một vốn nhiều lời (một bánh heroin từ biên giới Việt-Lào giá 7.500 USD, về Hà Nội khoảng 10.000 USD, mua 1 kg ketamine ở biên giới Tây Nam 800 triệu đồng về TP Hồ Chí Minh bán lãi 200 triệu đồng, chia nhỏ bán lẻ lãi càng cao) nên ngày càng nhiều đối tượng lao vào tổ chức các đường dây khủng kiếm lời và manh động dùng vũ khí nóng chống trả đến cùng khi bị truy bắt, giải cứu đồng bọn hoặc tự sát bịt đầu mối. Bên kia biên giới Việt - Lào là các toán, nhóm có vũ trang tập kết đóng gói hàng, lợi dụng địa hình hiểm trở, băng qua đường mòn thẩm lậu ma túy, thường xuyên thay đổi quy luật, địa điểm, thời gian giao dịch. Nhằm tránh bị phát hiện, chúng chia thành nhiều toán nhỏ, nhóm "chim mồi" đi trước, hễ thấy động báo cho nhóm đi sau cầm hàng kịp thời tẩu thoát, tiêu hủy. Phần lớn đối tượng cầm đầu ít lộ diện mà chỉ đạo từ xa đội quân cửu vạn xách thuê; một số còn "mua tận gốc, bán tận ngọn" trực tiếp sử dụng xe ô-tô đời mới vận chuyển. Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hòng qua mặt lực lượng truy bắt như lập nhóm kín trên zalo, facebook, webchat để liên lạc, giao dịch sử dụng các dịch vụ vận chuyển hiện đại, cất giấu ma túy trong hàng hóa ký gửi trên xe khách, khi bị bắt chúng khai báo quanh co, nhỏ giọt, liên tục phản cung gây cản trở điều tra, mở rộng vụ án.
Với "phần nổi" là hơn 225 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, trong khi "tảng băng chìm" còn lớn hơn nhiều, chưa kể nhiều người mắc nghiện "lấy mỡ nó rán nó" bán lẻ ma túy kiếm tiền hút chích tác động nguồn cung tăng và là căn nguyên phát sinh các loại tội phạm như giết người, cướp, trộm cắp. Ma túy đá, MTTH gieo rắc, đầu độc giới trẻ kèm theo nguy cơ sản xuất trong nước cao, tiềm ẩn hệ lụy khôn lường. Toàn quốc hiện có 77 tụ điểm và 1.432 điểm phức tạp về ma túy và 9 vũ trường, 106 quán bar, 48 nhà hàng, 702 quán karaoke, 871 nhà nghỉ, khách sạn có biểu hiện nghi vấn hoạt động ma túy khiến tình hình thêm nhức nhối.
Nguy cơ tiềm ẩn phức tạp
Cuộc chiến chống ma túy vẫn còn dai dẳng bởi mặc dù kết quả bắt giữ tăng cao nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn nhiều, một số đường dây lớn chưa được bóc gỡ triệt để, biên giới trải dài, hiểm trở; lực lượng chuyên trách đấu tranh mỏng, thiếu trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nên kiểm soát rất khó khăn. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa kiên quyết PCMT, thậm chí có cán bộ cơ sở còn vi phạm pháp luật, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, cuộc sống khó khăn, thiếu hiểu biết bị lợi dụng, lôi kéo phạm tội. Quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện; quản lý, xuất nhập khẩu và sử dụng các loại tiền chất, thuốc tân dược... còn nhiều bất cập; Bộ luật Hình sự 2017 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn xử lý đối với tội: Tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mạnh, các thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận tiện hơn tạo kẽ hở cho TPMT lợi dụng.
Với đặc thù tội phạm ẩn và xu hướng hình thành nhiều đường dây, ổ nhóm ma túy xuyên quốc gia có tổ chức chặt chẽ, manh động hơn, tính chất quốc tế hóa cao đòi hỏi lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo chính xác để chủ động trấn áp. Giảm cung, giảm cầu và giảm hại là ba trụ cột chính trong công tác phòng, chống ma túy, nếu chỉ tập trung đấu tranh sẽ không thể "hạ nhiệt" hiệu quả, bởi giải pháp bền vững còn phải chú trọng phòng ngừa, kêu gọi toàn xã hội tích cực chung tay.