Những "đại lộ" làng ở Bắc Giang

|

Bắc Giang trở thành điểm sáng của GTNT trong cả nước - nhiều con đường ở thôn, xóm đã rộng rãi thênh thang, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế . Vì sao những con đường làng lại có thể biến thành "đại lộ"?

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Điều đầu tiên mà ông Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang muốn chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi chính là sự phát triển thần tốc của GTNT tỉnh nhà thời gian qua. Ông Hải tâm sự: "Cách đây mấy năm, Tỉnh ủy đề nghị tất cả các đồng chí trong Thường vụ phải xuống tận thôn, xã "ba cùng" với dân trong 10 ngày, nắm bắt thực tế, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua đó mới biết mong mỏi lớn nhất của bà con là làm đường. Chính vì thế tháng 7-2017, HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn giai đoạn 2017 - 2021. Theo đó, tỉnh cấp đủ xi-măng mác 200 miễn phí để làm tất cả đường thôn, xã trong tỉnh. Với địa bàn đặc biệt khó khăn, còn hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho mỗi cây số làm đường. Tỉnh khuyến khích làm đường càng dài càng tốt, to càng tốt. Đường làng nhưng không dưới 3,5 m, đạt đủ tiêu chuẩn đường cấp tỉnh. Trường hợp đường đi qua giữa làng, không thể mở được nữa thì quy định cứ dài 500 m phải có điểm mở rộng để xe ô-tô tránh nhau". Hợp lòng dân, Nghị quyết 07 như luồng gió mới, khích lệ nhân dân khắp nơi góp công, góp sức, hiến đất cứng hóa đường làng, ngõ xóm.

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Nhà nước hỗ trợ
xi-măng, chi phí vận chuyển, nhân dân hiến đất, hiến công trình để giải phóng mặt bằng, đóng góp sức người, sức của, đã làm thay đổi lớn hệ thống đường GTNT trên địa bàn huyện. Huyện có cơ chế hỗ trợ 100% cước vận chuyển xi-măng từ nhà máy đến tận chân công trình. Chủ trương này trở thành đòn bẩy thúc đẩy phong trào ở mỗi địa phương. Nhiều địa phương đã huy động mọi nguồn lực cho việc cứng hóa đường giao thông nội thôn, liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn. Do vậy, ngay trong năm 2017, năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết, huyện đã có 73 thôn, khu phố thực hiện cứng hóa 90 công trình đường giao thông với chiều dài hơn 67 km với gần 17 nghìn tấn xi-măng hỗ trợ".

Chúng tôi về xã Ngọc Sơn, con đường trước đây đầy sỏi đá hai xe máy tránh nhau còn khó thì nay đã phẳng lì và ô-tô vào tận nhà ông Trần Văn Giang, chủ một trang trại gà ở trong ngõ sâu. Ông Giang kể: "Nếu trước đây vào nhà tôi, ô-tô phải để cách xa mấy trăm mét, thì giờ có thể đến sát cổng để giao hàng, nhận hàng. Có được thế này là nhờ mô hình làm GTNT rất hay. Tỉnh hỗ trợ xi-măng, huyện hỗ trợ vận chuyển, dân góp công, góp tiền cùng nhau làm đường. Không những vậy, huyện còn trích ngân sách để dân một số thôn, xã mở rộng mặt đường nhỏ nhất là 5m trở lên". Theo ông Nguyễn Xuân Thảo, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ hơn 25,6 tỷ đồng cho 18 xã để làm mặt đường có trung bình nhỏ nhất là 5 m. Trong đó nhiều tuyến đường được mở rộng lên 7-9 m, như tuyến đường ở xã Thường Thắng được mở rộng với mặt đường cứng hóa 9m. Sau đó, các thôn đều thực hiện cạp lề đường và nhiều thôn trồng hoa ven đường, tạo cảnh quan môi trường cho mỗi làng quê. Và những đường làng bỗng trở nên thênh thang chẳng khác gì đại lộ.

Lục Ngạn và Yên Thế - hai huyện miền núi đã có bước đột phá trong phát triển GTNT sau khi có Nghị quyết 07 của tỉnh. Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, khi triển khai nghị quyết, huyện đã họp tất cả các lãnh đạo của các xã, thị trấn, tập trung thực hiện, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ cứng hóa đường GTNT đã đăng ký.
Ban Thường vụ Huyện ủy còn thành lập tổ công tác để giám sát, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị. Mỗi tháng, huyện tổ chức giao ban trực tuyến với các xã, thị trấn để kiểm điểm kết quả thực hiện, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ. Huyện giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng thiết kế mẫu điển hình để hướng dẫn các thôn áp dụng nhằm giảm chi phí đầu tư. Nhờ cách làm này, người dân bản Hom, xã Tam Hiệp (Yên Thế) đã có con đường bê-tông rộng rãi kiên cố, điều mà cách đây chưa lâu bà con không dám nghĩ tới.

Ở huyện Lục Ngạn, người dân tự bàn bạc, tự thi công và tự chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Huyện hỗ trợ ngân sách 100 triệu đồng/km đối với các tuyến đường thôn; riêng đối với đường thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn là 150 triệu đồng/km. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, người dân Lục Ngạn đã đóng góp khoảng 300 tỷ đồng, hiến hơn 78 nghìn m2 đất, phá dỡ 460 m tường rào, tự nguyện chặt bỏ hàng nghìn cây ăn quả các loại để mở rộng, cứng hóa đường. Giờ đây ở Lục Ngạn, cứ đặt chân ra đường là chạm... đường bê-tông.

Chỉ trong hai năm thực hiện Nghị quyết 07, từ 2017 - 2019, tổng kinh phí đầu tư thực hiện cứng hóa GTNT của tỉnh Bắc Giang là 2,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ khoảng 750 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, xã hỗ trợ 600 tỷ đồng, dân đóng góp tiền hiến đất và ngày công trị giá một nghìn tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh: "GTNT ở Bắc Giang đã có bước chuyển lớn, trở thành cao trào, sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết số 07 và 06 của HĐND tỉnh, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cứng hóa hơn bốn nghìn km đường GTNT, trong đó chủ yếu là đường thôn, xóm, nâng tỷ lệ cứng hóa loại đường này lên 78%, vượt khoảng 18% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Người dân được hưởng lợi rất nhiều".

Cú huých từ những "đại lộ" làng

Những con đường nông thôn rộng rãi, kiên cố đã trở thành cú huých để kinh tế ở những vùng quê Bắc Giang phát triển. Xe ô-tô dễ dàng đến tận cửa trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Hải xã miền núi Lương Phong, huyện Hiệp Hòa. Ông Hải cho biết: "Nhờ giao thông thuận tiện, tôi đã thuê bà con nông dân nuôi lợn theo mô hình thảo dược. Họ nuôi theo cách thức tôi đưa ra, đến lúc đủ cân, xe ô-tô vào tận nơi chở lợn đi tới lò mổ. Trước đây, đường làng nhỏ hẹp, nên không thực hiện được mô hình này. Bà con nông dân nuôi lợn vẫn bị thương lái ép giá vì vận chuyển quá khó khăn".

Xe ô-tô đưa chúng tôi đi trên những con đường làng láng bê-tông rộng phẳng, chỉ một lúc đã tới lò mổ của ông Nguyễn Văn Hải. Lò mổ sạch bong, hiện đại có thể mổ và chế biến lợn từ các trang trại, sau đó xuất cho các siêu thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhờ GTNT thuận lợi, xe ô-tô tải có thể đi từ thôn, xã ra đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang rất nhanh và khi lên đến Thủ đô thì thịt lợn vẫn còn tươi rói. Kể từ khi hệ thống GTNT ở Bắc Giang được làm mới, công việc kinh doanh của ông Hải ngày càng thuận lợi dù dịch tả lợn châu Phi đã gây ra những thiệt hại đáng kể.

Mùa vải năm nay ở Lục Ngạn, nhờ giao thông thuận tiện, xe tải có thể vào tận nhà dân để chở vải. Ô-tô tải nườm nượp vào ra, chỉ trong một thời gian ngắn, vải có thể lên cửa khẩu ở Lạng Sơn, xuống Hà Nội, ra sân bay, cảng biển để xuất khẩu. Những con đường ở Lục Ngạn được mở rộng giúp xe chở vải không còn bị ách tắc như những năm trước, chi phí vận chuyển giảm xuống, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Hợp tác xã (HTX) rau sạch Yên Dũng đã quyết định đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng diện tích sản xuất dưa lưới, dưa leo, cà chua theo mô hình công nghệ cao sau khi đường thôn nội đồng ở các xã Tiến Dũng, Tư Mại, Đức Giang được mở rộng. Ông Trần Trọng Tùng, Giám đốc HTX lý giải: "Trước đây, đường nhỏ hẹp, xuống cấp, mỗi khi thu hoạch, HTX phải chuyển bằng xe nhỏ nhiều đợt mới đưa đến nơi tập kết, chi phí tốn kém. Giờ đây, đường được bê-tông hóa, mở rộng, xe đông lạnh tới tận ruộng nhận rau. Sản phẩm rau của HTX chủ yếu xuất bán cho các siêu thị lớn tại Hà Nội, nên giảm được hàng trăm triệu chi phí công lao động, cước vận chuyển".

Các tuyến đường GTNT được mở rộng, cứng hóa của huyện Tân Yên cũng giúp nhiều doanh nghiệp thuận lợi trong việc liên kết sản xuất, thu mua nông sản cho người dân. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành gần 110 vùng sản xuất nông sản tập trung ở các xã: Ngọc Thiện, Lam Cốt, Phúc Sơn, Tân Trung, Quế Nham, Ngọc Châu, Quang Tiến và Liên Sơn với các mô hình trồng dưa chuột, bí ngô, rau ăn lá các loại... Xe tải có thể vào tận ruộng để chở hàng.

Nhờ GTNT thuận tiện kết nối với hệ thống tỉnh lộ, quốc lộ và cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, Bắc Giang - Lạng Sơn, nên những khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn đang dần hình thành. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: "Toàn tỉnh có hơn 160 cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa tập trung, chưa kể vùng cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc cứng hóa, mở rộng đường GTNT theo nghị quyết của HĐND tỉnh được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người dân. Ngoài giúp người dân đi lại dễ dàng, tại các vùng sản xuất, mỗi khi vào vụ thu hoạch, bà con được thương nhân về tận ruộng thu mua nông sản, giảm đáng kể công sức, thời gian và chi phí vận chuyển, tránh được tình trạng hàng hóa sản xuất ra không có người thu mua vì khâu vận chuyển gặp khó khăn".

Nhờ những con đường mới mở, kinh tế nông thôn ở Bắc Giang đã có những cú huých để từ đó tăng tốc bỏ lại phía sau đói nghèo, lạc hậu...