“Tối giản là căn cước tôi”

|

“Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay, là căn cước tôi”. Ðó là lời bộc bạch của người vẽ Lê Thiết Cương bốn năm trước, trong một sự kiện nghệ thuật cá nhân có tên Kinh Gốm. Bốn năm sau, với cuốn sách Nhà&Người vừa ra mắt, người viết Lê Thiết Cương tiếp tục bộc lộ sự nhất quán “tối giản là tôi” ấy, ẩn hiện trong từng câu chữ của một nghệ sĩ đa tài.

Dụng công cùng tối giản

Giấy thì dày, khổ thì to (18X24cm), gần 60 tản văn với dung lượng hơn 330 trang khiến Nhà&Người dày cộp, nặng trĩu tay. Bởi thế, để đọc Nhà&Người, độc giả phải ngồi nghiêm ngắn, sách đặt trên bàn. Để đọc Nhà&Người, độc giả phải đầu tư thời gian, vì sách rất “cuốn”, rất khó dừng lại, khi chưa lật tới trang cuối cùng.

Bởi thế, lâu lắm rồi tôi mới đọc một cuốn sách say sưa thế, liền một lèo thế. Dù những deadline công việc đang thúc giục, réo gào. Dù đã từng đọc dăm bảy tản văn trước đó, đăng tải ở đâu đó, trên một vài tờ báo uy tín nào đó may mắn có cây bút Lê Thiết Cương là cộng tác viên “ruột”. Dù đã bụng bảo dạ đây là dạng sách nên đọc chậm rãi, thỉnh thoảng lại lấy ra nhâm nhi, giở qua lật lại để suy ngẫm, để gật gù.

Đọc Nhà&Người, độc giả được chiều chuộng mọi nhẽ. Bìa đẹp, thiết kế mỹ thuật chau chuốt. Những khoảnh khắc đẹp của phố - làng - nhà - người... từng được nâng niu lưu giữ trong ống kính Lê Thiết Cương bao năm qua điểm xuyết minh họa cho từng tản văn, bài nào ảnh nấy, hình nào nội dung ấy. Tác giả vốn nổi tiếng duy mỹ, cầu kỳ và kỹ tính nên bảo sách của Cương hay, khâu trình bày của Cương đẹp khác gì “khen phò mã tốt áo”!

“Tối giản” vốn là tuyên ngôn nghệ thuật của Lê Thiết Cương. Tối giản cũng là con đường độc đạo nhọc nhằn mà anh kiên định chọn lựa suốt từ bao năm qua, dù nhiều ngã rẽ khúc quanh ẩn chứa những dễ dàng hơn, nhàn hạ hơn luôn hiện ra đâu đó rủ rê, mời gọi.

Lê Thiết Cương từng nhiều lần bóc tách những chồng lớp ý nghĩa của phong cách “vân tay” này, với bạn bè, với báo giới. Rằng, tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn, là kiệm lời, kiệm hình, kiệm mầu, kiệm nét, là nói bằng im lặng - “im lặng sấm sét”. Rằng, tôi thích thiền tông, thích con đường “đốn ngộ” của Thiền. Quan niệm về cái đẹp của thiền chính là tối giản vì thiền vốn vô ngôn. Chắt lọc, hàm súc, cô đọng là mỹ học thiền.

Có thể nhận diện tối giản xuyên suốt, trong chồng lớp những hoạt động nghệ thuật trên nhiều bình diện rộng khắp, từ làm bìa - trình bày sách - làm băng đĩa đến tổ chức sự kiện văn hóa (triển lãm, ra mắt sách và video art) cho bạn bè cùng các tài năng trẻ... như liệt kê của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha hay “vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa” - như thống kê của “chính chủ”. Giờ thì có thêm cuốn sách tập hợp những bài viết của chính mình (một quyết định bất ngờ chỉ đến với anh khi đối diện ngã rẽ thử thách nhất trong đời), Cương một lần nữa cho thấy, đúng là anh vẫn dụng công nhất quán cùng tối giản.

Đọc Nhà&Người, độc giả được chiều chuộng mọi nhẽ.

Đọc văn của Lê Thiết Cương rất thích. Vì anh luôn viết rất ngắn, từ ngữ chắt lọc tới mức không một chữ thừa nhưng lại dư dả hàm lượng kiến thức cùng chiều sâu chiêm nghiệm. Ví như giải thích cái tựa sách không thể ngắn hơn, anh bảo, như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa tôi muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà.

Chỉ Lê Thiết Cương mới có thể gói ghém đặc trưng đất và người của ba địa danh nổi tiếng trong vài câu. Thổ chủ tĩnh, thủy chủ động. Người Hà Nội, người của đô thị trong sông khác với người Huế - người của đô thị vườn và khác với người ở Sài Gòn - người của đô thị kênh rạch. Huế cũng nằm bên sông nhưng người Huế nghiêng về chất thổ, khép quá, đóng quá, kín quá, thủ cựu quá. Người Sài Gòn nhiều chất thủy, nhiều chất kênh rạch sông nước nên năng động, cởi mở, dễ thích nghi (Sài Gòn - vùng văn hóa đa văn hóa).

Cũng chỉ Lê Thiết Cương mới có cách tung hứng chữ nghĩa tài tình đến thế, lật qua lật lại những thành tố làm nên một từ ghép để đưa ra những kiến giải độc đáo như thế. Kiểu như Làng là nước, nước là làng, nước Việt chính là làng, là nước - làng. Người ta hay nói làng nước là vậy. Còn giữ được làng, giữ được nếp làng thì còn nước, còn nếp nước (Cựu). Muốn hiểu người Việt, tính cách Việt thì cứ nghiên cứu làng là đủ. Việc làng cũng là việc nước, chuyện làng cũng là chuyện nước (Cổng làng).

Và cũng chỉ Lê Thiết Cương mới có những góc nhìn khái quát từ một sự vật cụ thể, quen thuộc để nâng lên thành thuộc tính văn hóa. Từ cổng làng là cái tự tính đóng - mở tùy thì của người Việt. Đóng - khép, mở - hé. Cái cánh đóng giúp bảo tồn, cái cánh mở giúp cho hòa nhập hay những ngõ nhỏ - phố nhỏ làm nên nét duyên thầm Hà Nội - Ngõ già, phố trẻ. Ngõ thì tĩnh, phố thì động. Ngõ là gốc, phố là ngọn.

Tinh túy, hàm súc và độc đáo, chữ nghĩa của Lê Thiết Cương có khả năng mê hoặc số đông độc giả trót đam mê văn hóa Việt, khi luôn gửi gắm nhiều ngẫm ngợi và gợi mở nhiều suy tư.

Trong hạt thóc có hạt gạo

Là người đam mê và có vốn kiến thức dày dặn về văn hóa, lại chịu đi - chịu học - chịu đọc và chịu viết, Lê Thiết Cương sở hữu một số lượng bài viết đăng báo (mà lại toàn những cái tên uy tín như Tuổi trẻ, Lao động, Tia sáng...) lớn tới mức đủ khiến phần đa những phóng viên đã vài chục năm thâm niên cầm bút (như tôi) cảm thấy xấu hổ. Đó là mới chỉ mon men tính tới con số chứ chưa dám phân bì tới chất lượng.

Mỏ tài nguyên với trữ lượng đáng nể ấy giúp anh thoải mái chọn lựa, chắt lọc tinh chất để tiếp tục lần lượt ra mắt ba tập sách nữa trong tương lai gần, với độ dày cũng “một chín, một mười” với Nhà&Người nhưng mức độ đầu tư cùng tâm huyết gửi gắm thì sẽ có phần vượt trội.

Cương bảo, khi cầm bút, anh luôn mặc định cho mình vị trí đứng giữa. Không nói những gì đã trở thành chân lý, đã được chứng minh và khẳng định mà ai cũng biết, kiểu 2+2=4. Nhưng cũng không đưa ra những mệnh đề quá xa lạ theo kiểu đánh đố, tính xác tín chưa cao. Hướng tiếp cận ấy đặt ra khá nhiều yêu cầu nan giải về tính phát hiện và góc nhìn độc bản, trước anh chưa ai nhận ra và sau anh sẽ chẳng ai có thể nói giống thế. Kiểu như chỉ có anh mới nâng “nước mắm” thành “biên giới”, bởi nước mắm chính là người Việt, là văn hóa Việt, phong hóa Việt (Biên giới nước mắm). Kiểu như chỉ có anh nhìn thấy nguồn gốc Nam đảo Thái Bình Dương của người Việt, từ cái mõ gỗ hình con cá treo ở đình làng truyền thống TK XVI-XVII...Nhìn - ngẫm và tìm về nguồn cội gốc gác nhưng Cương không chọn cách diễn giải học thuật của một nhà nghiên cứu. Anh chuyển tải phát hiện đó theo cách giản dị nhất có thể, như thể hé mở cánh cửa để độc giả bước vào rồi đứng tránh sang bên, mời họ tiếp tục tự đi sâu khám phá.

Giao lưu với độc giả trong sự kiện ra mắt sách "Nhà&Người"

Sau Nhà&Người, Cương còn ấp ủ tiếp tục xuất bản ba đầu sách nữa. Trò chuyện với hội họa tập trung vào hành trình của nhà phê bình, xem tranh - đọc tranh và chỉ mổ xẻ về hình thức biểu đạt, không bàn tới nội dung. Qua ngòi bút của họa sĩ Lê Thiết Cương, các bộ tứ danh họa“Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” hay “Trí-Lân-Vân-Cẩn” đóng góp gì cho hội họa nước nhà thông qua những phạm trù hình thức? Tại sao ông Phái ưa kích cỡ tranh nhỏ, tại sao Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí không dùng bạc mà ưu tiên cho gắn vỏ trứng, tại sao Hào của Dương Bích Liên lại được đánh giá “một cách hiểu khác về chiến tranh, duy nhất và độc đáo”...

Điểm nhấn mà tác giả gửi gắm rất nhiều tâm huyết nằm ở tập thứ ba, với cái tựa ấn tượng Trong hạt thóc có hạt gạo. Cương chia sẻ, anh không thể quên nỗi phấn khích của một đứa trẻ khi phát hiện ra ánh lấp lánh của cái bất thường, trong một hiện tượng rất đỗi bình thường ấy. Chọn phát kiến đậm chất trẻ thơ ấy làm tựa đề vì với anh, đó chính là sứ mệnh đích thực mà người nghệ sĩ được trao quyền gánh vác.

Tập thứ tư mà tác giả chưa kịp gọi tên chia sẻ những câu chuyện quanh thú chơi nhiếp ảnh của anh sẽ tạm khép lại hành trình phác thảo chân dung người viết Lê Thiết Cương, bên cạnh một người vẽ nhiều dấu ấn của lứa họa sĩ thành danh sau Đổi mới. Vẫn trung thành với tối giản, chỉ là tung tẩy từ cây cọ sang cây bút, vẫn dựa trên một cái nền vững chắc - những giá trị người. Như trong lời tự bạch mở đầu cuốn sách Nhà&Người - viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.