Cuộc đua công nghệ siêu hạng

|

Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, công nghệ thuật toán, thống kê, dữ liệu... đã trở thành công cụ hỗ trợ cực kỳ hữu ích cho các CLB hàng đầu. Khi mới ra đời, nó đơn giản chỉ là phân tích dữ liệu cầu thủ, tính toán hiệu suất của cá nhân, tập thể với mục đích chuyển nhượng, mua bán cầu thủ, dự đoán kết quả... Nhưng bây giờ có vẻ như, đội bóng nào càng sáng tạo và áp dụng nhiều định dạng công nghệ, họ càng có cơ hội thành công hơn.

1. Arsene Wenger có thể coi là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng dữ liệu máy tính vào việc đào tạo, lựa chọn cầu thủ thi đấu và mua bán nhân sự. Trong gần 1 thập kỷ cuối của Wenger ở Arsenal, người ta phát hiện ra rằng, tất cả các cầu thủ ngôi sao, tất cả những người đeo băng đội trưởng đều bị bán đi khi... 28 hoặc 29 tuổi. Độ tuổi này thường là giai đoạn đỉnh cao nhất của một cầu thủ, nhưng Wenger đã chọn bán đi hết. Từ Robin van Perise, Overmars đến Thierry Henry, Viera... Và điều thú vị là hầu hết những người rời Arsenal ở tuổi đó, đều đi xuống, không giữ được phong độ đỉnh cao nữa. Họa hoằn lắm mới có người duy trì được đẳng cấp chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là kết quả của công nghệ. Khi Wenger nhận được thống kê rằng, các cầu thủ đã có dấu hiệu giảm sút hiệu suất thi đấu, từ sức bền, độ dẻo dai, khả năng bứt tốc, đến cả tính chuẩn xác trong các tình huống xử lý, thậm chí là tỷ lệ bàn thắng, đường chuyền...

Wenger đã đúng nhờ công nghệ. Và sau này, khi công nghệ ngày càng cao, mọi nhu cầu của các đội bóng, các cầu thủ, từ luyện tập, thi đấu, hỗ trợ tăng trưởng thể chất... đều được đáp ứng đầy đủ. Vấn đề chỉ là: bao nhiêu tiền?

2. Cách đây 2 năm, thế giới bóng đá đã ngỡ ngàng khi một số CLB lớn ở Anh như Man City, Chelsea... đã hợp tác và sử dụng công nghệ của Nasa cho các nhu cầu của mình. Họ có tất cả những gì mong muốn trong khả năng phi thường của một thứ công nghệ siêu việt bậc nhất thế giới. Khi ấy, người ta đã nói, bóng đá thế giới đã tiến lên đẳng cấp... xuyên hành tinh. Và còn nhiều những thứ công nghệ oái oăm nữa được sử dụng như một yếu tố quan trọng mang lại chiến thắng. Vấn đề vẫn là tiền và ý tưởng.

Cách đây không lâu, Liverpool đã giành chiến thắng đầy kịch tính trước Chelsea ở trận chung kết League Cup. Trận đấu hòa 0-0, với 4 bàn thắng không được công nhận vì công nghệ VAR và chiếc cúp vô địch chỉ được định đoạt trên chấm luân lưu. 22 quả đá luân lưu đã diễn ra, toàn bộ các cầu thủ đều thực hiện chính xác cho đến người cuối cùng, thủ thành Kepa của Chelsea sút bóng thẳng lên khán đài. Sau trận đấu, câu hỏi đặt ra. Tại sao Liverpool của HLV Klopp có thể lì lợm đến vậy? Cộng với cuộc chạy đua không tưởng với Man City ở Premier League, từ chỗ kém đối thủ 14 điểm vào tháng 1, đến đầu tháng 4, khoảng cách chỉ còn 1 điểm, Liverpool thật sự là đội bóng đáng sợ về tinh thần.

Bí mật được tiết lộ, HLV Klopp đã làm việc với một công ty công nghệ của Đức chuyên về lĩnh vực khoa học thần kinh, công ty công nghệ Neuro11. Công nghệ hỗ trợ sự ổn định, thoải mái về thần kinh đã đồng hành với Liverpool từ đầu mùa giải, ở cả trên sân tập hằng ngày, lẫn trước tất cả các trận đấu. Họ hỗ trợ Liverpool cả ở việc tập đá phạt đền, luân lưu và các tình huống bóng cố định. Các cầu thủ Liverpool được cung cấp, đeo các thiết bị điện cực đo hoạt động của não để xác định họ có sự căng cứng nào đó không và vấn đề thần kinh của cầu thủ nằm ở đâu để giải quyết ngay. Tiến sĩ Niklas Haeusler, người sáng lập công ty này nói: “Các hoạt động của não ở mỗi tình huống khác nhau sẽ khác nhau với mỗi người. Công nghệ của chúng tôi cho phép nắm được cách thức, thời điểm một cầu thủ phản ứng với điều xảy ra quanh anh ta. Do đó, việc đo chính xác những gì xảy ra trong não và hoạt động của nó sẽ giúp ích ngay từ những buổi tập”. Nói nôm na, công nghệ này giúp hỗ trợ cầu thủ cảm thấy thoải mái nhất khi ra sân thi đấu, trước mỗi pha đá phạt, từ phạt góc, phạt trực tiếp hay một quả đá trên chấm 11m.

Đó có thể coi là đỉnh cao của công nghệ khi người ta có thể xâm nhập và điều chỉnh hành vi từ não bộ con người. Nhưng cũng có công nghệ khá phổ biến, lại được thay đổi để phù hợp với thực tế và hữu dụng trong việc phát triển sức mạnh tài chính và phát hiện tài năng. Đó là những công ty cung cấp dữ liệu tài năng trẻ.

Trong giai đoạn cả thế giới bị cản trở hoạt động vì Covid, các công ty công nghệ liên tục cung cấp các dịch vụ tìm kiếm tài năng cho các CLB từ lớn đến trung bình. Họ sẽ cập nhật mọi dữ liệu phục vụ một CLB muốn tìm hiểu về cầu thủ trẻ nào, hoặc cung cấp mọi thông số, chỉ số của một tài năng nào đó, giới thiệu cho các CLB. Những tuyển trạch viên không cần đi khắp thế giới cũng có đầy đủ thứ mình cần. Và đáng sợ hơn, công nghệ này cung cấp cả khả năng phát triển thể chất của cầu thủ, khả năng hoàn thiện kỹ năng, dự đoán mức độ thăng tiến dựa trên hàng triệu dữ liệu, phân tích chuyên sâu theo những thuật toán cực kỳ phức tạp. Được biết đến khá nhiều trong thời gian vừa qua là Delphlyx.

3. Bóng đá là tiền và tài chính. Nó cần minh bạch và rõ ràng. Đến mức, ở Anh người ta còn tạo ra một thuật toán để định giá các cầu thủ... trong quá khứ. Thuật toán này được Kieran Maguire và Jason Laws, hai chuyên gia tài chính bóng đá phát triển. Họ cho rằng, nền kinh tế bóng đá cần biết giá trị của các ngôi sao quá khứ để tạo ra sự so sánh, bình ổn hơn cho thế giới chuyển nhượng đang hỗn loạn. Họ tính mọi yếu tố kinh tế, xã hội... và xác định, Alan Shearer từ Blackburn sang Newcastle năm 1998 với mức giá 18 triệu euro thì nay con số đó tương đương với... 265 triệu euro. Vì thế việc Man City muốn mua Halaand với chi phí khoảng 300 triệu euro là hoàn toàn có lý.

Hay như vụ Veron từ Lazio sang MU năm 2000 với giá 42 triệu euro tương đương thời điểm này là 185 triệu euro. Arsenal bỏ 11 triệu euro mua Bergkamp từ Inter (1995) thì nay là 140 triệu euro. Họ mua Henry từ Juve năm 1996 có giá 16 triệu euro thì nay là 106 triệu euro... Như vậy ta có thể hiểu, Pogba liệu có phải cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Premier League như hiện tại (110 triệu euro)? Và sắp tới, nếu giá cầu thủ có lên 300 hay 500 triệu euro thì cũng đừng ngạc nhiên.

 Bóng đá hiện đại đang được hỗ trợ rất nhiều từ công nghệ. Ảnh trong bài: GETTY