Tận dụng cơ hội, tuân thủ cam kết

|

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới về mọi mặt. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận và cam kết tuân thủ luật chơi chung về SHTT của thế giới. Khi SHTT được xem là động lực và chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, việc tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức trong việc thực thi và bảo hộ quyền SHTT là vấn đề hết sức quan trọng.

Chung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bảy (ảnh bên), Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng.

Ông đánh giá như thế nào về vấn đề thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong những năm vừa qua?

Thực thi quyền SHTT được quy định chủ yếu trong Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh đó là một số văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hải quan, Luật Doanh nghiệp... Có thể nói quy định pháp luật về các biện pháp thực thi quyền SHTT hiện nay đã tương đối đầy đủ, bảo đảm quyền SHTT của các chủ sở hữu quyền được thực thi hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta. Các quy định pháp luật này cũng đáp ứng cam kết trong các điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do có yêu cầu cao về thực thi quyền SHTT mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong những năm vừa qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cả Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Bên cạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan đã thiết lập và tổ chức các chương trình hợp tác liên bộ, ngành về thực thi quyền SHTT. Đến nay, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến SHTT, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo về SHTT đã bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động thực thi quyền SHTT cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức do hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra ngày càng phổ biến trên môi trường mạng.

 

Việc tham gia các FTA thế hệ mới, nhất là với những nước phát triển, đem lại điều gì cho Việt Nam trong việc phát huy các lợi ích từ thực thi quyền SHTT, thưa ông?

Trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định đa phương và song phương, các FTA thế hệ mới với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia... Là một nước đang phát triển, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới đồng nghĩa với việc ta chấp nhận và cam kết tuân thủ luật chơi chung về SHTT của thế giới. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều để được hưởng lợi ích từ các cam kết này. Cơ chế bảo hộ quyền SHTT vốn dĩ được coi là một công cụ để khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội. Tích cực tham gia hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là ta phải chấp nhận luật chơi chung toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích phải đánh đổi để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xâm nhập được thị trường quốc tế, thì những khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập cũng sẽ ngày càng nhiều. Việc tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức hay cao hơn là biến thách thức trở thành cơ hội là công việc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội.

Ông đánh giá như thế nào về nội dung: khai thác và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân tốt sẽ tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Quyền SHTT được coi như một loại tài sản. Cơ chế bảo hộ quyền SHTT cho phép chủ sở hữu quyền hưởng lợi từ kết quả hoạt động sáng tạo của mình đồng thời ngăn chặn người khác sao chép hoặc thu lợi bất chính từ kết quả đó. Độc quyền sử dụng đối tượng quyền SHTT trong một thời gian nhất định tạo động lực cho chủ sở hữu đầu tư thời gian, nguồn lực để tiếp tục phát triển các sản phẩm mới, nhờ đó hoạt động sáng tạo được tiếp diễn, công nghệ liên tục được đổi mới. Thực tiễn đã cho thấy việc bảo hộ sáng chế đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nhiều sản phẩm, công nghệ quan trọng, làm thay đổi cuộc sống con người như động cơ hơi nước, bóng bán dẫn, điện thoại, máy tính, thuốc chữa bệnh... Bên cạnh đó, trong bối cảnh tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của từng quốc gia, quyền SHTT được bảo vệ hiệu quả, các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý nghiêm minh sẽ khiến cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền SHTT (bao gồm cả thực thi quyền) yếu kém sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp sao chép, sử dụng một cách bất hợp pháp các băng đĩa, phần mềm máy tính, công nghệ (sáng chế), kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... Hệ thống SHTT cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyển giao công nghệ. Quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ quyền SHTT đầy đủ và hiệu quả sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho việc phát triển đất nước.

Thực tiễn đã chứng minh, những nước có nền kinh tế phát triển, có trình độ khoa học công nghệ cao trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Đức... cũng là những nước có chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cao và khai thác, bảo vệ quyền SHTT hiệu quả. Ở Việt Nam, trong những năm vừa qua, hoạt động sáng tạo, khai thác, bảo vệ quyền SHTT đã có nhiều thay đổi tích cực, được nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm gần đây.

Được biết Cục SHTT đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Việc sửa đổi sẽ được thực hiện theo hướng nào để phát huy vai trò của SHTT trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác quyền SHTT và đặc biệt là nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT?

Bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành cùng với những yêu cầu nội tại cần phải đổi mới trong thời kỳ hội nhập cũng cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về SHTT, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT được thực hiện theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Các vấn đề cần sửa đổi trong Luật SHTT tập trung vào bảy nhóm Chính sách lớn bao gồm: 1. Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan; 2. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; 3. Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 4. Bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; 5. Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; 6. Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; 7. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập. Dự kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 tới.

Xin cảm ơn ông!