Bạc tỷ dưới chân những người trẻ

|

Để bóng đá phát triển, tất yếu phải đào tạo trẻ. Công việc ấy tốn kém, nhưng lợi nhuận thì cũng đáng để đầu tư. Và khi đó, đào tạo trẻ không chỉ là xây dựng nền móng, mà nó còn là một “ngành kinh doanh” mang lại cực kỳ nhiều tiền...

1 Trong bóng đá, danh hiệu là yếu tố quan trọng để đo đạc sức mạnh, quyền lực và sự hùng mạnh của một đội bóng. Nhưng để có được điều đó, một đội bóng phải có nhiều yếu tố, từ tiền bạc dồi dào, truyền thống, một hệ thống đào tạo tốt và cả một chiến dịch kinh doanh hiệu quả. Mà câu chuyện kinh doanh ấy có cả việc kinh doanh cầu thủ trẻ.

Dortmund, một trong những câu lạc bộ (CLB) hàng đầu châu Âu, dù đã lâu không mang trong mình quyền lực thống trị, nhưng họ đang là CLB giàu có nhất nước Đức, dù cách đây 20 năm họ suýt phá sản. Đơn giản là Dortmund đã tạo ra một hệ thống đào tạo trẻ siêu hạng, vừa tìm kiếm những cầu thủ trẻ tự có và mua những cầu thủ trẻ vô danh giá rẻ, rồi biến họ thành siêu sao.

Trong 10 năm qua, Dortmund thu về lợi nhuận trên 500 triệu euro từ việc bán những ngôi sao mà trước đó họ mang về với giá rẻ bèo.

Từ Kagawa, Augbameyang, Goetze đến O.Dembele, Haaland, Sancho... và sắp tới là những Reyna, J.Bellingham... Dortmund vẫn mạnh mẽ, có tính cạnh tranh ở các giải đấu, nhưng họ giàu sụ nhờ nguồn tài năng trẻ dồi dào như vô tận. Từ những cầu thủ vài triệu euro, thậm chí vài trăm nghìn euro, chỉ sau vài năm, Dortmund thu về hàng chục, thậm chí hơn trăm triệu euro.

Đó là một cách làm giàu mà không phải đội bóng nào cũng có khả năng làm được. Khi cả châu Âu đang điên cuồng vì tiền, xây dựng đội bóng nhờ nguồn tiền khổng lồ từ các nhà tài phiệt tỷ phú, thì chuyện thu lợi từ cầu thủ trẻ, từ việc “tự bán máu” rút ruột bản thân là điều khác biệt.

2 Real Madrid, CLB xuất sắc nhất thế giới hiện tại, một gã nhà giàu nức tiếng luôn phá kỷ lục chuyển nhượng, đến nay cũng đang phải định hình lại bản thân. Bao năm sống nhờ hào quang của “Giải thiên hà”, mua về bất cứ ngôi sao nào với bất kỳ giá nào, từ Figo, Zidane, Ronaldo de Lima, Ronaldinho, Beckham, Owen, Robinho, Kaka, C.Ronaldo... Real giờ cũng đã khác.

Vài năm gần đây, họ không vung tiền vô tội vạ, mà ngược lại, Real thu về những khoản tiền lớn nhờ vào lò đào tạo trẻ của mình. Trong 10 năm qua, ít ai biết được rằng Real Madrid đã kiếm được tới khoảng 386 triệu euro từ việc bán cầu thủ trẻ từ lò đạo tạo của mình.

Trong số những người mang về lợi nhuận nhiều nhất cho Real là A.Morata. Real thu về 22 triệu euro khi bán cho Juventus năm 2014. Sau đó Real mua lại Morata với giá 30 triệu euro, rồi lại bán cho Chelsea năm 2017 với giá 80 triệu euro.

Tổng cộng, Real thu lợi 72 triệu euro. A.Hakimi ngôi sao của PSG hiện tại cũng mang về cho Real 43 triệu euro khi bán cho Inter Milan năm 2020. Rồi M.Llorente cũng giúp Real có 40 triệu euro từ Atletico Madrid. Hay như M.Odegaard được Real mang về năm 16 tuổi với giá 5 triệu euro, sau đó họ thu về 35 triệu euro khi bán cho Arsenal.

Một trường hợp đặc biệt là Casemiro. Theo luật ở Tây Ban Nha thì một cầu thủ trẻ được coi là sản phẩm của lò đào tạo nào đó phải đáp ứng tiêu chí là thi đấu cho đội trẻ đó trong vòng 3 năm từ 15 tuổi đến 21 tuổi. Nhưng Casemiro đến lò đào tạo Castilla của Real khi 20 tuổi và buộc phải theo dạng cho mượn. Sau 2 mùa “cho mượn”, Real mua đứt Casemiro với giá 6 triệu euro. Họ dùng Casemiro 9 năm và cực kỳ thành công, thậm chí anh là mắt xích quan trọng để tạo nên thành công vĩ đại của Real Madrid với 5 chức vô địch Champions League. Và rồi, năm ngoái Real thu được 72 triệu euro (cộng 13 triệu euro từ các điều khoản khác) khi bán cho Man Utd.

Điều gì tạo nên thành công ấy? Real ngoài việc mua siêu sao đắt giá, họ còn có hệ thống đào tạo trẻ hoạt động hiệu quả. Ngoài những cầu thủ tự đào tạo, Real còn có nguồn cung cấp cầu thủ trẻ rất uy tín và chuẩn xác.

Trong 10 năm qua, Real là CLB mua cầu thủ có tuổi trung bình thấp nhất châu Âu với 22,87 tuổi. Họ cũng mang về 18,6% cầu thủ dưới 21 tuổi và 62,8% cầu thủ từ 22 đến 25 tuổi. Chủ tịch Perez từng nói: “Nếu một cậu bé lớn lên ở CLB này và lên đội 1 thì chúng tôi rất vui. Nhưng không phải ai cũng phù hợp và đủ khả năng. Họ rất tốt và khi ấy chúng tôi có một khoản tiền kha khá trên thị trường chuyển nhượng”.

3 Mùa giải năm nay, ngoài Real Madrid, một cái tên rất bình thường khác cũng có mặt ở vòng tứ kết Champions League. Đó là Benfica. Họ cũng như Dortmund, không phải CLB đáng sợ ở châu Âu, nhưng vẫn là một đội bóng mạnh. Và cái mạnh của họ là luôn tạo ra những lứa cầu thủ bán được rất nhiều tiền.

Thương vụ bán Enzo Fernandez cho Chelsea giúp Benfica kiếm món hời lớn.

Benfica không thể đủ lực để chạy đua tiền bạc với các ông lớn khác, mà đổi lại họ tự làm vững vàng bản thân nhờ việc luôn có những cầu thủ trẻ tiềm năng để bán cho các đại gia nhiều tiền.

Thật khó tin nếu biết rằng từ năm 2017 đến nay, chỉ 5 mùa giải thôi, Benfica đã kiếm được tới 840 triệu euro từ việc bán cầu thủ trẻ. Nếu trừ đi khoảng 360 triệu euro tiền đầu tư thì họ vẫn lãi 480 triệu euro. Đỉnh cao của Benfica là mang về Joao Felix mới 15 tuổi từ Padroense năm 2015 với chi phí là… 0 euro, nhưng 4 năm sau họ bán Felix cho Atletico Madrid với giá 127 triệu euro.

Hay mới đây nhất, Benfica mua cầu thủ 20 tuổi Enzo Fernandez từ River Plate năm 2022 với giá 10 triệu euro. Nhưng sau kỳ World Cup 2022 vừa rồi, Benfica bán Enzo cho Chelsea với giá 121 triệu euro.

Chỉ mất có 6 tháng “đào tạo”, Benfica kiếm dễ dàng và nhẹ nhàng hơn 100 triệu euro. Với những bản hợp đồng với cầu thủ trẻ, cách “đào tạo” trẻ như vậy, Benfica có lợi nhuận hơn 700 triệu euro chỉ trong vòng 13 năm qua, một số tiền mà những đại gia châu Âu dù có nhiều danh hiệu cũng chưa chắc đã kiếm được.

Với nguồn lợi khổng lồ như vậy, việc đào tạo trẻ không chỉ là nền móng để phát triển bóng đá, mà nó còn thực sự trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và cực kỳ hiệu quả.