Ba mươi năm dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh trường làng

|

NDO - Dù chưa một lần chính thức đứng trên bục giảng, nhưng gần 30 năm qua, ông Phạm Hữu Nệ (làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) được người dân ở đây trân trọng gọi là thầy! Ðọc những dòng lưu bút của các em khi chia tay lớp học đặc biệt này, chúng tôi càng hiểu và trân trọng hơn về những gì ông đã làm trong suốt ba thập kỷ qua.

Về làng Tân An hỏi nhà thầy Nệ thì từ trẻ con đến người già đều tận tình chỉ dẫn. Thầy Nệ thoáng chút ngập ngừng khi nhắc đến công việc của mình: 'Tôi chỉ nghĩ đơn giản là có chút kiến thức nên dạy cho các cháu kẻo uổng phí. Mà trong quá trình dạy cho các cháu, tôi cũng trau dồi được kiến thức của mình và học thêm nhiều điều, đúng như điều người xưa từng nói 'Dạy người cốt để học người !'.

Sinh ra và lớn lên tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch trong một gia đình nghèo, bố ông tham gia vận tải cho mặt trận Bình Trị Thiên (tiền thân của Ðội vận tải tàu không số sau này). Ban ngày ông đi học, tối về lại miệt mài đan, vá lưới để phụ mẹ kiếm tiền. Tuổi thơ nhọc nhằn lam lũ nhưng ông là một trong những học trò xuất sắc của trường huyện lúc bấy giờ. Năm 1955, khi vừa tròn 20 tuổi, ông thi đỗ vào Trường đại học Nhân dân (nay là đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội). Sau khi ra trường, ông công tác tại Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam, Công ty vật tư Bình Trị Thiên, Xí nghiệp sông Gianh... và nghỉ hưu vào năm 1982.

Những năm đầu nghỉ hưu, cuộc sống gia đình ông vô cùng khó khăn. Trong cuộc mưu sinh ở làng Tân An quê vợ, nơi chỉ quen trồng lúa và làm bánh đa, ông phải hết sức cố gắng để cùng vợ nuôi dạy con cái, nhất là trong thời kỳ bao cấp. Khó khăn là thế nhưng nhìn trẻ con trong làng ê a học ngoại ngữ (bấy giờ là tiếng Nga), ông nảy ra ý định dạy thêm cho các cháu những khi rảnh rỗi. Thế là căn nhà vốn đã chật nay lại chật thêm bởi bàn ghế, phấn bảng, sách vở. Ban đầu chỉ một số cháu gần nhà hoặc quen biết đến nhờ ông giảng bài, dần dà lớp học ngày càng đông, có khi phải chia thành nhiều kíp trong ngày. Vừa dạy, ông vừa cập nhật những kiến thức mới qua sách báo. Ông kể: 'Ngày xưa học đại học, chúng tôi được học tiếng Nga. Tôi sưu tầm rất nhiều sách báo bằng tiếng Nga rồi mày mò dịch. Tôi từng đọc Sông Ðông êm đềm, Bông hồng vàng, Bình minh mưa... nguyên bản, thử dịch và đối chiếu với bản dịch của các dịch giả chuyên nghiệp để sửa chữa... Sau này, tôi tự học thêm tiếng Anh, mua và đọc sách báo tiếng Anh hằng ngày. Bây giờ, thứ nhiều nhất trong nhà vẫn là sách báo tiếng Anh và tiếng Nga...'. Tôi nhìn theo tay ông chỉ, quả thật, chỗ nào cũng có sách báo, những chồng sách báo ngả màu thời gian như chứa đựng cả tuổi trẻ và niềm đam mê của ông, để bây giờ ông truyền lại niềm đam mê ấy cho những cô cậu học trò trường làng.

Không có số liệu thống kê chính xác, nhưng trong gần 30 năm làm thầy không chuyên ấy, ước tính đã có hàng nghìn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 theo học tiếng Anh và tiếng Nga tại nhà ông. Có nhiều học sinh ở xa gặp khi mưa gió thì được người vợ đảm đang, hiền thục của ông nấu cơm, tráng bánh cho ăn. Và rất nhiều gia đình có hai, ba chị em đều được ông dạy. Không ít người cảm động trước tấm lòng của ông nên ngỏ ý đóng chút tiền thù lao, nhưng ông kiên quyết từ chối. Cứ thế năm này qua năm khác, ngôi nhà nhỏ của ông tiếp đón bao lứa học trò. Ðến bây giờ, có người thành đạt công tác ở xa, có người ở lại quê nhà với công việc đồng áng, họ vẫn luôn yêu quý người thầy giáo già hết lòng dạy dỗ và mở ra cho họ những chân trời mới lạ từ sự hiểu biết, niềm đam mê của mình...

Trong bức thư của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm, người trước đây là thầy giáo của ông Phạm Hữu Nệ tại Trường đại học Nhân Dân, gửi ngày 10-3-2007, có đoạn 'Thật là bất ngờ thú vị, một người đã học tiếng Nga cách đây gần nửa thế kỷ mà tôi may mắn truyền đạt ít nhiều hiểu biết của mình sau khi về hưu lại tiếp tục cống hiến bằng việc dạy tiếng Nga, tiếng Anh cho nhiều học trò, trong số đó có không ít người đã thành đạt. Chúc anh khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của địa phương...'. Tôi cũng được xem những bức ảnh lưu niệm của ông chụp cùng các em học sinh, những cuốn luận văn tốt nghiệp đại học, cao học... mà các em mang tặng người thầy giáo già như một lời tri ân. Và đặc biệt là những dòng lưu bút chứa chan tình yêu thương và lòng biết ơn của các em. Cuốn lưu bút mà ông nâng niu gìn giữ ngày một dày và đẹp thêm, giống như những gì ông đang lặng lẽ làm cho con em quê hương mình...

Bây giờ, ở tuổi gần 80, ông vẫn không ngừng học tập. Ðọc sách báo, xem ti-vi, nghe thời sự tiếng Anh... để luyện cách phát âm, cách dùng từ, ngữ pháp là công việc thường ngày của ông. Ông dạy học trò cách dịch, cách viết một đoạn văn, một đoạn tin tức thời sự. Không gò bó, rập khuôn, giáo án của ông luôn 'mở' để các em dễ nắm bắt và kích thích sự sáng tạo. Ông còn mày mò soạn ngữ y bằng tiếng Anh để giúp các em sinh viên đại học Y, cùng luyện tiếng Anh với cô học trò cưng vừa tốt nghiệp cao học ngành nông lâm để em có thể tiếp tục học cao hơn, dạy những chữ cái đầu tiên cho các cháu bé hàng xóm... Ông làm tất cả những công việc ấy với một niềm đam mê và tấm lòng trong sáng, nhiệt thành...

Chia tay ông, tôi nhớ mãi vẻ mặt hồ hởi của ông khi kể về học trò và công việc của một người thầy. Và tôi nhớ ánh mắt rạng ngời của ông khi nói về Bông hồng vàng, Bình minh mưa hay Sô-lô-khốp, Lép-tôn-xtôi... Cảm phục những gì ông đã làm, tôi càng thấy quý mến người phụ nữ chân chất phía sau ông, một đời nhọc nhằn lam lũ nuôi con để ông có thể theo đuổi ước mơ của mình là dạy chữ, dạy người...