Thực trạng báo động của eSport Việt Nam

|

Ngày nay, thể thao điện tử (eSports - Electronic Sports) đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, trở thành một ngành công nghiệp giải trí thực thụ. Tuy nhiên, vẫn có những góc khuất và mặt trái sau sân khấu đầy hào nhoáng của eSports, mà Việt Nam cũng phải không ngoại lệ...

Tháng 3 vừa qua, cộng đồng eSports Việt Nam được phen rúng động khi nhà phát hành Riot Games hủy lịch thi đấu “VCS (Vietnam Championship Series) 2024 mùa Xuân”. Giải đấu cấp độ cao nhất của tựa game Liên Minh Huyền Thoại tại Việt Nam phải tạm dừng để giải quyết nghi vấn dàn xếp tỷ số. Sau hơn 2 tuần điều tra, ban tổ chức VCS đã công bố danh sách 32 thành viên của toàn bộ 8 đội tham gia giải phải tạm thời ngừng hoạt động chỉ đạo, thi đấu. Đội có nhiều thành viên nhất là Rainbow Warrior với 8 người, bao gồm 6 tuyển thủ, 1 HLV và 1 giám đốc. Đương kim vô địch GAM Esports có 2 cái tên là Đỗ Đình Sang (Blazes) và Lê Viết Huy (Pyshiro)...

Đây là vụ việc nghiêm trọng, liên quan tất cả đội tuyển và nhiều tuyển thủ tên tuổi từng góp mặt trong đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế. Năm 2023, VCS cũng đã từng hủy tư cách tham gia những hoạt động giải đấu vĩnh viễn của đội SBTC và cấm thi đấu 3 năm với 5 VĐV do đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của giải.

Thực tế, tình trạng bán độ hay dàn xếp tỷ số trong các trận đấu thể thao điện tử đã tồn tại rất nhiều năm, xuất hiện ở nhiều giải đấu trên thế giới và có đủ quy mô lớn nhỏ. Đây là chiêu trò quen thuộc khi một bên chủ động thi đấu dưới sức, cố tình thua, dàn xếp kết quả để ăn tỷ lệ cược. Năm 2015, tuyển thủ Starcraft II nổi tiếng người Hàn Quốc Lee Seung-hyun - Life đã tự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp thi đấu đỉnh cao khi cố tình để thua trong chung kết giải đấu nhỏ, đút túi hơn 70 triệu Won (1,4 tỷ đồng). Life sau đó bị truy tố, phải nhận 18 tháng tù giam và nộp phạt 64.000 USD. Cùng năm đó, một số game thủ AoE- Đế Chế cũng dính nghi án bán độ, dàn xếp tỷ số trước khi thi đấu để thu lợi bất chính. Các đội tuyển Việt Nam như Legends.GO (game CS:GO), Aces Gaming (game Dota2) cũng đã bán độ trong thi đấu, gây ảnh hưởng lớn đến nền eSports nước nhà.

Vấn nạn này từng xuất hiện khắp nơi, thậm chí ở Trung Quốc năm 2021, tờ Daily Economic News gọi bán độ là “căn bệnh ung thư” đối với nền eSports ở đất nước tỷ dân. Khi thể thao điện tử dần phổ biến và đem lại lợi nhuận cao, sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các nhà cái lớn trên thế giới. Các game thủ và cả đội tuyển có thể dễ dàng “bắt tay” với nhà cái qua đầu mối trung gian.

Sau sân khấu hoành tráng là đầy rẫy những cám dỗ. (Ảnh: VIRESA)

Nguyên do có lẽ bởi các game thủ thường đến với sự nghiệp eSports quá sớm, với điểm xuất phát là những đứa trẻ thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sống, sẵn sàng dành phần lớn thời gian “cày” game cho giấc mơ trở thành game thủ chuyên nghiệp. Ngoài ra, không ít các gamer thường xuyên bị bóc lột, lạm dụng từ những công ty chủ quản chuyên quản lý đội eSports chuyên nghiệp. “Phận làm thuê” với những đồng lương thấp hơn công sức bỏ ra khiến họ dễ sa ngã vào cám dỗ của đồng tiền. Chưa kể, khi theo nghiệp eSport, các gamer sẽ phải xác định đối mặt với tương lai bất định. Vấn đề việc làm sau khi giải nghệ khá nan giải với họ, bởi hầu hết các game thủ chuyên nghiệp chỉ tốt nghiệp cấp 3. Để tìm được những công việc liên quan đến eSports như HLV, bình luận viên... đều không dễ dàng.

Ở Việt Nam, thực trạng đáng buồn này ngày càng tăng cao. Dù chỉ được nhắc đến cùng các môn thể thao truyền thống ít năm gần đây, song eSports cũng đã kịp có cho mình những vụ cá cược, bán độ tai tiếng khiến nền thể thao điện tử Việt Nam nói chung và các đội tuyển nói riêng thiệt hại nặng nề về kinh tế, cũng như đang dần đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ.

Bên cạnh đó, thể thao điện tử là nền công nghiệp non trẻ nhưng có tốc độ phát triển quá nhanh khiến giới chức trách khó quản quản lý hay kiểm soát. Hiện nay, các giải đấu eSports tại Việt Nam được vận hành riêng biệt và không thuộc bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp nào. Thí dụ như giải VCS có xảy ra bán độ cũng chỉ xử lý nội bộ. Trong khi đó, với các môn thể thao truyền thống, những án phạt đủ sức răn đe khi có tiêu cực xảy ra luôn được lực lượng chức năng xử lý kịp thời. Tại Hàn Quốc, những tuyển thủ “nhúng chàm” có thể bị khởi tố, phạt tiền và nhận án tù. Còn trường hợp cá độ, bán độ ở Trung Quốc sẽ bị phạt tiền, nhận văn bản cảnh cáo và bị tổ chức trừ lương bên cạnh việc bị cấm thi đấu. Đã đến lúc eSports Việt Nam cần cứng rắn để tìm ra con đường sáng cho môn thể thao luôn phải đối mặt với nhiều cám dỗ này.