Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền được biết đến với dòng sáng tác tập trung vào sự chuyển động của khối, dựa trên nguyên tắc tạo hình của hình học kết hợp ánh sáng và mầu sắc. Bà không nêu thông điệp cụ thể trong nghệ thuật của mình mà chỉ hy vọng các khối hình có thể đem tới cho người đối diện đa dạng cảm xúc, tương ứng với những gì bà cảm thấy trong quá trình làm việc... Gần đây nhất, bà tham gia trại sáng tác điêu khắc đá Biến chuyển, tại một không gian nghệ thuật ở làng nghề đá Ninh Vân, Ninh Bình. Các sáng tác từ trại này được trưng bày tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VINCOM, Hà Nội, từ ngày 10/10/2021 đến 22/1/2022.
Công nghệ và sự tự giới hạn tư duy nghệ thuật
Thưa bà, trong câu chuyện trà dư, tửu hậu của giới điêu khắc hiện nay có một thực tế gây tranh luận về việc sử dụng công nghệ, đặc biệt là các máy CNC (Computer Numerical Control - điều khiển bằng hệ thống lập trình máy tính, với đa dạng chủng loại: khoan, tiện, cắt, mài, bào rãnh...) trong quá trình sáng tác. Bà có bình luận gì về hiện tượng này?
Việc sử dụng máy móc để hỗ trợ người sáng tác điêu khắc, đặc biệt với các chất liệu bền vững (như đá, inox, sắt thép, gỗ) cho khối điêu khắc lớn là cần thiết và ngày càng phổ biến ở nước ta. Thuận lợi là giúp người sáng tác tiết kiệm được sức lực, tránh được rủi ro khi lao động với các thiết bị thủ công. Trước một khối vật liệu lớn, phải “phá” ra và chỉ giữ lại phần cần thiết cho sáng tác của mình, nhiều người làm điêu khắc không đủ sức lực hoặc quá mất sức khi tự thực hiện. Điều này cũng phần nào gần với việc thuê thợ phụ/ nhân công trước đây, khi chưa có máy móc. Nhưng tất nhiên, tay thợ thì không thể nào làm nhanh, đều, rẻ như máy được. Thực tế này khiến cho một vài người trong nghề mà tôi biết còn tỏ ra vui mừng, vì từ nay có thứ đỡ đần cho mình, cứ thong dong hai tay túi quần, bận bịu với ý tưởng là chính chứ không cần phải hùng hục như cửu vạn, đục đẽo giống như kẻ vai u thịt bắp nữa (cười).
Bà vừa đề cập đến sự thuận lợi của việc sử dụng máy CNC trong sáng tác điêu khắc. Có nghĩa là cũng có sự bất lợi của việc này ?
Có chứ. Đó là người sáng tác dễ tự giới hạn tư duy: mới tưởng tượng đến khối hình A, B đã phải tính toán xem liệu như vậy máy CNC có cắt được không. Máy móc mà, nó cũng có những quy định nhất định về phương, về khối, độ sâu - nông chứ không thể tùy ý như tay người. Thí dụ: máy CNC chỉ cắt được cho khối nằm hoặc đứng, tức là phải có mặt đáy cố định. Như vậy, vô hình trung người sáng tác đã tự mình phụ thuộc vào một thứ khác ngoài mình, thay vì tự do hoàn toàn trong ý tưởng hay suy tư, bay bổng với khối hình, đường nét của chính mình.
Tôi đã chứng kiến sự tương đồng nhất định về hình thức của một số sáng tác điêu khắc. Hoặc sự đơn giản, trơn tru lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán của một số khác, được giới thiệu là đi theo ngôn ngữ tối giản. Phải chăng đã có sự lạm dụng công nghệ trong đó?
Không đến mức cực đoan như vậy đâu. Việc trở đi trở lại với một mạch sáng tác trong mỹ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng là chuyện bình thường. Cùng một mẫu hình có thể được biến báo, tìm tòi thêm về mặt thể hiện và được làm trên nhiều chất liệu khác nhau. Tác giả muốn tìm kiếm, đào sâu hơn nữa mạch cảm xúc này thì vẫn rất tốt mà. Hoặc sự đơn giản/ tối giản về hình cũng hoàn toàn được bắt nguồn từ sự phức tạp trong tư duy nghệ thuật của tác giả... Nó là cả một hành trình dài mà có lẽ đến cuối đời, may ra mới có câu trả lời rằng đạt được hay không. Vấn đề là tác giả chuyển tải được những biến động tâm tư của mình tới người xem qua tác phẩm nhưng không khiến người xem cứ phải thốt lên: cái này xem rồi, cái này giống cái kia... Nhưng điều này đòi hỏi nhiều về sự sâu sắc nội tâm, độ chín của tài năng mà những cái này thì trong thực tế rất hiếm, ở đâu và thời nào cũng vậy.
Về sự lạm dụng máy móc, tôi không biết các nghệ sĩ khác có cùng suy nghĩ với tôi không nhưng trong thâm tâm, người sáng tác điêu khắc luôn thích được tự thể hiện sáng tác của mình hoàn toàn, đôi tay đi cùng cảm xúc, đi cùng sự ngẫu hứng và phát triển ý tưởng trong quá trình lao động. Chúng tôi đều thừa nhận với nhau là, khi tự làm bằng tay của mình thì tác phẩm nhìn tình cảm hơn hẳn.
Ranh giới giữa sự hỗ trợ và lạm dụng công nghệ
Được biết sáng tác của bà hầu như không có sự hỗ trợ của máy CNC. Bà không muốn sử dụng công nghệ này hay không dám sử dụng nó?
(Cười) Không phải không muốn, cũng không phải không dám mà là máy CNC không giúp tôi cắt gọt được các hình khối trong ý đồ sáng tác của mình. Trong dịp dự trại sáng tác gần đây ở một làng nghề làm đồ đá truyền thống, nhóm quản lý chương trình cũng muốn tìm cách tính toán sao đó để máy có thể cắt được theo phác thảo của tôi. Nhưng tiếc là người giỏi và giàu kinh nghiệm tính toán nhất để lập trình cho máy cũng không tìm được giải pháp phù hợp.
Vì sao bà không “nương” theo công nghệ, để ít nhất là đỡ hao tổn sức khỏe?
Tôi thích làm việc theo ý của mình. Con đường nghệ thuật mà tôi đi cũng chưa hẳn đã rõ ràng đâu, nhưng tôi thích tìm kiếm thử nghiệm với cái mà mình chưa nắm bắt được. Đơn giản vậy thôi. Tất nhiên, tôi cũng phải lượng sức mình, chỉ tính toán công việc vừa vặn với khả năng song vẫn luôn nhận ra có những điểm bất khả, ít nhất là trong kỹ thuật. Tôi chưa hoàn toàn làm chủ được nên vẫn có những hạn chế trong biểu đạt.
Bà đã tham gia rất nhiều trại sáng tác điêu khắc ở châu Âu. Bà nhận xét gì về vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ sáng tác cho nghệ sĩ ở đó?
Ở Bỉ và một số nước khác vẫn có những nơi làm điêu khắc đá mà người ta phân chia rõ ràng hai thái cực, một bên sử dụng công nghệ máy móc hỗ trợ, một bên thuần thủ công (từ phá khối ban đầu cho đến các công đoạn cuối cùng). Nhiều nghệ sĩ cao tuổi, kể cả nữ đã lựa chọn cách thứ hai khiến tôi rất nể phục.
Nhìn rộng hơn, thực tế là sáng tác điêu khắc ở các nước phát triển được hỗ trợ rất nhiều bởi hoàn cảnh khách quan: từ hệ thống xử lý môi trường (làm điêu khắc sẽ dẫn đến tình trạng vật liệu thừa, bụi) đến hệ thống thiết bị kỹ thuật (từ cầm tay tới máy móc) rồi không gian làm việc. Còn ở Việt Nam mình, hiện mấy ai có được một cái xưởng đúng nghĩa để làm việc đâu. Thế nên nếu nhóm nào đó có tranh thủ làm gấp, làm nhiều khi có được một cơ hội tài trợ cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng thực tế ấy không thể dùng để biện minh cho sự lạm dụng công nghệ trong sáng tạo, thưa bà?
(Cười) Trong hoàn cảnh công việc hiện nay của giới điêu khắc, nếu ta cứ khăng khăng phản đối máy móc công nghệ hỗ trợ thì cũng dễ bại đấy. Nhưng nếu ai đó lạm dụng, quá lệ thuộc và giao phó hết cho công nghệ mà không muốn tự mình “đối thoại với chất liệu” để mở rộng lối đi của mình thì chắc chắn cũng sẽ bại, theo một kiểu khác.
Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền (sinh năm 1957) là giảng viên Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã nghỉ hưu. Năm 1995, bà tốt nghiệp hệ cao học về nghệ thuật tại Trường đại học Tổng hợp Montréal, Québec, Canada với học bổng từ Chương trình học bổng Khối các nước nói tiếng Pháp của Canada (P.C.B.F.). Sau khóa thực tập về điêu khắc với chất liệu kim loại tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Bruxelles, Vương quốc Bỉ, bà có nhiều cơ hội tham gia các chương trình lưu trú sáng tác điêu khắc ở châu Âu. Những chuyến đi với tần suất dày đặc hằng năm, đặc biệt trong giai đoạn 2012 - 2019 đã đem tới cho bà nhiều trải nghiệm nghề nghiệp quan trọng.