Cơ hội nào cho sách nói?

|

Manh nha xuất hiện tại Việt Nam từ hơn chục năm trước nhưng phải tới thời gian gần đây, loại hình sách nói (audio book) mới bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ để giành thị phần riêng cho mình trong thị trường xuất bản. Và khi những hạn chế về văn hóa đọc, công nghệ, ý thức tuân thủ bản quyền... vẫn còn là những rào cản ngay cả với sách in truyền thống, liệu sách nói có dễ dàng trở thành bước đột phá để tiếp cận với độc giả một cách nhanh - nhiều - tốt - rẻ như kỳ vọng? Nhân Dân hằng tháng có cuộc trò chuyện với chuyên gia xuất bản Nguyễn Cảnh Bình (ảnh bên), Giám đốc Alpha Books về vấn đề này.

Trước hết, ông có thể nói gì về xu thế phát triển sách nói ở nước ta?

Sự tiến hóa của sách luôn gắn với những thời kỳ phát triển của văn minh loài người - cũng như của khoa học công nghệ - để ngày càng đa dạng và đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Như chúng tôi vẫn nói vui với nhau, sách thời 0.0 khắc trên thẻ tre và da lừa, thời 1.0 thì viết trên giấy, thời 2.0 in trên giấy, 3.0 in trên màn hình (e-book) và thời 4.0 sẽ là những tri thức thể hiện ở dạng âm thanh - hình ảnh, trong đó có sách nói.

Bây giờ, so với những bản tin hay chương trình đọc truyện trên radio trước đây, sách nói đang trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn nhờ công nghệ. Chúng ta có nhiều kênh sách nói, nhiều ứng dụng/nền tảng để lựa chọn để sử dụng bất cứ lúc nào. Ngoài việc có thêm những phần nhạc nền, tiếng động hay cả hình ảnh và video đính kèm, loại hình này còn gắn sự phát triển với tốc độ rất nhanh của trí tuệ nhân tạo (AI).

Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới. Chúng ta đang tiêu dùng hàng hóa dịch vụ sản phẩm của thế giới cũng như sử dụng các thành tựu công nghệ mới được phát minh ra và dẫn dắt loài người. Vì thế, không có lý do gì để sách nói ở Việt Nam đi ngược lại dòng chảy vốn đang là xu thế chung ấy. Vài năm trước, khi sang Mỹ và khi trao đổi với những nhà xuất bản lớn, tôi được nghe họ nhận định rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường sách nói cao hơn nhiều so với thị trường sách giấy. Tôi tin, Việt Nam cũng sẽ như vậy trong tương lai gần.

Thật ra, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để đọc sách mới chỉ diễn ra trong vài năm qua và cũng chủ yếu chỉ ở giới trẻ, trong khi chúng ta đã có truyền thống đọc sách giấy suốt gần hai thế kỷ. Những ưu điểm của sách nói so với sách giấy có đủ để thu hút độc giả/thính giả Việt không, theo ông?

Sách nói có nhiều ưu điểm so với sách giấy, khi tác giả có thể dễ dàng chuyển tải được thông tin và thông điệp, nội dung của mình trực tiếp qua giọng nói. Điều này giống như việc ngôn ngữ luôn có trước chữ viết ở bất kỳ nền văn minh nào. Nhược điểm của nó là việc người dùng dễ bị cuốn theo âm thanh đang nghe, thay vì dừng lại để suy nghĩ, tưởng tượng về những gì vừa đọc như với sách giấy. Nhưng trong một xã hội hiện đại có nhịp sống ngày càng gấp gáp, sách nói sẽ phát triển mạnh bởi sự tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện, khi người ta có thể nghe nó trong lúc ngồi trên xe, tập thể thao, làm việc nhà, đi dạo...

Thực tế, sách nói hiện đang ở những giai đoạn phát triển bước đầu, nên chúng ta chỉ nghe được audio book do nhà sản xuất phát hành, qua một giọng đọc cụ thể nào đó. Công nghệ sách nói hiện cũng chưa đủ tốt để giúp ta có thể thưởng thức bất cứ đoạn nào mình muốn, thay vào đó phải nghe từ đầu hoặc tự tìm đến đoạn cần nghe. Nhưng với đà phát triển vũ bão của công nghệ, tôi tin những vấn đề này sẽ được xử lý rất nhanh trong thời gian tới.

Chẳng hạn, không lâu nữa, chúng ta có thể thoải mái chọn lựa giọng Huế, giọng Hà Nội, giọng Nam Bộ hay giọng trẻ em, giọng nữ, giọng nam hoặc thậm chí là giọng của chính chúng ta - cho một nội dung sách nói. Chúng ta có thể tương tác để yêu cầu máy đọc bất cứ đoạn nào muốn nghe mà không nhất thiết phải chọn từ đầu mỗi chương. Rồi khi công nghệ dịch tự động phát triển, rất có thể trong tương lai, người dùng sử dụng dịch vụ dịch trực tuyến để nghe được sách nói từ nguyên bản tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ nào đó...

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ xuất hiện hai nền tảng sách nói có bản quyền được tổ chức chuyên nghiệp là Voiz FM và Fonos. Phải chăng, trong nhiều năm qua, các đơn vị xuất bản vẫn còn dè dặt và e ngại khi bước vào lĩnh vực mới mẻ này?

Đúng vậy, trong hơn chục năm qua, những ứng dụng và hình thức sách nói ngang nhiên vi phạm bản quyền, do cá nhân tự phát đọc và tải lên YouTube hoặc trên một số kênh khác là rất phổ biến. Ở Việt Nam, vấn đề bảo hộ bản quyền chưa được coi trọng như các quốc gia phát triển khác nên ít công ty dám mạnh dạn đầu tư trong giai đoạn đầu. Cùng với những đặc thù của một thị trường nhỏ và chưa quen với việc trả tiền khi sử dụng dịch vụ, sách nói ở Việt Nam chậm tăng trưởng là điều dễ hiểu.

Nhưng khủng hoảng dịch bệnh hiện nay đang làm cho việc đọc sách thay đổi về cơ bản, khi khả năng lưu thông và vận chuyển sách giấy trở nên khó khăn hơn. Trùng với thời điểm đó, nền xuất bản cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số. Đó là những tiền đề thúc đẩy sách nói phát triển theo xu thế tất yếu của thế giới - khi giới trẻ ngày càng nhận ra đây là loại hình thuận tiện, không chỉ với giải trí mà còn cho việc tiếp nhận kiến thức.

Ông có thể lấy thí dụ ngay từ việc kinh doanh sách nói của Alpha Books?

Khoảng chục năm trước, chúng tôi bắt đầu nhận được đề nghị cung cấp sách nói cho độc giả. Tuy nhiên, khi đó thị trường tương đối nhỏ, nên chúng tôi phải dừng việc đầu tư sau một thời gian. Nhìn chung, việc kinh doanh sách nói tại Việt Nam luôn gặp mấy rào cản cơ bản: sách nói “lậu” khá nhiều, số lượng người nghe sách nói còn ít, doanh thu từ sách nói vẫn nhỏ bé so với chi phí bỏ ra - đặc biệt là ở khâu bản quyền.

Còn bây giờ, khi xu hướng này đã phát triển, chúng tôi đang tham gia tích cực vào việc xuất bản sách nói, thậm chí nghĩ tới việc phát triển thêm một số hình thức phụ trợ (như những bản tin sách hay hệ thống tư vấn, điểm sách, đánh giá thị trường hoặc phân tích, tóm tắt sách... qua giọng đọc). Ở một số đơn vị xuất bản khác, tôi cũng được chứng kiến những phát triển mang tính đột phá. Rất có thể, rồi đây thị trường sẽ xuất hiện những cuốn sách có nội dung tốt nhưng chỉ có bản điện tử (e-book) và sách nói - thay vì luôn chờ sách giấy được in rồi mới có cơ hội đến với đông đảo người đọc như vừa qua.

Riêng ở vấn đề bản quyền vốn luôn khiến các đơn vị xuất bản đau đầu, đâu là những giải pháp cấp thiết và khả thi nhất mà ngành quản lý có thể áp dụng cho lĩnh vực này, theo ông?

Các giải pháp hiện nay thực ra chỉ có hai phần: thứ nhất là công nghệ và thứ hai nữa là luật pháp. Về luật pháp, chúng ta cũng vẫn phải chờ đợi sự bổ sung từ các quy chế, quy định. Còn về công nghệ, chúng ta có thể sử dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát chặt những trung tâm phân phối sách lậu nhằm hậu thuẫn và hỗ trợ cho quá trình phát triển sách nói chính thống nghiêm túc ở Việt Nam. Ngành quản lý cần sửa đổi Luật Xuất bản để có những biện pháp chế tài mạnh hơn nữa với tình trạng vi phạm bản quyền này. Đó là cách thức quan trọng nhất để tạo ra không gian cho sự phát triển của sách nói.

 

Cuối cùng, xin ông đưa ra một số dự đoán về tương lai của sách nói, đặc biệt là trong sự tương quan với sách điện tử và sách giấy?

Nhìn chung, tôi lạc quan về thị trường sách nói ở nước ta, thậm chí tin rằng nó sẽ có tương lai tốt hơn so với sách điện tử e-book. Bởi vì sách điện tử vẫn có trở ngại là bắt mọi người phải đọc, trong khi nhịp sống hiện đại ngày càng hạn chế thời gian cho điều này. Còn sách nói, như đã kể trên, là giải pháp phù hợp với độc giả hôm nay.

Như dự đoán của tôi, các nhà xuất bản tới đây sẽ có xu hướng tung ra hai phiên bản song song, sách giấy/sách điện tử hoặc sách giấy/sách nói. Độc giả có thể chọn lựa các sách/sản phẩm có cả hai hình thức này để tận dụng công nghệ giúp cho sự giải trí hoặc phát triển bản thân. Nhìn chung, xu hướng tất yếu của những cuốn sách hiện đại là sự xuất hiện song song của các format. Trong đó bản giấy sẽ chỉ dành cho những cuốn sách có giá trị, cần lưu giữ và làm quà tặng, còn sách điện tử và sách nói sẽ trở nên thông dụng hơn với con người trong tương lai.

Ông Nguyễn Cảnh Bình sinh năm 1972, là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty sách Alpha Books từ năm 2005. Bên cạnh các hoạt động dịch thuật và viết sách, ông được biết tới như một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, từng tham gia xây dựng, phát triển nhiều chương trình phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng, cũng như ủng hộ các xu thế tẩy chay sách giả, thúc đẩy phát triển nội dung số, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản.