Nguyễn Hoàng Sơn, thơ viết cho thiếu nhi và...

|

Bạn đọc yêu thơ ngay từ thập niên 80 của thế kỷ XX đã biết đến một cây bút viết thơ cho thiếu nhi mang tên Nguyễn Hoàng Sơn. Lúc ấy, thơ viết cho thiếu nhi nổi bật nhất vẫn là một số cây bút quen thuộc, thế hệ đàn anh như Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải... Cái tên Nguyễn Hoàng Sơn cùng vài cây bút thế hệ anh như Phạm Đình Ân, Trương Hữu Lợi, Mai Văn Hai... mới bắt đầu thấp thoáng.

Làm thơ cho/về thiếu nhi chưa bao giờ được coi là việc dễ dàng. Thơ nói chung vốn đã khó, nhưng thơ cho/về thiếu nhi, theo tôi khó gấp nhiều lần. Bởi vì, nếu không sống cái sống, cảm cái cảm, chơi cái chơi của chính thiếu nhi thì khi viết rất dễ thiếu chân thực, thiếu tự nhiên, thậm chí sa vào căn bệnh lên giọng dạy dỗ, giáo điều, áp đặt... Chỉ khi nào người viết có khả năng thấu cảm và đồng điệu với đời sống tuổi thơ cộng với một lối - viết - tuổi - thơ thật sự thì mới có thể tạo ra những bài thơ được các em đón nhận. Mà để có được điều này, mỗi nhà thơ phải bảo toàn được cái con người trẻ thơ trong tâm hồn mình với đặc tính cơ bản nhất là sự hồn nhiên. Hồn nhiên mà không dễ dãi, ngô nghê. Hồn nhiên mà thông minh, tinh sáng. Cặp mắt trẻ thơ nhìn thế giới tưởng như rất quen thuộc nhưng lại biết phát hiện ra những điều mới, lạ, thú vị, đầy bỡ ngỡ, ngạc nhiên, khiến người đọc cũng ngạc nhiên, thú vị theo.

Nhà thơ viết cho thiếu nhi Nguyễn Hoàng Sơn có không ít các thi phẩm đạt được những phẩm tính đẹp đẽ đó.

Một chú chim chích mải tìm mồi trong bông hoa sen, khi tối xuống cánh sen khép lại, không kịp chui ra, thế là chú ta ngủ lại giữa bông sen. Sớm mai, các cánh sen mở ra, chú chim bỗng: Thơm thơm từ mỏ đến đuôi/Sau đêm ngủ trọ tuyệt vời giữa hoa (Đêm qua chim chích ngủ đâu?). Cái cách hình dung như thế chỉ trẻ con mới nghĩ ra được, người lớn khó có thể. Người lớn nghiêm trang và lý tính quá làm sao có được một tưởng tượng độc đáo, bất ngờ như thế!

Thêm một thí dụ nữa. Trong cái nhìn rất đỗi trẻ thơ của nhà thơ, quả thị hiện lên như một sinh mệnh có hồn vía. Không giống với cái cây sinh ra nó bằng lòng sống bên cầu ao, Suốt đời không đổi chỗ, quả thị thích đi chơi, thích lên đường khám phá cuộc sống muôn màu muôn vẻ ngoài kia; rồi bỗng một hôm, khi Mùa thu về gõ cửa, thì lạ chưa, Trông kìa: quả thị vàng/Dắt mùa thu vào phố/Mang theo câu chuyện cổ/Thị kể bằng mùi hương. Người lớn chúng ta chỉ biết quả thị được con người mang vào phố. Nhưng tâm hồn trẻ thơ hình dung ra quả thị như một sinh vật bé nhỏ, thơm tho và đáng yêu kia đang Dắt mùa thu vào phố, mang mùa thu hiện diện khắp phố phường theo cách lặng lẽ, khiêm nhường. Đây là cách nói của trẻ thơ. Và là một cách nói thơ. Bài thơ đã làm nên một vẻ thu ý nhị mà duyên dáng.

Thi sĩ Nguyễn Hoàng Sơn có không ít những bài thơ thiếu nhi đặc sắc nhờ mang những phẩm tính và thi tính như thế: Con Vện, Con vỏi con voi, Bóng núi... Không mấy ai không biết đến bài thơ Lời chào đi trước nổi tiếng của nhà thơ, sau lại được nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng phổ nhạc làm nên một ca khúc say mê, nằm lòng của tuổi thơ nhiều thế hệ.

Nguyễn Hoàng Sơn không chỉ có thành tựu thơ viết cho/về tuổi thơ, mà còn có những thi phẩm viết cho cộng đồng bạn đọc tuổi lớn rất ấn tượng. Về vệt thơ này, Nguyễn Hoàng Sơn cũng viết khá sớm, từ thập niên 70, in không nhiều, sau gom thành tập Đợi mắt nhìn mới nở (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010). Qua tập thơ này, người đọc có thể lên một phác thảo đôi nét về đường đời, đường thơ của nhà thơ: quê quán ở Sóc Sơn, nay thuộc Hà Nội; đã từng có một quãng thời gian công tác tại khu thủy điện sông Đà - Hòa Bình và khởi bút làm thơ viết truyện từ đây; sau ông về làm báo tại cơ quan báo Tiền Phong, đặc trách mảng văn hóa văn nghệ, rồi nghỉ hưu. Cũng giống như phần lớn các nhà thơ cùng thế hệ vắt qua hai giai đoạn trước và sau 1986, thơ ông trải dài rộng nhiều chủ đề; không gian, thời gian từ chỗ mang tính cộng đồng, cái chung, đồng ca sang không gian, thời gian thế sự, tâm tình cá nhân. Chỉ đến giai đoạn sau, khi nhà thơ thật sự biết trầm mình vào với cuộc sống nhân thế và tâm tình cá nhân, tiếng thơ của ông mới có cá tính riêng, tức có giọng riêng, ngôn ngữ riêng.

Với số lượng không nhiều, nhưng một số thi phẩm trong tập thơ Đợi mắt nhìn mới nở đủ sức nặng neo vào tâm trí người đọc, cho dù là bạn đọc khó tính. Có thể kể đến một số thi phẩm tinh hoa nhất của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, theo tôi: Đợi mắt nhìn mới nở, Tiễn em, Tiễn con gái lớn về nhà chồng, Còn trăng Tây Hồ. Mỗi bài thơ hay theo cách khác nhau. Một khung cảnh thanh bình êm ả nơi huyện lỵ miền núi khiến người thơ như đang mơ, đang say, ngay cả những bông hoa giấy, hoa lan tiêu cũng như thiêm thiếp trong thời khắc trưa chiều chẳng rõ. Phải chăng, những bông hoa đó như thể chờ cho lữ khách khi nào để mắt đến thì chúng mới bừng nở để chào đón vậy. Cách nói Đợi mắt nhìn mới nở là một cách nói thơ, thi vị. Hai bài Tiễn emTiễn con gái lớn về nhà chồng là tâm tình thơ của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, của những vui buồn sướng khổ thường ngày gắn bó với những người thân thiết trong tổ ấm gia đình. Thương sao những ngày gian khó trong hình ảnh nhân vật “em” mỗi sáng đi làm và nỗi âu lo vẩn vơ của “anh” ở nhà trong một đời sống vốn nhiều bất trắc. Trong cảm xúc ngùi ngùi của người cha tự thấy “yếu lòng” khi tiễn con gái về nhà “người ta”, bao thương yêu của nhà thơ đặt vào từng câu chữ. Thơ hay có nhiều sắc vẻ. Giản dị, thật lòng với cảm xúc và câu chữ, thơ luôn có khả năng đánh động tâm can người đọc...

Cùng với thành tựu thơ viết cho thiếu nhi, những bài thơ tâm tình tuổi lớn trên kia đã thật sự góp phần làm nên một chân dung nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn không lẫn trong nền thơ Việt Nam hiện đại.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu củanhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Đêm qua chim chích ngủ đâu?

Đầm sen bát ngát hồng tươi
Có anh chim chích tìm mồi ngẩn ngơ
Mặt trời lặn xuống bất ngờ
Cánh sen khép lại chẳng chừa lối ra!
Thôi đành ngủ lại trong hoa
Chật thì có chật nhưng mà thật thơm!
Suốt đêm giấc ngủ chập chờn
Bông sen gió thổi rập rờn ngả nghiêng...
Sáng ngày sen mở cửa sen
Mừng rơn chim vụt bay lên giữa trời!
Thơm thơm từ mỏ đến đuôi
Sau đêm ngủ trọ tuyệt vời giữa hoa...

Minh họa | NGUYỄN MINH

Tiễn con gái lớn về nhà chồng

Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ!
Lúc người ta đến xin dâu
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa ngập ngừng nghẹn giữa câu...

Bố chẳng buồn đâu
Ai lại buồn trong một ngày như thế!
Bố chỉ thương con
Vất vả hồi thơ bé:
Thuở ấy nhà ta thật nghèo
Con vừa sinh ra đã phải cùng chia sẻ
Một quả trứng ba người nhường nhau
Mền bông rách truyền hai thế hệ
Thời khốn khó tránh sao điều nặng nhẹ
Con buồn nhiều không khi bố mẹ bất hòa?

Giờ con thành con người ta
Phận gái lớn rồi phải thế
Con mặc áo cưới kiêu sa
Cổ mang vòng vàng sang quý
Bố không ưa bày vẽ
Nhưng muốn ngày vui con không thua kém bạn bè...

Xe hoa đưa con đi
Căn nhà đột nhiên trống trải
Vẫn biết mai các con lại về
Nhưng có điều gì đã rời xa... xa mãi...
Nâng ly rượu một mình trong nắng chiều nán lại
Ta già rồi ư?...