Hạt gạo làng ta

|

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.    (Thơ Phạm Hữu Quang)

Ngày xưa, nếu ai đọc thế, tôi sẽ cười và chẳng để ý. Cái sự mong đi xa nhà, khám phá cuộc đời của tuổi trẻ mạnh hơn nhiều tiếng cơm sôi, mạnh hơn cả nỗi nhớ, mạnh hơn cả sự sợ hãi lỡ không có cơm ăn. Thế mà giờ, chỉ xa nhà vài ngày, lúc bước chân vào nhà hàng châu Á ở phương trời lạ, ngửi mùi cơm thơm tỏa ra từ bếp, là ruột gan xốn xang.

 
 Là người sinh ra ở nước lúa gạo, hóa ra có lang thang nơi chốn nào, rồi cũng thấy hạt gạo vẫn là thứ cốt yếu trong bữa ăn hằng ngày.
 
 Chẳng phải thế ư? Có món nào ngon trong ẩm thực Việt Nam mà không liên quan đến gạo? Có vùng miền nào mà đặc sản không liên quan đến những thứ làm ra từ hạt gạo? Chiếc bánh dày, bánh tẻ, bánh nếp, bánh giò, bánh khúc, bánh gio của miền bắc. Chiếc bánh lọc, bánh ít, bánh khoái, bánh nậm của miền trung. Chiếc bánh xèo, bánh trôi nước, bánh rán, mà người nam bán đầy trên vỉa hè. Rồi bún, cháo, phở, xôi, bánh cuốn... đến cả những món đặc sản vùng miền như cá kho, heo quay, vịt nướng và các loại mắm... hầu hết cũng đều phải ké thêm vài hạt gạo mới đưa đẩy nhau mà thành bữa ăn ngon.
 
 Bữa ăn ngày Tết, mâm cao cỗ đầy tới cỡ nào, thiếu bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ, chén cơm trắng vẫn cứ là thiếu thiếu. Đấy là chưa kể đến các món cuốn từ lá bánh tráng, cũng đều từ hạt gạo.
 
 Công hạt gạo nước Nam thật to, nó góp một phần không nhỏ vào nền ẩm thực Việt, biến hạt gạo từ vẻ khiêm tốn trở thành những món ăn thanh tao cũng có, cầu kỳ cũng có mà đơn giản ấm bụng cũng có.
 
 Thế nghĩa là công của người nông dân nước Nam cũng rất to. Đất nước mà từ nghìn đời được coi là nước nông nghiệp, không thể bảo sự tài tình trong chế biến các nguyên liệu nấu nướng từ gạo là do quý tộc vua chúa nghĩ ra. Nghĩa là nhân dân cả thôi, trồng lúa cũng họ, chế biến cũng họ, tạo nên diện mạo ẩm thực cũng là họ.


Cần có chiến lược quảng bá hạt gạo Việt gắn liền với các món ăn Việt.

  Từ vài năm trở lại đây, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Gạo Việt Nam với những giống lúa mới, cách thức canh tác mới đã bắt đầu được bán sang Nhật, đủ tiêu chuẩn vào thị trường châu Âu, để bán cho người chứ không còn là thứ lương thực rẻ, chỉ để chăn nuôi hoặc về các nước nghèo. Người trong nước có thể không thấm điều này, nhưng khi sống ở nước ngoài, bước vào siêu thị nào cũng chỉ thấy gạo Thái, gạo Ấn Độ, gạo Nhật thì sự xuất hiện của hạt gạo Việt Nam cũng đủ khiến rưng rưng trong lòng. Dù còn khép nép ở một góc siêu thị nào đó, hoặc hầu hết tại các siêu thị do người Việt Nam làm chủ nhưng điều này không ngăn cản hy vọng.

  Hy vọng điều gì?
 
 Hy vọng về tương lai cho hạt gạo, hay nói cách khác là tương lai cho những người nông dân của nước trồng lúa, vẫn có thể sống bằng nghề nông - lương thiện mà đủ no.
 
 Tôi đã dự không chỉ một lần những bữa ăn ngoại giao, hay những tuần văn hóa ẩm thực có nhiều món ăn từ nguyên liệu là gạo, nhưng hầu như không ai nhắc tới thứ nguyên liệu gốc đó.
 
 Dường như không có sự nhớ về việc chúng ta đã, đang và vẫn tiếp tục phấn đấu là nước sản xuất lúa gạo đứng đầu thế giới. Hình như quên là chúng ta vẫn đặt mục tiêu sản xuất được gạo chất lượng của nó đủ để chen chân, thậm chí vượt lên hạt gạo của các nước quanh vùng.
 
 Quảng bá cho hạt gạo có thế đến bằng muôn nghìn cách, qua ẩm thực Việt là một cách đủ duyên, đủ thuyết phục nếu được làm có chiến lược, có hệ thống.

 Bột mì Pháp tạo nên được thương hiệu một phần nhờ những món bánh theo chân người Pháp đi khắp thế giới. Những tuần văn hóa ẩm thực Việt Nam được tổ chức ở khắp nơi. Chúng ta khoe phở, khoe nem, khoe bánh cuốn, khoe sự tài tình của đầu bếp, vậy hãy khoe nốt hạt gạo của chúng ta đi, hạt gạo ẩn mình một cách khiêm tốn trong hình hài của bún, của phở, của bánh cuốn, của nem. Hạt gạo không thể tự khoe rằng nó phải là loại nếp gì, trồng ở đâu thì mới ra được món cơm lam. Món nem vốn được coi là tinh túy trong ẩm thực Việt Nam, nếu không phải được gói bằng đúng lớp bánh đa nem làm bằng gạo ngon, tráng mỏng của người Việt mà bằng thứ bánh đa nem mà người Trung Quốc bán đầy trong các siêu thị của khu phố Hoa kiều thì chỉ để vài phút là cứng đơ, dai như chão.
 
 Phở và bún bò của Việt Nam cũng như sushi của Nhật đang ngày trở thành món ăn quốc tế hóa. Tuy thế, sushi muốn ngon phải nấu bằng gạo Nhật, vậy phở và bún bò muốn ngon sao không phải chỉ bằng bánh phở được làm với công nghệ và hạt gạo Việt Nam?
 
 Hạt gạo Việt có hình hài và hương vị khác với gạo Ấn Độ và gạo Nhật, để tạo sự quen thuộc với người tiêu dùng châu lục khác, vốn đã quen với gạo Nhật và Ấn từ nhiều năm, món ăn Việt từ gạo phải đi trước, giúp tạo ra những ấn tượng mới, hình ảnh mới để gạo Việt là cái tên bắt buộc phải gắn liền với những món ăn Việt được yêu thích, như basmati gắn liền với cà ri, hay sushi không thể thay thế bằng hạt gạo khác.
 
 Hãy cho hạt gạo Việt Nam nhiều cơ hội được nhắc đến, được cài vào bộ nhớ thông qua vị giác, câu chuyện, điển tích... qua tất cả những phương tiện gì có được, để dần xóa đi định kiến rằng chúng ta chỉ sản xuất ra gạo giá rẻ, gạo tồi.
 
 Từ vài năm trở lại đây, siêu thị Thanh Bình Jeune của Pháp đã nhập gạo hữu cơ của Việt Nam sang bán tại Pháp, tuy con số còn khiêm tốn nhưng không chỉ người Việt mà người Pháp cũng đã chọn mua. Tại Séc, gạo Việt Nhật cũng được nhập sang, rồi lại tiếp tục theo chân người Việt sang Pháp, thế nghĩa là con đường mòn hoàn toàn có thể thành con lộ lớn nếu chúng ta cố gắng.
 
 Không chỉ ở Pháp mà tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, những sản phẩm làm từ gạo như bánh tráng, bánh hỏi, bánh phở, bún các loại của thương hiệu Ba Cây Tre đang ngày được tin dùng, không chỉ xuất hiện tại siêu thị của người Việt mà người bản địa cũng đã bán. Lật đáy túi, là dòng chữ chung chung, sản xuất từ gạo.
 
 Gạo Việt Nam!
 
 Hãy nói, hãy viết, hãy kể, hãy nhắc, hãy gắn tên Việt Nam vào những sản phẩm làm từ hạt gạo đang được thị trường tin dùng. Hãy cho người tiêu dùng thế giới thấy sự nỗ lực để có được hạt gạo ngon mà chúng ta đã và đang cố gắng làm, hãy để họ biết rằng ẩm thực Việt Nam ngon bởi có được nguyên liệu từ hạt gạo ngon hay nói cách khác là gạo Việt Nam đang ngày một ngon hơn, vì thế ẩm thực cũng ngày một tốt hơn.
 
 Chỉ đi xa rồi mới thấy những thứ bé tí như hạt gạo có thể làm nên diện mạo của cả một nền nông nghiệp. Gạo Hom Mali làm người ta nhớ về nước Thái Lan, vậy hãy để gạo Nàng Hương, gạo ST, gạo chợ Đào, Hạt Ngọc Trời, Ba Cây Tre... khiến người ta nhớ về Việt Nam, hay ngược lại, nói về Việt Nam là có thể khiến nhớ về hạt gạo.
 
 Hạt gạo của làng. Làng của nước. Nước của người Việt.