Tuổi nào theo nước sông trôi

|

Bố mẹ tôi chia tay khi tôi mới hai tuổi. Sau đó, dù không sống cùng nhau nữa, bố mẹ vẫn thường tổ chức sinh nhật cho tôi. Những năm ấy, sinh nhật của phần lớn lũ trẻ ở thành phố thường là dịp rủ vài đứa bạn hoặc anh chị em họ hàng tới, ngồi quanh cái chiếu trải trên sàn đá hoa, ăn uống, hát hò, cười nói váng nhà.

“Tiệc” sang có bánh săm-pa hoặc bánh quy Hương Thảo, kẹo sữa gói giấy in hoa hồng, hoặc kẹo cà phê bọc giấy nâu; Nhà nào giản dị hơn thì bánh quấn thừng, bánh quế, kẹo lạc, kẹo vừng; Cũng có nhà tự làm bánh ca-la-vát, bánh nhúng, nấu chè… Nói chung cứ “liệu cơm gắp mắm”, mùa nào thức ấy. Và lũ trẻ chúng tôi sung sướng náo nức, hồi hộp chờ sinh nhật từ đôi ba tháng trước.

Thời thiếu nữ, tôi và Phương rất thân. Phương học vẽ, tôi thích hội họa, nên hợp nhau. Hôm nào lĩnh học bổng, hai đứa thường rủ nhau đi xem triển lãm, xem phim, rồi đi ăn kem, đi chụp ảnh. Nếu trời đẹp, chúng tôi đạp xe thong dong ngắm phố phường, rẽ lên Cầu Gỗ mua mấy thứ vòng xuyến phụ kiện linh tinh hay sang Hiệu sách Tràng Tiền ngó nghiêng, chọn một đôi cuốn sách. Tôi hay đến nhà Phương ở một làng trong phố, có cơm thì ăn, có việc thì làm. Hai đứa rúc rích tâm sự đủ điều, suốt ngày suốt buổi không hết chuyện. Sinh nhật Phương chớm thu, năm nào tôi cũng có mặt từ xế chiều để ra tay xào cốm, rồi giúp bạn bày biện, chuẩn bị. Nhà Phương có bộ bàn ghế gỗ đã cũ, nệm giả da màu đỏ mận, vừa bàn trà, vừa bàn ăn, nơi cả nhà quây quần hằng ngày, nơi sum họp mọi dịp quan trọng, nơi mừng sinh nhật mỗi người. Ấn tượng không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi là không khí gia đình bạn luôn đầy ắp tình yêu, tràn ngập tiếng cười. Một phần thời thiếu nữ của tôi, phần tươi vui, ấm áp nhất, có cả hình ảnh Phương và bố mẹ bạn ở ngôi nhà thân thuộc ấy. Đó là nơi khiến tôi bỗng giật mình nhận thấy, hóa ra tôi chưa hề biết đến sinh nhật bố mẹ mình, hóa ra tôi thèm có một gia đình đông đúc biết chừng nào. Xưa đã có lần tôi hỏi bố tôi: “Sao hồi con còn bé, bố mẹ không bao giờ tổ chức sinh nhật, để con được biết ngày sinh của bố mẹ sớm hơn?”. Bố cười hiền, bảo: “Nhà mình khác, con ạ. Sinh nhật con chính là ngày vui của cả bố và mẹ rồi!”.

Tôi bắt đầu “cảm nắng” một chàng. Sinh nhật chàng, tôi nhớ đinh ninh. Tôi nhặt nhạnh những cuộn len nhỏ màu ghi, màu xanh biển, màu cam đất từ rổ len của bà ngoại, ngồi cặm cụi đan khăn tặng chàng, kèm một bài thơ viết trên giấy “pơ-luya”, loại giấy trắng mờ, mỏng như hơi thở: “…Xâu vỏ ốc làm vòng tay/ Mang tình yêu đến lấp đầy dòng sông/ Có khi nào anh đếm không?/ Còn bao vỏ ốc nằm trong cát vàng?”. Đến sinh nhật tôi, chàng nhờ mẹ chàng làm cho tôi một cái bánh ga-tô. Thời bao cấp, mấy ai bánh trái ở nhà, lấy đâu ra dụng cụ, nguyên liệu thì đắt đỏ. Nhà nào có điều kiện mới đặt bánh hay mua sẵn bánh kem pha phẩm màu sặc sỡ bày bán dọc phố Thợ Nhuộm. Tôi giữ ý, đem trứng gà tới nhà chàng, phụ giúp mẹ chàng làm bánh, dẫu biết bà đã chuẩn bị chu đáo rồi. Tôi nhớ hình ảnh bà, người phụ nữ trung niên đẹp mặn mà, ngồi tỉ mẩn trong căn bếp chật, nhào bột, nướng bánh bằng cái lò điện cũ kỹ nhỏ xíu. Hai bác cháu uống trà trong lúc chờ bánh ra lò. Bánh chín thơm phưng phức. Ôi, món quà mộc mạc mà quý giá! Nó là chiếc bánh sinh nhật đầu tiên tôi có trong đời. Nhưng tối sinh nhật ấy, tôi ngóng mãi không thấy chàng. Chàng phóng xe đạp “cuốc”, loại xe nam có gióng ngang, mốt của các cậu trai phố thuở ấy, huýt sáo vi vu khắp phố phường. Chỉ mải vui, quá một nhịp guồng chân, chàng đã vút qua tuổi thanh xuân mơ mộng của tôi, mang theo những bài thơ bâng khuâng trong trẻo của tôi. Chút kỷ niệm về chàng, dẫu vui hay buồn cũng thật tươi lành, như câu thơ xưa tôi viết: “Mãi chỉ là thấp thoáng/ bóng anh ở cuối con đường/ chiếc lá rơi/ cào lên vạt áo em nhói đau…

Tôi có một nhóm bạn thân từ thời đại học. Chúng tôi luôn kỷ niệm sinh nhật cùng nhau. Những năm tuổi trẻ, sinh nhật mỗi đứa được “đánh dấu” bằng một món tự làm, xì xụp, xuýt xoa. Mùa Xuân, sinh nhật Hà, bao giờ cũng bún thịt luộc mắm tép, vì cô Thủy mẹ của Hà làm mắm tép ngon tuyệt. Chấm miếng thịt luộc thái mỏng tang vào bát mắm tép đỏ au, ăn cùng khế chua, chuối chát, gừng cay, cọng hành chẻ hăng hăng, gắp bún rối, sao mà nó bện hơi đến thế! Rồi sinh nhật Mai là bún bung. Vị chua thanh thanh của quả dọc nướng dầm trong nồi nước hầm xương làm dịu ngày Hè sôi bỏng. Sinh nhật Thu thì bún chả. Mấy đứa ngồi gò lưng quạt chả ngoài sân nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, má đỏ hây hây, cười nói xôn xao, ngàn ngạt khói. Sinh nhật tôi lại bún bò Nam Bộ. Rau xanh mướt, giá trong ngần, bún trắng mượt, lạc rang già lửa ngả nâu, hành phi vàng ruộm, thịt bò ướp sả xào lăn hồng hồng chín tới. Bát bún bày lên, rưới nước mắm chua ngọt, thêm vài lát ớt đỏ, trông như một mảng tranh trừu tượng ngổn ngang sắc màu. Sinh nhật Hoa giữa mùa Đông, chốt bằng món bánh gối rán phồng căng, vỏ giòn rụm, nhân thịt, miến, mộc nhĩ, nấm hương, thêm quả trứng chim cút, đầy đặn chuẩn “gu” người mũm mĩm. Cắt đôi chiếc bánh lúc nó còn đang bốc khói, chấm mắm dấm đường pha thêm nhiều tương ớt cay nồng, ấm lòng khi gió lạnh về. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua bao nhiêu lần sinh nhật như thế, chia sẻ với nhau mọi buồn, vui, cay đắng, ngọt bùi. Bây giờ bận rộn, chẳng ai sinh nhật ở nhà nữa mà kéo nhau ra quán. Mỗi năm thêm một tuổi, tóc nhuộm giấu sợi bạc, nếp nhăn cay khóe mắt. Nhưng tuổi nào chúng tôi cũng thế, vẫn roi rói bên nhau, son sắt chẳng đổi thay. “Đây gương mặt bạn bè tôi/ cười khóc, vui buồn/ lũ trẻ sinh ra/ ràn rạt cây non/ bật lớn thành rừng/ có những hạt mầm/ chẳng bao giờ được thức/ xanh tươi mãi ngủ/ trong giấc mơ ủ kín…”.

Tôi tổ chức sinh nhật lần thứ bảy mươi lăm của bố tôi ở một nhà hàng nhỏ, cuối phố Văn Cao. Chỉ có bố, tôi, và em gái, mời thêm một cô bạn và con trai năm tuổi của cô ấy tham dự. Bố tôi rất vui. Có lẽ đó là sinh nhật đầu tiên bố đón khách. Năm ấy bố tôi chưa có cháu. Ông chằm bặp, quý hóa thằng bé như cháu mình. Bé thông minh đĩnh ngộ, ăn nói láu lỉnh, làm cả nhà cười suốt buổi. Từ đó, bố tôi rất hay hỏi thăm nó. Hôm nào mẹ con nó đi cùng tôi ghé thăm ông thì ông mừng lắm. Mọi chuyện trên đời đều gắn với chữ Duyên. Tôi và cô bạn bỗng một ngày hết duyên, chẳng rõ vì sao. Đôi khi vô tình chạm mặt, chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Lần cuối cùng tôi gặp cô ấy cũng đã lâu. Trò chuyện đôi câu, tôi được biết thằng bé mà bố tôi yêu quý đang chuẩn bị vào đại học, cao lớn, điển trai, chững chạc. Bố tôi bắt đầu ốm mệt, lúc tỉnh táo minh mẫn, ông vẫn hỏi thăm mẹ con thằng bé. Tôi phải nói tránh: “Nhà ấy định cư ở nước ngoài bố ạ. Mẹ con nó nhắn tin cho con, vẫn nhắc ông”. Bố tôi nghe thế, cười thật tươi. Thương bố, khi có cháu ngoại thì ông đau yếu, không thể bế ẵm, không thể chơi với cháu được nữa. Tôi thầm cảm ơn mẹ con cô bạn cũ. Sự có mặt của thằng bé trong ngày sinh nhật bố tôi năm xưa như một món quà đặc biệt mà ông giữ mãi đến tận cuối đời.

Ngày mồng Sáu tháng Chín năm nay, nếu còn, mẹ tôi tròn tám mươi tuổi. Cả tuần trước bão, trời nắng ong ong. Tôi sửa soạn xôi cốm, cốm xào, hoa hồng thơm, những thứ mẹ tôi thích nhất, mang về chùa Ngân Cầu ở Bắc Ninh nơi mẹ quy y, mừng sinh nhật mẹ. Những năm cuối, mẹ tôi mới bắt đầu theo các cô các chị đi chùa, an nhiên nơi cửa Phật. Có lẽ vì thế mà mẹ có thể buông hết mọi nông nỗi ở đời, một mình tự tại ung dung. Rồi mẹ lặng lẽ rời cõi, nhẹ như khói mỏng. Buổi chiều đúng sinh nhật lần thứ tám mươi của mẹ tôi, giông lốc ào đến sầm sập, khúc dạo đầu dữ dằn, mở đường cho cơn bão Yagi hung hãn ập tới, long trời lở đất. Sau bão, mưa lũ tơi bời. Sông Hồng ngầu sóng, nước dâng gần sát mặt cầu Long Biên. Bão tan, nước rút, phố phường, làng mạc tan hoang, đau thương chồng chất. Con người gượng dậy từ đổ nát, tiếp tục sống, dựa vào nhau, dựa vào lòng trắc ẩn và niềm tin để sống. Chúng ta lại trồng cây, lại dựng nhà, lại hồi sinh, lại trao Tình, nhận Nghĩa.

Mỗi lần qua sông Hồng, dòng sông Cái, sao tôi nhớ mẹ tôi, thắt ruột. Tôi nhìn thấy thăm thẳm cuộc đời trong làn nước trôi mê mải về biển. Dòng sông lúc bình yên thong thả, lúc cuồn cuộn sục sôi, không bao giờ ngưng chảy, lặng lẽ bồi đắp phù sa cho cây xanh thắm bãi bờ. Dòng sông như Mẹ, người đàn bà xinh đẹp, tài năng, dịu dàng, dữ dội, đa đoan, kiêu hãnh – “Người đàn bà mắt khói nâu/ vịn bóng trời/ ngược sóng/ sông đi tìm nước xưa bằn bặt…”. Và tôi tin, chỉ cần chạm vào nước sông, tôi sẽ được Mẹ vỗ về.