Cảnh báo rối loạn sức khỏe tâm thần

|

Trong vài năm trở lại đây, nhiều con số nghiên cứu được công bố đã gây “sốc” cho dư luận: khoảng 30% người Việt Nam bị rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%...; mỗi năm có khoảng 40 nghìn ca tự tử.

Khó tính đếm được những nguy hại của rối loạn sức khỏe tâm thần tới cuộc sống cá nhân và sự phát triển bền vững của đất nước. Không có sức khỏe tâm thần sẽ không có sức khỏe - vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2035 được dự thảo xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả và công bằng, thúc đẩy sự phục hồi, bảo vệ quyền con người, giảm bệnh tật, tử vong và tàn tật cho người có các rối loạn tâm thần.

Cùng đi sâu tiếp cận vấn đề có thể liên quan sát sườn tới nhiều cá nhân, gia đình, tập thể để đối diện với thực trạng đáng báo động cũng như đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, nhất là trong bối cảnh xã hội càng phát triển hiện đại, cuộc sống càng tiện nghi, khoa học kỹ thuật càng tiên tiến..., là mục đích hướng tới của tiêu điểm tháng 12: Cảnh báo rối loạn sức khỏe tâm thần.