Nhà thơ Hữu Việt (HV): Xin bắt đầu buổi trò chuyện của chúng ta bằng quan niệm về nghề thơ.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu (NĐM): Nghề thơ đi từ bản năng ban đầu (thường là nhờ năng khiếu) đến chủ tâm, có ý thức. Tiếp theo là giai đoạn viết nhanh, dồi dào cả về cảm xúc, vốn sống, đề tài. Khi đã có thành công nhất định thì bắt đầu viết chậm lại, thấy có nhiều cái mình cần phải vượt lên, mà chưa được. Càng về cuối đời, viết càng nhọc nhằn; càng đi đến đích thì đích càng xa. Ở tuổi đôi mươi, cảm xúc trong thơ thường tràn trề, rạo rực. Nhưng khi đã có tuổi, sự xanh non tươi tắn thuở ban đầu giảm đi. Vì vậy, quan trọng nhất là giữ bằng được cái niềm say mê ban đầu.
HV: Nhưng hiện nay, cái khó nhất là làm sao giữ được “niềm say mê ban đầu”, bởi cuộc sống luôn có quá nhiều điều làm ta phân tán.
NĐM: Hãy cho tôi một niềm say mê, đó là nghĩ thế thôi, nhưng giống như cảm xúc, anh phải va chạm với đời sống thì nó mới đến, chứ thụ động chờ thì còn lâu! Tôi vẫn tự nhắc mình, phải giữ được niềm say mê ban đầu bền bỉ. Không có niềm say mê, người viết thường thỏa mãn với vinh quang quá khứ, lười nhác với công việc hiện tại, hoặc đi vào lối mòn quen thuộc của chính mình; không có niềm say mê, tâm hồn sẽ tẻ nhạt, cuộc sống sẽ không còn lấp lánh, hấp dẫn nữa – những điều này tôi từng nói một vài lần. Niềm say mê ấy, tùy từng người, sẽ nhanh hay chậm, dài hay ngắn. Ở người này, nó bùng lên một cách mạnh mẽ, xong phụt tắt; nhưng ở người khác nó lại bền bỉ, theo anh đến cuối đời.
HV: Ông từng nói, thơ là ngọn lửa cảm xúc, là sự phát sáng của ý tưởng. Không có buồn vui, trải nghiệm cuộc đời làm sao có được thế giới nội tâm - điểm cốt lõi không thể thiếu được trong mỗi người viết…
NĐM: Đúng thế. Tôi không tin một người sống nhạt nhẽo hời hợt lại viết được những câu thơ nồng nhiệt, sâu sắc. Nhưng cảm xúc cũng giống như người uống rượu; rượu có thể giúp ta thăng hoa, nhưng cũng dễ khiến ta say sưa, sa đà vào bản năng. Cho nên những lúc thăng hoa thì đừng quên tỉnh táo, mạch lạc. Nói như một nhà văn nước ngoài thì khi viết bằng tay phải tôi phải dùng tay trái giữ lại, tức là ngăn cái cảm xúc quá đà.
HV: Ông đến với thi ca như thế nào?
NĐM: Tôi đến với thi ca hơi sớm, quãng năm 14-15 tuổi. Thầy giáo của tôi thấy tôi có năng khiếu nên dẫn đến nhà ông Nguyễn Bính, bấy giờ là biên tập viên tạp chí Lời ca sông Vị. Vợ ông bán hàng nước ở chợ Rồng. Ông Nguyễn Bính mặc chiếc quần trắng, người gầy gò, răng ám khói thuốc lào, pha một ấm trà bồm tiếp tôi như một cộng tác viên thực thụ. Tôi học được ở ông nhiều về văn học cổ. Thơ tôi gửi cộng tác với tạp chí, được ông biên tập, dạy cho mình cách cấu trúc một bài thơ. Thú vị nhất là được hóng chuyện của ông với các bạn văn. Có những bài thơ của ông Nguyễn Bính viết về bạn mà tôi còn nhớ đến bây giờ. Ở Nam Định có ông Quyên, về hưu rồi nhưng vẫn thích đi bắt chim cùng trẻ con. Ông Nguyễn Bính viết thơ, bỡn: Bẫy chim nghề ấy sướng bằng tiên/ Rán chén thì ngon, bán được tiền/ Đỏ có chào mào, đen sáo sậu/To thì kà kếu, bé vành khuyên/Đã quăng bút chạy làng văn nghệ/Còn xách lồng theo lũ thiếu niên…
HV: Làng văn thường hay nhắc về trí nhớ rất đặc biệt của ông...
NĐM: Tôi công nhận mình là người trí nhớ tương đối khá. Trường ca Sư đoàn tôi viết 2.500 câu, mà nhớ từ câu đầu cho đến câu cuối, lại nhớ cả những đoạn sửa chữa nữa.
HV: Trước Trường ca Sư đoàn, thì đến nay nhiều người vẫn nhắc đến bài thơ Nấm mộ và cây trầm, và coi đó là trường ca mi-ni đầu tiên của ông: Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/Cây trầm cháy dở thay nén nhang/Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm… Người tên Hùng trong bài thơ là như thế nào với ông?
NĐM: Đó vừa là người bạn ngoài đời, vừa là nhân vật hư cấu. Bài thơ này tôi viết mùa đông năm 1969. Hôm ấy, sau khi đi chôn Hùng ở nghĩa trang biên giới (Việt Lào) về, tôi ngồi viết trong một cái hang đá, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu. Hai đêm thì xong. Gửi ra ngoài bắc, mãi năm 1972 nó mới được đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn, tự nhiên trở thành hiện tượng lúc bấy giờ. Bài thơ ấy dạy cho mình một điều là, khi kỹ thuật còn non thì bản năng cộng với cảm xúc mạnh vẫn sẽ có thơ, thậm chí được độc giả yêu thích hơn những bài viết khi đã thành nghề.
HV: Ở thể loại trường ca, có thể nói Nguyễn Đức Mậu là một trong những người có nhiều thành tựu. Về tư duy sáng tạo thì những bài thơ đơn lẻ và trường ca khác nhau thế nào? Có người viết trường ca thành công, nhưng cũng có người lại thất bại, cái gọi là trường ca của họ chỉ là một khúc ngân nga kéo dài mà thôi...
NĐM: Vấn đề anh đặt ra rất thú vị. Nhà thơ Thu Bồn là người viết trường ca rất giỏi, nhưng lại không mấy thành công khi viết một bài tứ tuyệt hoàn chỉnh. Mỗi người đều có cái tạng của mình. Người viết trường ca nói chung cảm xúc phải mạnh, vốn sống phải nhiều, ôm trùm lên cuộc sống. Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật… là những người như thế. Tôi không tin những người có cuộc sống nghèo nàn có thể viết được trường ca. Cốt lõi của trường ca là cảm xúc mạnh. Nếu cảm xúc bình thường thì dễ tạo ra những câu thơ vô hồn, rời rạc.
HV: Sau chiến tranh, ông chuyển về Tạp chí Văn nghệ quân đội và công tác ở đó cho đến lúc nghỉ hưu. Đây cũng là “cái nôi” của nhiều thế hệ nhà văn nổi tiếng của đất nước.
NĐM: Phải nói sau chiến trường thì Tạp chí Văn nghệ quân đội là môi trường thứ hai giúp tôi trưởng thành. Nói như nhà thơ Xuân Quỳnh thì đây là “một Hội nhà văn thứ hai” của người cầm bút. Ở đấy, tôi được sống trong không khí văn chương, được tiếp xúc với các đàn anh Vũ Cao, Phạm Ngọc Cảnh, Văn Thảo Nguyên…; các bạn thơ cùng thế hệ như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Trúc Thông, Bằng Việt… cũng thường xuyên đến. Văn nghệ quân đội luôn nhắc nhở tôi phải tiếp tục viết về người lính. Đề tài tưởng như trói chân anh, nhưng cũng chắp cánh cho anh. Chính ở đây tôi đã viết Trường ca Sư đoàn, Hoa đỏ nguồn sông, Cánh rừng nhiều đom đóm bay… Trong nhiều bài thơ, tôi đã nhắc đến, giãi bày tâm sự về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế: Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu/Cái hòm thư mới một lần sơn lại/Bác gác cổng già năm trước giờ đâu?…
HV: Người ta nhớ có một số bài thơ của ông được phổ nhạc, thành những bài hát rất hay về chiến tranh, như Màu hoa đỏ chẳng hạn.
NĐM: Có một số bài thơ của tôi nhạc sĩ tự chọn phổ nhạc, nhưng cũng có những bài tôi viết theo “đặt hàng” của nhạc sĩ. Màu hoa đỏ là trường hợp như thế. Quãng thời gian đó vừa nổ ra chiến tranh biên giới, có lần nhạc sĩ Thuận Yến nói với tôi, anh em mình cùng là lính chiến trường, anh giúp tôi đặt lời để viết một ca khúc thật hoành tráng về thời của chúng ta. Tôi nhận lời và thấy ca từ thì không nên sa vào chi tiết quá, nên chọn những hình ảnh khái quát núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con… Thành công bài hát này là của anh Thuận Yến, tôi chỉ hỗ trợ về ca từ thôi.
HV: Ông thuộc số những nhà văn đoạt nhiều giải thưởng văn học trong suốt cuộc đời sáng tác của mình. Giải thưởng có ý nghĩa thế nào đối với người viết văn?
NĐM: Tôi là người luôn ý thức được mình đến đâu, mình thế nào, nên cũng khó bị các giải thưởng huyễn hoặc. Điều tôi muốn nói là, trong văn chương hiện nay có hiện tượng viết theo xu hướng “thời thượng”. Có những cuốn sách được trao rất nhiều giải thưởng nhưng thực chất đọc lại chẳng có gì. Theo tôi, có những điều nhà thơ không nên làm, đó là đánh bóng mình, tức là làm thì ít, nhưng lại nói nhiều. Giữa những người yên lặng làm việc và người ầm ĩ thì tôi tin người yên lặng hơn.
HV: Nhưng để cho không khí văn chương sôi nổi, thỉnh thoảng cũng phải “khuấy” nó lên chứ, thưa ông?
NĐM: Tình hình hiện nay tôi thấy đã khá xô bồ rồi, nhưng thơ vẫn không đến được hiệu sách, thơ không đến được thư viện… Mà thật ra thì thơ cũng nên tự trách mình đã không theo kịp đời sống.
HV: Chúng ta thường xuyên được nghe nhận xét này trong các kỳ cuộc văn chương, nói cụ thể thì “không theo kịp” là như thế nào?
NĐM: Tức là nhiều tác giả viết chuyện đâu đâu, chả sát gì đời sống hiện thực, như người ở trên sao Hỏa, sao Kim, như người nước ngoài viết về chuyện trong nước, khiến cho văn chương thiếu sinh khí. Có chuyện bình thường thôi, nhưng lại đặt ra đề tài to tát quá, thành ra đuối hơi, thậm chí phản cảm. Anh viết về mặt trời, về con voi, chưa chắc đề tài đã lớn. Tôi viết về tiếng chim, về con kiến chưa chắc đề tài đã nhỏ. Hãy viết sao cho đúng mình, tự nhiên, tránh khiên cưỡng. Còn lúc hết duyên rồi thì cũng đừng nên cố. Khi mọi buồn vui trong lòng vơi cạn/Khi con tằm thiếu lá dâu xanh/Tôi lo sợ những hạt xoàn giả tạo/Những câu thơ tự trang điểm cho mình...