Thử thách khó ở ASIAD 19

|

Sau thành công tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam (TTVN) đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho những thử thách đầy khốc liệt đến từ các cuộc đua tranh với các quốc gia tầm châu lục tại Ðại hội Thể thao châu Á 2022.

ASIAD 19 ban đầu được dự kiến tổ chức vào tháng 9/2022, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nước chủ nhà Trung Quốc đã dời thời gian tổ chức 1 năm. Cụ thể, Đại hội sẽ được diễn ra từ ngày 23/9 tới 8/10 tại Hàng Châu (Trung Quốc), gồm 40 môn với 66 phân môn và 502 nội dung. Đại hội lần này có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á và 5 Ủy ban Olympic quốc gia châu Đại Dương.

TTVN sẽ tranh tài ở 32 môn thể thao gồm: bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, bắn cung, rowing, canoeing, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, golf, cầu lông, bóng ném, thể thao điện tử, bóng mềm (soft tennis), nhảy breaking, bóng bàn, quần vợt, karate, boxing, judo, taekwondo, vật, wushu, jujitsu, kurash, đấu kiếm, roller, bóng chuyền và bóng đá. Trong đó, Việt Nam đăng ký bóng đá nam và bóng đá nữ. Đội Olympic Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ U20 dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn tham gia với mục đích cọ xát. Còn bóng chuyền chỉ tham dự nội dung nữ trong nhà.

Tại ASIAD 18-2018 ở Indonesia, chúng ta đã tham dự với 352 tuyển thủ và đạt tổng thành tích 5 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ. Năm nay, cho dù đứng đầu SEA Games 32 với 136 HCV, TTVN chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn giành 3-5 HCV. Bởi sân chơi châu lục sẽ rất khó để cạnh tranh huy chương với các cường quốc thể thao khi họ có được sự đầu tư tốt về lực lượng lẫn chuyên môn. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, qua SEA Games 31 và 32, TTVN có những môn giành được thành tích tốt về số lượng HCV. Tuy nhiên, nội dung quan trọng để đạt được HCV tại ASIAD vẫn còn rất ít, nếu không muốn nói là khó khăn. Những kỳ SEA Games gần đây, chúng ta luôn vượt Thái Lan và Malaysia về tổng sắp huy chương nhưng trên các đấu trường của châu lục, vẫn chưa có được kết quả thành tích như họ.

5 HCV mà TTVN giành được ở ASIAD 18 đến từ nội dung thuyền 4 người rowing nữ (Hồ Thị Lý, Lường Thị Thảo, Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền); Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí (pencak silat); Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa, điền kinh) và Quách Thị Lan (400m rào nữ, điền kinh) được đôn lên sau khi VĐV về nhất dính doping. Tuy nhiên, nước chủ nhà Trung Quốc đã loại pencak silat, trong khi các VĐV từng giành HCV ở đại hội trước chưa thấy tiến bộ hơn trong thời gian vừa qua, Quách Thị Lan thì bị cấm thi đấu vì dính doping ở SEA Games 31. Còn Bùi Thị Thu Thảo sa sút chỉ giành HCB SEA Games 32.

Có thể thấy, những nhân tố có thể làm nên chuyện của TTVN ở Đại hội lần này là không nhiều. Tín hiệu vui khi mới đây, đội chạy tiếp sức 4x400m nữ (Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh) đã giành HCV tại Giải Vô địch điền kinh châu Á với thành tích 3 phút 32 giây 36, hơn thành tích tại SEA Games 32. Việc vượt qua nhiều đối thủ mạnh như Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Uzbekistan... mở ra hy vọng HCV tại ASIAD 19. Bên cạnh đó là sự kỳ vọng đổi mầu huy chương của Nguyễn Thị Oanh (3.000m vượt chướng ngại vật).

Việc chủ nhà Trung Quốc đưa cờ vua, cờ tướng vào tranh tài ở ASIAD 19 mở ra cơ hội cạnh tranh cho các kỳ thủ Việt Nam. Cờ tướng Việt Nam chỉ ngán ngại đối thủ đáng gờm nhất là Trung Quốc. Đối với cờ vua, Việt Nam đang sở hữu một Lê Quang Liêm trong nhóm 15 kỳ thủ hàng đầu thế giới. Ở môn bơi, niềm hy vọng số một là Nguyễn Huy Hoàng lại thi đấu kém thuyết phục và có những chỉ số không tốt tại SEA Games 32. Ở một số nội dung khác như các môn võ, đua thuyền, cử tạ, thể dục dụng cụ, eSports... cũng có hy vọng tạo bất ngờ và có thể tranh chấp huy chương, nhưng được dự báo là rất khó khăn.

Sự thành bại còn phụ thuộc vào kỹ, chiến thuật đi kèm bản lĩnh và quyết tâm. Rất khó để hình dung đoàn Việt Nam sẽ giành được bao nhiêu huy chương, nhưng thực tế lúc này, các VĐV đang làm tất cả để hướng đến ASIAD 19 với tinh thần và khát vọng lớn nhất và hy vọng họ sẽ bình tĩnh, tự tin, vượt khó để mang vinh quang về cho Tổ quốc.