"Đa số các đội bóng V.League mua ngoại binh về là mong muốn họ gánh vác cho CLB. Nhưng hiện nay, một vài ngoại binh lại trở thành gánh nặng cho đội bóng", nhà môi giới cầu thủ Nguyễn Minh Châu chia sẻ. Ngoại trừ một vài cầu thủ có phong độ ổn định và khẳng định được đẳng cấp như Rimario (Hải Phòng), Paollo (Hà Tĩnh), Pinto (Thanh Hóa), Siladi (Hà Nội)... Số tân binh như Paulo Henrique (Thanh Hóa), Baiano (HAGL), Ivancic (Hà Nội), Osaguona (Đà Nẵng)... đều để lại nhiều thất vọng.
Ở B.Bình Dương, chân sút 34 tuổi Teofilo Eydison "tịt ngòi" tám trận liên tiếp, còn tiền vệ tấn công Dawda Ceesay cũng không đóng góp gì nổi bật khi có mặt trên sân. Cả chín bàn thắng mà CLB B.Bình Dương ghi được sau vòng đấu thứ 8 ở V.League 2022 đều thuộc về các nội binh. Rồi việc HLV Đặng Trần Chỉnh dự tính đưa một tiền đạo 41 tuổi và đã nghỉ thi đấu đỉnh cao ba năm qua như Huỳnh Kesley trở lại khiến người hâm mộ không khỏi kinh ngạc.
Trung vệ Ahn Byung-keon là nhân tố quan trọng góp phần đưa CLB Sài Gòn giành hạng 3 V.League 2020 với lối chơi phòng ngự phản công. Nhưng qua tám trận đấu ở V.League 2022, trung vệ sinh năm 1988 này lại là sự thất vọng lớn khi thường mắc lỗi dẫn đến những bàn thua, gián tiếp khiến Sài Gòn đang lặn ngụp dưới đáy bảng xếp hạng.
Có một thực tế là việc chất lượng của những ngoại binh đến với giải đấu hàng đầu Việt Nam đã không còn như xưa và cả những chấn thương đang khiến các CLB ngóng chờ đến thời điểm được thay thế, bổ sung cầu thủ mới. Thị trường chuyển nhượng giữa mùa giải 2022 được kích hoạt từ hôm 21/7 và hạ màn vào 17/8. Các đội bóng được phép thay thế và sử dụng luôn những cầu thủ mới từ vòng đấu thứ 9 và đa phần các đội bóng đều đã có những điều chỉnh gấp rút.
Dịch Covid-19 khiến cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại gặp khó nên các đội bóng dù có tiềm lực cũng khó tìm ra người đúng với yêu cầu. Nhiều đội bóng đang chọn phương án mua sắm những cầu thủ từng có kinh nghiệm chơi bóng tại Việt Nam, thay vì tuyển mộ những ngôi sao có sơ yếu lý lịch hoành tráng. Do vậy, loanh quanh vẫn là những gương mặt đó nhưng chỉ khác tên đội bóng.
Lynch ngày nào còn thử việc rồi đá dự bị ở SLNA đã nhanh chóng trở thành tiền đạo đáng gờm ở Hải Phòng, Quảng Ninh và giờ là Bình Định. Olaha gắn bó với đội bóng thành Vinh khá lâu, chuyển đi tìm kiếm cơ hội cao hơn nhưng rốt cuộc lại trở về với sân Vinh quen thuộc. Và rất nhiều gương mặt khác nữa nếu thi đấu thành công thì sẽ tiến dần về Hà Nội cùng Viettel hay Hà Nội FC, nếu sa sút thì tìm về các đội bóng yếu hơn, có khi phải trở lại nơi cũ như Geovane hay Pedro ở Viettel hiện tại.
CLB TP Hồ Chí Minh đưa về sân Thống Nhất bộ đôi người Jamaica - Bygrave và Green, trong khi SHB Đà Nẵng thay toàn bộ ba cầu thủ ngoại bằng những gương mặt đến từ Brazil gồm: Claudir, Erick Luis và Walisson Maia. Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bổ sung trung vệ Dionatan Machado. Nam Định chiêu mộ ngoại binh kỳ cựu Fagan, trong khi thử việc Gilberto Fortunado và Yevhen Bokhashvili. Rất ít cầu thủ chưa từng đá V.League được chiêu mộ như Tonci Mujan (Croatia) về Hà Nội FC và Ahn Sae Hee (Hàn Quốc) - một trong hai ngoại binh mới của HAGL...
Có thể thấy, kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải của V.League 2022 vô cùng nhộn nhịp và sôi động. Dù chỉ chiếm ba vị trí trong đội hình nhưng ngoại binh được coi là quyết định từ 50-70% sức mạnh của một CLB, đặc biệt là hàng công. Vì vậy, nhiều đội bóng đều đăng ký bổ sung thêm các ngoại binh, nhằm hướng tới việc tăng cường thêm sức mạnh trong giai đoạn lượt về khi cuộc đua vô địch và trụ hạng vốn đang rất quyết liệt.
Nhưng rất kỳ lạ, bởi đa phần đều là những gương mặt quen thuộc và cũ kỹ được xướng tên. Trong giai đoạn mà V.League không còn xuất hiện cuộc đua ngoại binh của các đội bóng "nhà giàu", thì những ngoại binh mới thật sự chất lượng cũng không có nhiều. Chưa kể trình độ các cầu thủ nội trong nước, đặc biệt là ở hàng hậu vệ cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây và tạo ra áp lực không nhỏ cho các ngoại binh thể hiện mình.