Khi tôi nói tên mình, anh chàng “ồ” lên một tiếng, láu lỉnh làm vẻ thất vọng, rầu rầu than: “Vậy là mai em xuống ga Huế mất rồi!”. Tôi cười: “Sao anh biết?”. Anh chàng phán, ra điều kinh nghiệm: “Người gốc Huế hay có tên đệm giống em”. Tàu ồn ào, ì ạch đưa tôi qua dăm ba câu chuyện vui vẻ vu vơ, và đôi giấc lơ mơ, thì trưa hôm sau tới Huế.
Tôi đâu phải người gốc Huế. Tôi ngơ ngác xuống tàu. Sân ga vắng hoe. Chị Dạ đang đứng đợi tôi. Tôi có duyên làm đứa em, làm bạn thơ vong niên của chị. Chị, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hơn tôi hai thế hệ, nổi tiếng từ thời chiến tranh về thơ và nhan sắc. Hồi ấy, ngoài bốn mươi tuổi, chị Dạ vẫn mặt hoa da phấn, mắt long lanh. Thơ chị sâu sắc, giàu ý tứ ẩn dưới ngôn từ chắt lọc, tinh tế. Chị người Quảng Bình, nhưng có cảm giác chị là một phần của Huế. Huế lặn vào thần thái, nét cười, giọng nói, dáng đi. Huế hòa tan trong chị. Chị nhỏ nhẹ, chậm rãi, mềm mại, khoan thai, thăm thẳm, như sông Hương lặng lẽ chảy, đắm say dưới những xoáy ngầm. Chị đưa tôi về nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ, căn hộ lầu một (tầng hai) trong tòa chung cư hai tầng cũ kỹ. Đây cũng là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống suốt những năm 60, 70 thế kỷ trước. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, chồng chị Dạ, là bạn thân từ thời trai trẻ của nhạc sĩ họ Trịnh. Cửa sổ nhà chị nhìn ra hành lang rộng. Đứng bên lan can của dãy hành lang thấy con phố nhỏ rợp tán bàng xanh đẫm nắng, chiu chít tiếng chim. Trong nhà, đồ gỗ đơn sơ, sách vở ngút ngàn, và những bức tranh. Những bức tranh thầm thì lời sắc mầu của Lê Bá Đảng, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ..., toàn tri kỷ tri âm với ông Tường chị Dạ, những tinh hoa thuộc xứ Huế, một thời.
Chị Dạ hỏi: “Bảo Chân muốn ăn chi?”. Được chị chiều, tôi hân hoan vội đáp: “Em thích cái gì thật Huế ạ!”. Chị chở tôi sang An Cựu trên chiếc xe máy Charly lọc xọc, đến một quán nhỏ giản dị, ngay cạnh đầm sen. Quán vắng, yên tĩnh, chỉ có chúng tôi và hương sen ngan ngát. Hai chị em chọn bàn bên cửa sổ. Ngóng ra đầm, những bông sen cuối mùa bừng lên như lửa, bập bùng giữa ràn rạt gió quấn quýt lá mươn mướt. Chúng tôi gọi ba món, gỏi ngó sen tôm nõn, canh nấm hạt sen và cơm sen. Ở Huế, mỗi món được làm ít một, tinh khiết, mỏng manh, thanh cảnh. Thực khách ăn rồi mà bâng bẫng như không, cứ thòm thèm, muốn nữa. Có thể đó là một trong những bí quyết ẩm thực Huế. Hai món đầu không lạ, nhưng đến cơm sen, tôi thực sự ngỡ ngàng. Một khay tròn bằng mây đựng gói lá sen nhỏ xinh, ấm nóng, mặt trên khía bốn góc. Từng góc tẽ ra hai lớp lá tạo thành tám cánh hoa xinh xinh. Hương của lá sen, hạt sen, của cơm gạo mới và đủ thứ gia vị ùa ra rối rít. Chị Dạ thốt lên: “Ui cha là thơm!”. Chị ân cần lấy cơm cho tôi. Những hạt cơm ngà ngà chen lẫn hạt sen hươm hướm vàng nổi bật trên nền rộn rã mầu của nhiều nguyên liệu khác. Hai chị em thong thả thưởng thức bữa trưa, rủ rỉ chuyện trò. Chúng tôi nói về những khoảnh khắc trong vô vàn cung bậc đời, tạo nên mùi vị, sắc hương, cảm xúc và chiêm nghiệm. Sau cùng, chúng tôi nhâm nhi một ấm trà sen. Trà búp, thả nhụy sen tươi có cái duyên riêng. Nó không thơm thắm thiết nồng nàn kiểu trà ướp sen đắt đỏ, mà lâng lâng lãng đãng, như thể gió chỉ vừa mới đưa hương sen thả vào chén trà thôi. Chị Dạ bày cho tôi chơi trò “bói chén”, rất lạ. Sau này, đi đây đi đó nhiều, tôi mới biết “bói chén” có một phiên bản khác là “cầu cơ” ở phương tây. Cái chén hạt mít nhỏ xíu tự nhiên chạy vù vù trên tờ giấy kẻ bảng chữ cái khi hai chị em cùng chạm hờ ngón tay lên nó, ghép thành từ, thậm chí cả câu có nghĩa. Tôi hỏi “Thần Chén” về tương lai. “Thần” loanh quanh dò, đắn đo ghép: “R – A – K – H – Ơ – I”. Tôi ngạc nhiên, tim đập thắc thỏm, má nóng bừng. Chị Dạ cười: “Ui cha, ra khơi! Thần Chén nói chi lạ rứa!”. Chị ngâm nga hai câu lục bát: “Làm gì có biển mà đi/ Sông đành tha thiết thầm thì cùng sông”, rồi thủ thỉ: “Em còn trẻ, bao điều đang chờ em. Cứ đón nhận dẫu buồn hay vui, sóng gió hay bình yên, em à. Và giữ lấy những gì đẹp nhất gửi vào thơ, cho mình, cho người”. Trời ngả bóng, nắng nghiêng lênh láng đầm sen. Chỉ cách một tầm tay, có bông sen đã nở căng, thơm nhức nhối. Lớp cánh ngoài cùng run rẩy đỡ những tầng cánh bên trong, ôm bầu nhụy mơ màng. Trời xanh ngắt, chỉ một vầng mây lơ đãng trôi, soi mình xuống mặt nước đầm. Không hiểu sao, tôi thấy chị giống vầng mây kia, bồng bềnh, vô vi, mà đâu biết sẽ hóa thành cơn mưa nặng trĩu nào. Hay chị giống đóa sen kia, bung mình dâng trọn hương sắc cho trời đất. Chị bâng quơ đọc mấy câu thơ, giọng Quảng Bình pha chất Huế dịu dàng: “Giây phút ấy đi qua/ Và thời gian đến trước/ Làm sao xin lại được/ Xin lại một lần hoa”. Mắt chị đen láy, anh ánh ướt. Những câu thơ vang vào tôi như tiếng chuông ám ảnh. Tiếng chuông ngân đến tận bây giờ. Sau hôm ấy, tôi viết một bài thơ tặng chị Dạ. Bài thơ in trong tập thơ đầu tiên của tôi, có đoạn: “Ta gặp mình dưới đáy dòng Hương/ Mảnh trời ướt rượi buồn chưa cũ/ Rêu đã rêu phủ ngàn năm thiếp ngủ/ Mà đến giờ mây vẫn trắng ngơ ngơ”. Chị thích bài thơ lắm. Chị bảo: “Rứa là em hiểu chị đó!”.
Từ bữa trưa thơm ngát bên đầm sen An Cựu, tôi đâm mê món cơm sen. Tôi nghe nói cơm sen vốn xuất xứ từ cung đình Huế, là một trong những món tinh túy chỉ dành cho vua chúa. Ngần ấy cuộc bể dâu đã mang nó ra khỏi lầu son gác tía, về giữa đời thường. Nấu cơm sen thật kỳ công, nhiều nguyên liệu, chuẩn bị tỉ mỉ, cách rách. Khi muốn tìm một khoảng yên ả, tôi thường làm cơm sen để được thả tâm trí vào đó, để được nhẩn nha, cắt cắt thái thái, trộn trộn đơm đơm, gói gói buộc buộc, vừa làm vừa hít hà cái hương vị mộc mạc mà kiêu sa, nồng đượm mà thanh tao của nó. Phải chọn gạo tám thơm và hạt sen mùa mới. Luộc sen vừa chín tới thì vớt ra, dùng nước luộc sen nấu cơm. Nhớ ước lượng nước và gạo sao cho vừa độ, để khi cơm chín, hạt cơm phải ráo, thoáng ngả mầu hổ phách. “Nhân” cơm sen gồm tôm, thịt lợn nạc vai, đậu cô ve, cà-rốt, nấm hương, hành tím, hành hoa, tất cả thái hạt lựu. Phi hành mỡ thơm, cho thịt vào đảo xem xém, sau là tôm, nấm, đậu và cà-rốt; nêm nước mắm ngon, rồi một chút tiêu. Úp lưng hai lá sen bánh tẻ vào nhau, trải lên mâm. Trộn đều nhân cùng cơm và hạt sen, gói chặt lại. Đặt gói cơm sen vào chõ, hấp chừng bảy đến mười phút để mùi lá sen ngấu cơm sen. Khi bày lên đĩa, dùng kéo cắt lá làm bốn góc, mở ra thành những cánh hoa. Nếu có sẵn bông sen, bứt mấy cánh gài ra ngoài, tạo hình một bông sen lớn. Rắc thêm chút tiêu, cơm sen tỏa hương ngào ngạt, mê đắm, chỉ cần một lần nếm thử, sẽ bện hơi, sẽ nhớ nhung vương vấn mãi.
Chị Dạ và ông Tường chuyển vào Sài Gòn sống cùng gia đình người con gái cả đã lâu. Căn gác ở Huế hình như giờ là Nhà Lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lần cuối cùng tôi đến thăm chị tận khu chung cư xa trung tâm Sài Gòn, chừng mươi năm trước. Gặp tôi, chị vui, nhưng ít nói, mắt phủ khói sương. Có lúc chị mải trôi đi đâu xa lắc. Chị khác nhiều so với thời ở Huế, dẫu chút yêu kiều còn vương phảng phất trên gương mặt chị. Tiễn tôi ra cửa, chị nắm tay tôi thật chặt. Vẫn như xưa, thường trước khi chị rời Hà Nội hay tôi tạm biệt Huế, chị dặn: “Chân cứng đá mềm, nghe em!”.
Vì công việc và cả những lý do riêng, nhiều năm nay tôi rất ít trở lại Sài Gòn. Có vài ba lần, cũng chỉ đôi ngày, bận rộn, xong về Hà Nội ngay. Sài Gòn nồng nhiệt, tươi tắn, phồn hoa, lam lũ, đông đúc, từng làm tôi háo hức, bỗng một ngày khiến tôi ngột ngạt. Tôi như người ra khơi gặp phải sóng cả, hụt hơi, vội vã lên bờ. Một lần, lâu lắm rồi, tôi gọi điện thoại cho chị Dạ, mong được nghe giọng chị quen thuộc: “Bảo Chân hả? Chị Dạ đây!”. Nhưng không phải chị. Người nhà cho biết chị không được khỏe, cũng hay quên, nên chẳng mấy khi dùng điện thoại nữa. Có gì đó xiết tim tôi, nhoi nhói. Rồi buông, lắc thắc đáy lòng tôi những cánh sen nhẹ rơi từ bông sen đã nở tận cùng. Tôi như nghe thấy tiếng chị dìu dặt đọc thơ bên đầm sen An Cựu năm xưa: “Làm sao xin lại được/ Xin lại một lần hoa”. Tôi nhủ thầm: “Chị Dạ ơi, em đã ra khơi, đã đón nhận đủ sóng to gió cả, đã giữ cho thơ, cho mình những gì đẹp đẽ, như chị nói ngày xưa. Em cũng đã bỏ lỡ, đã đánh mất nhiều. Giờ làm sao em xin được thêm một lần sen nở cho chị em mình?”.
Mỗi sớm đạp xe qua những đầm sen Tây Hồ, tôi nhìn thấy gót thời gian. Lại một mùa sen sắp phai khi đài sen bắt đầu rám nắng, ôm hạt sen ngậm sữa mẩy căng. Tôi nhìn thấy gió xanh cuộn vào lòng lá sen bánh tẻ... Tôi về, nấu cơm sen, tìm một khoảng tĩnh trong cái động, giữa xôn xao bếp núc. Và, khi khẽ khàng mở nếp lá sen ủ cơm sen còn nóng hổi, tôi chạm tới một miền hương.