Ươm mầm đam mê cho các cầu thủ nhí

|

Hướng đến sự phát triển bền vững cho bóng đá trẻ Việt Nam, ngay khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các giải bóng đá trẻ đã được tổ chức với sự tham gia đông đảo các cầu thủ nhí đến từ nhiều địa phương.

Lần đầu tiên giải bóng đá lứa tuổi nhỏ nhất U9 được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia, cho thấy những nỗ lực của ngành Thể dục-Thể thao, tạo thêm sân chơi cho bóng đá trẻ, hướng đến mục tiêu xây dựng nền bóng đá nước nhà. Giải U9 toàn quốc được tổ chức thành công tốt đẹp vào tháng 2/2022 tại Thanh Hóa, khi U9 Sông Lam Nghệ An xuất sắc vượt qua 13 đội bóng đến từ các tỉnh, thành phố, các trung tâm, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên toàn quốc để lên ngôi vô địch.

Tiếp theo đó, hai giải đấu thường niên thuộc hệ thống thi đấu quốc gia là giải bóng đá nhi đồng U11 và thiếu niên U13 toàn quốc tiếp tục được tổ chức. Giải U11 năm nay thu hút 46 đội bóng nhi đồng đến từ 36 tỉnh thành, vòng loại được chia thành 3 khu vực thi đấu là Nghệ An, Đắk Lắk và Kiên Giang từ ngày 30/5 đến 31/7. Dự kiến vòng chung kết sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 21 đến 31/7 với sự góp mặt của 16 đội bóng xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, giải U13 có 26 đội tranh tài. Các đội vượt qua vòng loại sẽ gặp nhau tại TP Đà Nẵng từ ngày 3 đến 16/7 để tìm ra nhà vô địch.

Ngoài ba giải trên, trong hệ thống các giải bóng đá trẻ chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam hiện có các giải vô địch U15, U17, U19 và U21. Từ những giải đấu này, nhiều tài năng bóng đá trẻ đã được phát hiện và có những cống hiến cho nền bóng đá nước nhà, như các cầu thủ: Duy Mạnh, Quang Hải, Văn Hậu, Văn Toàn, Văn Thanh, Quế Ngọc Hải... Nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia được tuyển chọn kỹ càng, được đào tạo bài bản, cho nên các cầu thủ nhí đều hứa hẹn nhiều triển vọng, tương lai có thể bổ sung lên đá giải hạng Nhất, cúp Quốc gia và V.League...

Tuy nhiên, hiện tại, các giải bóng đá cho lứa tuổi trẻ rất ít, mỗi lứa tuổi mới có một giải đấu chính thức. Nếu có thêm những giải đấu được tổ chức hằng năm, các cầu thủ trẻ sẽ có cơ hội thi đấu, cọ xát nhiều hơn, trình độ chuyên môn được nâng cao, tạo nguồn vận động viên chất lượng hơn cho đội tuyển bóng đá quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhận xét, bóng đá trẻ Việt Nam hiện tại phát triển rời rạc, chưa quy củ mỗi nơi làm một kiểu. 

Trên thực tế, hạn chế lớn nhất của chúng ta là tuổi đào tạo quá trễ, từ 11-13, trong khi thế giới và một số nước khu vực các em từ 8-10 tuổi đã bắt đầu được đào tạo. Thậm chí tại Đức các trung tâm đã săn tìm học viên từ 6-7 tuổi. Với môn chơi có tính đối kháng cao, kỹ năng động tác đa dạng có độ khó và có tính đặc thù là sử dụng bộ phận khó nhất của cơ thể là đôi chân như bóng đá, để hoàn thiện các kỹ năng ít nhất mất 10 năm.

Trên thế giới, bóng đá phong trào từ trường học và đường phố được coi là nền tảng của các nền bóng đá phát triển, là một trong những cái nôi hiệu quả nhất để ươm mầm sự đam mê và chắp cánh cho nhiều tài năng phát triển mạnh trong tương lai. Nhưng ở Việt Nam vai trò của bóng đá cộng đồng chưa thật sự rõ ràng. 

Các em nhỏ đến với các trung tâm dạy bóng đá, tăng cường sức khỏe và giao lưu với nhau sau những giờ học văn hóa, từ đó nuôi dưỡng tình yêu bóng đá. Rồi những cá nhân xuất sắc sẽ được giới thiệu cho những trung tâm đào tạo của các câu lạc bộ chuyên nghiệp, để hình thành chân đế cho bóng đá Việt Nam. Nhưng thực tế đến nay vẫn còn nhiều nơi xem nhẹ vai trò của bóng đá cộng đồng nên chưa tạo cú hích mạnh cho công tác đào tạo trẻ.

Sự tham gia đông đảo của các cầu thủ nhí ở các giải trẻ là minh chứng rõ ràng cho niềm đam mê bóng đá của người dân Việt Nam. Bên cạnh những cải thiện về mặt kỹ thuật chơi bóng và xử lý tình huống trong trận đấu, các em nhỏ còn được rèn luyện tính kiên trì, khả năng phối hợp đồng đội cũng như khám phá những giá trị và thách thức của bản thân để hiện thực hóa giấc mơ chinh phục trái bóng. Và để ươm mầm, chắp cánh cho những tài năng bóng đá Việt, chúng ta cần nhiều hơn nữa những sân chơi thể thao được tin tưởng và yêu thích.