SƠ SÀI VÀ ĐƠN ĐIỆU
Là người Thủ đô, đôi khi được hỏi một món quà cho ai đó mang đậm nét Hà Nội, không ít người bối rối. Nếu có bạn từ trong nam ra, tôi có thói quen dẫn họ đi mua vài món đồ như bánh cốm, ô mai, sấu... Nhưng với khách nước ngoài, có lẽ mấy thứ đồ ăn ấy không phải là phù hợp. Vậy, quà lưu niệm của Hà Nội, khách du lịch muốn mang về là những gì?
Dạo qua khu phố cổ Hà Nội, quả là hoa mắt với những cửa hàng lưu niệm đầy mầu sắc. Sau một hồi đảo qua đảo lại, tôi quyết định dẫn đôi bạn người nước ngoài vào phố Hàng Trống và tin rằng họ sẽ sớm tìm ra món quà lưu niệm đậm dấu ấn Hà Thành mang về. Tại phố này, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm bày bán sản phẩm đại diện cho các làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, mây tre đan, lụa... Du khách quốc tế đặc biệt ưa chuộng những món quà lưu niệm làm bằng tay (handmade), nhưng sản phẩm quà tặng du lịch hiện nay lại rất đơn điệu về chủng loại, mẫu mã và điều dễ nhận thấy là khá giống những sản phẩm ở bất cứ điểm du lịch nào của Thủ đô. Chợt nhớ lời chia sẻ của một chuyên gia nước ngoài làm việc lâu năm tại Hà Nội, rằng mỗi khi trở về nước, món quà lưu niệm ông mang về cho bạn bè, gia đình chỉ mấy tranh Hồ Gươm, mô hình Chùa Một Cột, bức tượng cô gái mặc áo dài bằng gốm sứ... Thế nhưng, kinh nghiệm của phần đông khách du lịch, những người phải di chuyển thường xuyên thì những sản phẩm lưu niệm dễ vỡ như tranh, tượng đá, chai lọ thủy tinh, sành sứ... vẫn ít được chọn mua dù có thể họ rất thích. Những người bạn Đức của tôi cũng vậy. Với yêu cầu “nhỏ, gọn và đặc trưng”, cô bán hàng giới thiệu với chúng tôi những móc đeo chìa khóa hình cô gái mặc áo dài, miếng dán tủ lạnh có hình Hồ Gươm, phố cổ... nhưng được làm sơ sài và mầu sắc nhòe nhoẹt. Dù được chào mời nhiệt tình, những món quà ấy vẫn không làm chúng tôi quan tâm.
Sau khi tham quan thêm vài cửa hàng, cuối cùng hai vị khách Đức cũng chọn được cho mình một số thứ mang nét Hà Nội: Đó là những chú Tễu xinh xắn bằng gỗ mà họ đã được xem trong Nhà hát múa rối Thăng Long, chiếc đĩa xinh xắn khảm trai hình phố cổ và vài chiếc khăn lụa. Phải nói, chọn được những đồ lưu niệm ưng ý quả là khó, nhưng với người bạn nước ngoài của tôi thì ít ra, đó cũng đã là “thành quả” sau một ngày lang thang.
LẪN LỘN HÀNG VIỆT NAM VÀ HÀNG TRUNG QUỐC
Cho đến nay, trong khi các khách sạn lớn ở Hà Nội chưa có khu trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm, thì các địa điểm du lịch cũng chỉ mới bày bán những món đồ lưu niệm sơ sài mà đáng ra đã trở thành những món quà đặc biệt của Thủ đô. Theo nhiều công ty du lịch lữ hành, hướng dẫn viên thường đưa khách trong chương trình mua sắm của mình đến những khu chợ, siêu thị, hoặc những dãy hàng lưu niệm dọc khu phố cổ. Tình trạng nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm du lịch dẫn đến hàng loạt các cửa hàng đồ lưu niệm đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái-lan... hay lẫn lộn hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam.
Trở về với các làng nghề tại Hà Nội mới thấy rõ sự thiếu đầu tư của ngành du lịch đối với các sản phẩm thủ công, thế mạnh cho các sản phẩm lưu niệm Thủ đô. Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên chuyên làm đồ lưu niệm bằng gỗ như hộp nữ trang, hộp giấy ăn, vòng... cho ngành du lịch nhưng trong khi nhận được đơn đặt hàng ít ỏi từ các cửa hàng trên phố, thì làng nghề lại liên tục nhận được đặt hàng từ phía Trung Quốc. Những làng nghề đan lát, thêu thùa, làm gỗ truyền thống ngoại thành Hà Nội đều không tìm được đầu ra trong nước, khiến các nghề này ngày một thất truyền. Ngay cả làng lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng, vốn là những điểm đến hấp dẫn khách quốc tế, hàng Trung Quốc cũng len lỏi và khiến cho du khách nhiều phen “dở khóc dở cười” về chất lượng sản phẩm.
Không chỉ riêng Hà Nội mà các vùng miền khác trong cả nước vẫn chưa tìm ra được giải pháp cho món quà lưu niệm đặc trưng của từng vùng. Một điều đáng tiếc cho việc làm chưa đồng bộ giữa văn hóa du lịch và các làng nghề truyền thống, để thương hiệu Việt đến nay vẫn mất hút trên thị trường và các sản phẩm mang nét đặc trưng Việt Nam vẫn hoàn toàn khó tìm trên chính mảnh đất quê hương. Các bàn tay vàng làm ra các sản phẩm đẹp, chất lượng tốt mang bản sắc Hà Nội, bản sắc nghề truyền thống, nhưng họ lại không có đất để dụng võ, không có cơ sở để thể hiện. Hà Nội sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vẫn vắng bóng những sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng.
* Theo bà Tuyết Mai, Công ty du lịch Fiditour, khách quốc tế chi tiêu cho việc mua sắm ở Việt Nam rất thấp, chỉ bằng khoảng một phần năm mức chi tiêu ở Thái-lan. Một trong những nguyên nhân là do sự thiếu hấp dẫn của các sản phẩm lưu niệm. Từ nhiều năm qua, chúng ta đang lãng phí một nguồn lực khổng lồ từ việc xuất khẩu tại chỗ, nhưng vấn đề làm thế nào để du khách quốc tế chịu “móc hầu bao” nhiều hơn khi đến Việt Nam. Tổng cục Du lịch cho rằng, các địa phương cần chủ động lựa chọn các sản phẩm mang tính biểu trưng, đại diện cho mình. Nhiều cách thức giải quyết đang ở phía trước. Chỉ có khách du lịch là chịu thiệt vì vẫn phải loay hoay nhặt trong những món hàng lưu niệm thô sơ và nghèo nàn một sản phẩm ưng ý mang về.