Vì một xã hội bình yên

|

So trước đây, số vụ, số người thương vong vì tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, song vẫn ở mức cao. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, cần nhiều biện pháp mạnh, nhằm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và bị thương, hướng đến phát triển bền vững.

- Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, đây cũng là dịp số phương tiện lưu thông tăng cao, thường xảy ra nhiều vụ tai nạn, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có những kế hoạch, kiến nghị gì để bảo đảm an toàn giao thông, thưa ông?

- Năm nào cũng vậy, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các cơ quan chức năng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông từ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân. Năm nay cũng vậy, thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tại các địa phương, lực lượng chức năng đã thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền người dân đã uống rượu bia không lái xe, vào dịp lễ, Tết cần lựa chọn phương tiện, tuyến đường phù hợp để việc đi lại thuận tiện, an toàn.

Thứ hai, chúng tôi kiến nghị cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông bao gồm các dự án đường (cao tốc, tỉnh lộ, tuyến đường ở địa phương). Hơn thế, các dự án bảo trì, bảo dưỡng, chỉnh trang, sửa chữa hạ tầng giao thông cũng phải được làm nhanh, và phải bảo đảm chất lượng để phục vụ việc đi lại của người dân an toàn nhất.

Thứ ba, phải bảo đảm năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải, từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Dịp Tết năm nay, một hãng máy bay lớn sẽ thu hồi động cơ không bảo đảm, nguy cơ thiếu máy bay không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Cho nên ngành hàng không phải tăng cường lượng tàu bay, tích cực bảo trì phương tiện để bảo đảm số lượng và chất lượng tàu bay.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp, tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông, huy động sự phối hợp của các lực lượng cùng "trực chiến" thật hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường năng lực hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Đây là hoạt động rất quan trọng, bởi nếu không may xảy ra tai nạn, thì các hoạt động này sẽ kịp thời cấp cứu người bị thương, cứu hộ phương tiện. Các bệnh viện cũng cần chuẩn bị vật tư y tế, thuốc chữa bệnh để bảo đảm cấp cứu người bị tai nạn một cách nhanh và tốt nhất.

Ngày 9/1 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp một số đơn vị tổ chức lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2024 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân năm 2024. Ba mục tiêu được đưa ra: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hằng năm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn.

- Thời gian qua, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân từ chính người điều khiển phương tiện, theo ông, đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng tài xế?

- Theo tôi, nguyên nhân thì nhiều, nhưng trực tiếp nằm ở hành vi của người điều khiển phương tiện, như đi quá tốc độ, đi sai làn đường, sử dụng ma túy khi lái xe… Trong sâu xa, những nguyên nhân ấy nằm ở công tác tổ chức, quản lý, giám sát an toàn giao thông của chính đơn vị vận tải, đồng thời cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát phương tiện. Nếu làm tốt tất cả các khâu, phát triển tốt hệ thống giám sát hành trình, báo cáo tai nạn, cảnh báo tai nạn được đầy đủ, hiệu quả thì chúng ta không chỉ kiểm soát tốt hành vi của tài xế, mà còn nhanh chóng có giải pháp kịp thời phòng ngừa tai nạn.

Một điều nữa, nên làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm của các cháu tuổi từ 14 đến dưới 18, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe. Tiếp theo, không chỉ xử lý các cháu, nếu xử lý được cả bố mẹ, người giám hộ các cháu nữa, thì sẽ giảm nhiều vụ việc đáng tiếc hơn nữa.

Tôi xin nói thêm, hệ thống giám sát hành trình với mục tiêu giám sát tốc độ, lịch trình, thời gian làm việc của lái xe được khởi động từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động toàn diện, đầy đủ chức năng. Tương tự, hệ thống camera giám sát trên xe, theo kế hoạch tháng 10/2022 phải đưa vào khai thác nhưng đến nay chưa kịp thực hiện. Hay Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô hiện nay có hiệu lực quản lý "hơi yếu" so Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Đơn cử, ở Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có quy định vi phạm tốc độ thì thu hồi phù hiệu nhưng không nói thu hồi bao lâu. Những kẽ hở trong những quy định pháp luật là khó tránh khỏi trong quá trình xã hội vận động, phát triển. Bộ Giao thông vận tải đã nhận ra lỗ hổng này và đang sớm khắc phục bằng việc sửa đổi các quy định liên quan.

Đô thị Hà Nội

đối mặt nạn tắc đường và ô nhiễm. Ảnh: Khiếu Minh

- Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ đang chờ Quốc hội cho ý kiến, theo ông đâu là những điểm mới của hai dự thảo luật này?

- Thực tế ở nước ta, trước đây mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, số lượng phương tiện ít, mức độ phức tạp chưa cao thì có thể tích hợp mọi quy định vào một văn bản luật. Nhưng khi mức độ phức tạp càng cao, số lượng phương tiện tăng cao, yêu cầu quản lý càng phải chặt chẽ, nên các quy định pháp luật cũng phải chặt chẽ, cụ thể, chi tiết. Vì vậy, việc xây dựng hai dự thảo luật này, trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ 2008 là một bước tiến quan trọng, đúng theo xu hướng của thế giới, sẽ cụ thể hóa nhiều hạng mục, gắn với trách nhiệm của từng ngành, cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ. Chưa so sánh với các nước phát triển, tôi lấy thí dụ ở Hàn Quốc, có bảy luật khác nhau về giao thông đường bộ, như Luật Đường bộ, Luật An toàn giao thông đường bộ, Luật Vận tải hành khách, Luật Vận tải hàng hóa đường bộ, thậm chí taxi, đỗ xe trên đường bộ cũng có luật riêng. Như thế để thấy, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, người ta "chẻ nhỏ" vấn đề, quy định cụ thể, chi tiết để quản lý được sâu sát.

Trở lại với hai dự thảo luật, tôi được biết, Quốc hội đã và đang xem xét, nghiên cứu rất kỹ, trong quá trình đó sẽ điều chỉnh. Các Ủy ban của Quốc hội cũng chủ trì phần chuyên môn, phối hợp Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để có sự thống nhất, nhằm đưa ra hai văn bản luật khoa học nhất.

-Thưa ông, trong tầm nhìn dài hạn, cần những biện pháp gì để bảo đảm an toàn giao thông, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân?

- Không chỉ Việt Nam mà mục tiêu của toàn cầu là định hướng phát triển bền vững vào năm 2030, với nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó là kéo giảm số vụ, số người thương vong vì tai nạn giao thông. Khát vọng đó được Việt Nam đưa vào Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Như tôi đã chia sẻ, chúng ta phải xây dựng hệ thống luật thật khoa học, chi tiết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trong sâu xa, phải giáo dục, đào tạo ý thức chấp hành an toàn giao thông có hiệu quả từ trong nhà trường, để mỗi người tham gia giao thông có trách nhiệm bảo vệ mình và người khác. Ngoài ra, ở các khâu xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý hạ tầng, quản lý phương tiện, đơn vị vận tải, xử lý vi phạm… phải được làm nghiêm, khoa học, vì sự bình yên và phát triển bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!