Thêm nhiều tấm gương đẹp của phụ nữ thời đại mới

|

Nối tiếp truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam thời Bà Trưng, Bà Triệu, nhất là từ ngày thành lập Đảng đến nay, một lực lượng hùng hậu chiếm quá nửa dân số nước ta, đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý chí vùng lên giành và giữ nền độc lập tự do của Tổ quốc, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, đoàn kết, sát cánh cùng nhau viết nên 8 chữ vàng chói lọi: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, tự hào.

Những tấm gương gác tình riêng, vì nghĩa lớn, chấp nhận tù đày và sự tra tấn dã man của kẻ thù để bảo vệ Đảng; trí thông minh sáng tạo vượt lên mọi cám dỗ, thử thách của kẻ thù để làm tròn nhiệm vụ, mà điển hình là các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Kan Lịch, Nguyễn Thị Hồng Gấm, Út Tịch, tướng Nguyễn Thị Định, v.v. thật sự được nhân dân ta và cả bạn bè quốc tế ngợi ca và trân trọng!

Trong thời bình, truyền thống anh hùng sáng tạo, dũng cảm, thông minh ấy được tiếp tục nảy nở như hoa lá mùa xuân. Hàng ngàn, hàng vạn chị em từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, đã nêu cao ý chí vượt khó trong bão lũ, thiên tai, trong những điều kiện cơ sở vật chất-kỹ thuật còn thiếu thốn đủ bề, nhưng vẫn sáng tạo nhiều cách làm phù hợp, đạt hiệu quả cao, góp sức tích cực ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; đồng thời thực hiện xuất sắc vai trò người mẹ, người vợ, nuôi dạy con cháu học giỏi, chăm ngoan.

Chúng ta tự hào nhiều nữ doanh nhân xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn liếng, máy móc và chất lượng nguồn nhân lực thấp. Trong thành công lớn của phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, giữ sạch môi trường trong những năm gần đây, có sự đóng góp rất quan trọng của phụ nữ. Đặc biệt, trong 2 năm chống đại dịch Covid-19 vừa qua, hàng ngàn chị em đã không suy tính thiệt hơn, tự nguyện xa mẹ, xa con, hăng hái đi vào các tâm dịch, không quản hiểm nguy lây nhiễm, coi việc cứu sống người bệnh là niềm hạnh phúc của đời mình.

Không ít chị đã tình nguyện ra quần đảo Trường Sa giữa mênh mông biển cả, mở lớp dạy học cho các cháu học sinh, làm ấm lòng các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc. Trong các giảng đường, các viện nghiên cứu, hàng ngàn chị em say mê trau dồi kiến thức, sáng tạo không ít những công trình khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn cao.

Trong lĩnh vực chính trị-xã hội, phụ nữ nước ta ngày càng vươn lên bình đẳng với nam giới. Số chị em tham gia giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương ngày càng tăng lên. Theo đánh giá của Liên hợp quốc: Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị trong nhóm cao nhất thế giới, trong đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, phụ nữ chiếm hơn 30%.

Về giáo dục-đào tạo, số lượng nữ học sinh theo bậc trung học phổ thông là 53,8%, tỷ lệ thạc sĩ là 54,4%; 28% là tiến sĩ; số giáo sư là 11,8%, phó giáo sư là 27,7%; 19 nữ là Anh hùng Lao động, 11 nữ giáo viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; 1.011 nữ là Nhà giáo Ưu tú. Trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua, có 6 chị được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư... Chúng ta xúc động và tự hào khi có không ít chị em bị khuyết tật, vẫn vượt qua nỗi đau, bền bỉ rèn luyện, giành nhiều tấm huân chương, huy chương các loại trong các kỳ đại hội thể dục thể thao trong nước và quốc tế.

Mới đây, hai nữ nhà văn khuyết tật do bạo bệnh là Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Thị Kim Hòa đã được nhận Giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam với hàng chục đầu sách đã xuất bản, được công chúng văn học yêu mến và trân trọng.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cả xã hội nồng nhiệt chúc mừng những thành tựu to lớn của phụ nữ Việt Nam và tự hào vườn hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam ngày càng có nhiều bông hoa muôn mầu, muôn sắc, làm sáng danh hình mẫu người phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh!