Làng gốm Thanh Hà 500 tuổi

|

Nếu miền bắc có gốm Bát Tràng, Phù Lãng nức tiếng xưa nay, thì gốm Thanh Hà chính là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Quảng. Làng nghề ra đời từ năm thế kỷ trước đến nay vẫn nằm hiền hòa bên con sông Thu Bồn thơ mộng, đợi chờ bước chân của lữ khách ưa khám phá...

Nghe danh làng gốm Thanh Hà (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) đã lâu, rằng đây là làng gốm thuần Việt thủ công hoàn toàn, không dùng bất kỳ loại phụ gia nào ngoài đất sét và gốm được nung bằng than củi. Chúng tôi hăm hở từ trung tâm phố cổ đi về phía tây, qua làng lụa, qua chợ cá, để đến với một trong những làng nghề lâu đời nhất vùng này. Làng gốm Thanh Hà đúng là một vùng đất mộc mạc, lọt thỏm dưới những tán cây xanh mát, bao quanh là sông nước êm đềm. Ngay đầu làng là công viên - bảo tàng đất nung Thanh Hà, được xem như bảo tàng gốm lớn nhất cả nước, mở cửa miễn phí cho khách tham quan. Điểm độc đáo ở đây là những tác phẩm gốm thu nhỏ mô phỏng nhiều kỳ quan thế giới và danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Từ nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh) đến Khuê Văn Các (Hà Nội), rồi nhà hát Opera Sydney (Ô-xtrây-li-a), tượng Nữ thần tự do (Mỹ), Kim tự tháp (Ai Cập), đền Taj Mahal (Ấn Độ)… hút mắt người xem với từng chi tiết nhỏ được tái hiện tinh tế trên mầu đỏ của gạch, vàng nâu của đất, chen giữa mầu xanh cỏ cây.

Trong làng có khoảng gần 30 hộ dân ngày ngày cần mẫn với nghề làm gốm. Chỉ cần đặt chân đến một nhà bất kỳ, ai cũng sẵn sàng mời khách vào tham quan, trò chuyện. Người Thanh Hà thuộc lòng câu chuyện lịch sử, gốc gác làng mình. Khoảng thế kỷ XVI, cư dân vùng Thanh Hóa, Nam Định theo chân chúa Nguyễn vào nam lập nghiệp đã chọn vùng đất Thanh Hà ngày nay - nơi bãi bồi ven sông để định cư, sinh sống bằng nghề gốm. Từ đó gốm Thanh Hà trở nên nhiều người biết đến, nổi tiếng khắp miền trung, trở thành mặt hàng quan trọng cung cấp cho các thương gia từ khắp bốn phương đến phố cảng Hội An. Thanh Hà cũng chính là nơi sản xuất gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An - nơi đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Giữa mùa hè đang độ oi bức, nhưng gió từ sông Thu Bồn thổi vào vẫn làm dịu mát những đôi chân rảo bước trên con đường gạch đơn sơ trong làng, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ kính, những hàng rào bằng cây xanh rì được cắt tỉa đẹp mắt, và những kệ đồ gốm lưu niệm muôn mầu muôn vẻ. Tại đây, lần đầu tôi được tận mắt chứng kiến một quy trình làm gốm thủ công, không có khuôn mẫu, không hóa chất. Chỉ từ đất sét và một tấm ván xoay hình tròn, nghệ nhân thoăn thoắt tạo hình một chiếc bình hoa cầu kỳ và cân xứng hoàn hảo. Mỗi người thợ có một tính cách, phong cách khác nhau, và họ thỏa sức thổi hồn vào từng viên đất vô tri. Gốm Thanh Hà hiện nay ngoài đồ gia dụng, đồ nội thất truyền thống, còn có khá nhiều sản phẩm sáng tạo mới lạ do lớp trẻ tìm tòi, học hỏi và làm ra để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mấy năm trước, chính quyền địa phương đã đầu tư cho làng ba hệ thống lò nung hiện đại, nhưng đa phần bà con vẫn gắn bó với lò nung thủ công của gia đình.

Ăn gốm, ngủ gốm, quần áo lúc nào cũng phảng phất mùi đất nung, đó là những người con của làng gốm Thanh Hà. Rời làng với vài sản phẩm gốm rất đẹp mà giá cả phải chăng, tôi cứ miên man suy nghĩ. Nghề gốm đòi hỏi sự kiên trì, vất vả, thu nhập lại chẳng cao, nhưng phải chăng chính niềm tự hào và tình yêu với từng tấc đất quê hương mới giữ được họ ở lại với nghề.